Indonesia công bố chiến lược trong vai trò Chủ tịch G20 năm 2022
Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto ngày 1/6 cho biết, với vai trò là Chủ tịch G20, Indonesia sẽ dẫn đầu các biện pháp chiến lược để giải quyết các tác động của đại dịch COVID-19.
Một phiên thảo luận trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, ngày 22/11/2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Indonesia đã công bố các chiến lược của Indonesia trong vai trò là chủ tịch G20 Sherpa vào năm 2022 khi các thành viên của diễn đàn quốc tế này đang nỗ lực giải quyết những tác động to lớn của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng.
Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto ngày 1/6 cho biết, đại dịch toàn cầu COVID-19 đã khiến diễn đàn này phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp hơn và hy vọng rằng với vai trò là Chủ tịch G20, Indonesia sẽ dẫn đầu các biện pháp chiến lược để giải quyết các tác động của đại dịch.
Theo đó, nhiệm kỳ chủ tịch G20 sẽ mang lại lợi ích cho Indonesia, bao gồm cả việc hiệp lực với các thành viên của cộng đồng quốc tế để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế nước này và toàn cầu.
Bên cạnh đó, với vai trò là chủ tịch sẽ cho phép Indonesia có tiếng nói trong việc xác định các hướng đi của nền kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng COVID-19, bao gồm cả những định hướng liên quan đến sự ổn định của hệ thống tài chính quốc tế.
Ngoài ra, cũng cho phép Indonesia thể hiện những thành công của mình trong việc thực hiện cải cách cơ cấu và tài chính giữa đại dịch COVID-19 như việc thông qua Luật tạo việc làm, chuyển đổi sang năng lượng xanh và thành lập quỹ tài sản có chủ quyền của Indonesia (SWF).
Ông Airlangga chũng cho biết với nhiệm kỳ này cũng sẽ cho phép Indonesia sử dụng các hỗ trợ quốc tế cho các chương trình ưu tiên của mình, bao gồm số hóa, phát triển nguồn nhân lực, trao quyền cho phụ nữ và thanh niên, sẵn có nguồn vaccine và chuẩn bị cho hệ thống chăm sóc sức khỏe để giảm thiểu rủi ro đại dịch trong tương lai.
Trước đó, ngày 27/5/2021, Tổng thống Joko Widodo đã bổ nhiệm ông Airlangga Hartarto làm chủ tịch G20 Sherpa Track.
Năm 2021, Italy đảm nhận vai trò chủ tịch G20 với chủ đề tập trung vào “ba trụ cột hành động rộng lớn, được kết nối với nhau: Con người, hành tinh, sự thịnh vượng”.
Được thành lập vào năm 1999, G20 bao gồm 20 thành viên là Mỹ, Argentina, Brazil, Australia, Canada, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Vương quốc Anh, Ấn Độ, Arab Saudi, Nam Phi, Italy, Pháp, Nga và Liên minh châu Âu./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()