In-đô-nê-xi-a vật lộn đối phó núi lửa Mê-ra-pi
Đợt phun trào mạnh nhất của núi lửa Mê-ra-pi trong một thế kỷ qua và mạnh nhất ở In-đô-nê-xi-a kể từ năm 1982 buộc Chính phủ nước này lập ngay ủy ban quốc gia cứu trợ thảm họa để gấp rút cứu và sơ tán dân ở hai tỉnh thiệt hại nặng nhất là Trung Gia-va và Tây Xu-ma-tơ-ra.Cơ quan giảm nhẹ thiên tai núi lửa và địa chấn In-đô-nê-xi-a cho biết, trong đợt phun trào ngày 5-11 vừa qua, ngọn Mê-ra-pi đã đẩy những dòng mác-ma ở sâu bảy km lên mặt đất với nhiệt độ 750oC, so mấy ngày trước dòng mác-ma chỉ ở độ sâu hai km và phun trào với nhiệt độ 600oC. Vì vậy, ở cách núi lửa 20 km vẫn nghe thấy những tiếng nổ khủng khiếp, đồng thời khối tro bụi phun lên từ miệng núi lửa đợt mới nhất này đã lan tới tận Bô-go và Ban-đung, thuộc tỉnh Tây Gia-va, cách núi lửa hàng trăm km. Thành phố Gioóc-gia-các-ta cách Thủ đô Gia-các-ta hơn 800 km và cách núi lửa Mê-ra-pi 20 km về phía nam bị phủ lớp tro bụi dày một cm, tầm nhìn chỉ còn chưa đầy 20...
Cơ quan giảm nhẹ thiên tai núi lửa và địa chấn In-đô-nê-xi-a cho biết, trong đợt phun trào ngày 5-11 vừa qua, ngọn Mê-ra-pi đã đẩy những dòng mác-ma ở sâu bảy km lên mặt đất với nhiệt độ 750oC, so mấy ngày trước dòng mác-ma chỉ ở độ sâu hai km và phun trào với nhiệt độ 600oC. Vì vậy, ở cách núi lửa 20 km vẫn nghe thấy những tiếng nổ khủng khiếp, đồng thời khối tro bụi phun lên từ miệng núi lửa đợt mới nhất này đã lan tới tận Bô-go và Ban-đung, thuộc tỉnh Tây Gia-va, cách núi lửa hàng trăm km. Thành phố Gioóc-gia-các-ta cách Thủ đô Gia-các-ta hơn 800 km và cách núi lửa Mê-ra-pi 20 km về phía nam bị phủ lớp tro bụi dày một cm, tầm nhìn chỉ còn chưa đầy 20 m, sân bay quốc tế ở đây phải tạm đóng cửa. Bụi bao phủ các mái nhà, ô-tô, lá cây và mọi thứ trong một khu vực có bán kính vài trăm km tính từ núi lửa. Làng Brông-gang, cách núi lửa chừng 15 km, là một trong những nơi chịu tác động nặng nề nhất trong đợt phun trào trên đảo Gia-va, với hàng chục người chết và bị thương, nhiều gia súc, đồ đạc bị cháy đen, những mái nhà bị bao phủ bởi lớp tro mịn mầu trắng. Kể từ khi 'thức giấc' từ ngày 26-10 đến nay, núi lửa Mê-ra-pi đã làm 140 người chết, bốn ngôi làng bị thiêu hủy hoàn toàn và gần 300 nghìn người phải sơ tán. Nhà chức trách đã mở rộng phạm vi vùng nguy hiểm từ 15 km lên 20 km. Các chuyên gia về núi lửa cảnh báo, ngọn núi cao 2.914 m này sẽ còn phun trào nhiều đợt.
Tổng thống X.B.Giu-đô-giô-nô đã bay tới TP Gioóc-gia-các-ta và tạm đặt văn phòng làm việc ngay tại đó để trực tiếp theo dõi và chỉ đạo giải quyết tình hình vào ngày núi lửa Mê-ra-pi hoạt động hung hãn nhất, ngày 5-11. Đây là ngày có nhiều người chết nhất trong vài thập kỷ qua, đã có 94 người chết, hơn 200 người khác bị bỏng, khó thở, gãy xương và rách thịt. Trong đợt trở lại khu vực thảm họa thiên tai lần thứ hai này, Tổng thống kêu gọi nhân dân cả nước quyên góp giúp đỡ người dân các vùng bị thảm họa, đồng thời chỉ thị cho Quân đội In-đô-nê-xi-a (TNI) thành lập một sư đoàn đặc biệt và Cảnh sát Quốc gia In-đô-nê-xi-a (POLRI) thành lập một lực lượng đặc nhiệm đặt dưới quyền điều hành của Cơ quan quốc gia giảm nhẹ thiên tai (BNPB). Các đơn vị này trực tiếp tham gia các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, sơ tán nhân dân và giữ ổn định trật tự. Tổng thống cũng chỉ thị Chính phủ mua lại toàn bộ gia súc, gia cầm của các hộ gia đình phải sơ tán để nhân dân yên tâm. Bộ Môi trường In-đô-nê-xi-a cũng đã lập nhóm công tác đặc biệt quản lý sau thảm họa, với nhiệm vụ phân tích những mối nguy hiểm đe dọa con người và môi trường do các thảm họa thiên tai gây ra để hỗ trợ các kế hoạch tái thiết. Kết quả chính của những khảo sát, đánh giá của nhóm nhằm tìm lời giải đáp cho câu hỏi liệu các vùng bị thảm họa có còn thích hợp cho người dân sinh sống hay không? In-đô-nê-xi-a nằm trong khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương và là một trong những quốc gia phải thường xuyên chịu hầu hết các loại thiên tai, từ lũ lụt, lở đất, động đất cho tới sóng thần. Các nhà khoa học In-đô-nê-xi-a cho rằng, con người không thể chống lại thảm họa thiên nhiên mà chỉ có thể điều chỉnh và tìm cách né tránh thiên tai. Họ kêu gọi chính phủ mở các lớp ngắn ngày phổ biến cho người dân cách né tránh thiên tai, đồng thời tích cực trồng và bảo vệ rừng để ngăn chặn lũ quét và những thảm họa khác do nạn phá rừng gây ra.
Thảm họa núi lửa Mê-ra-pi ở In-đô-nê-xi-a gợi nhớ vụ núi lửa Ét-gia-giô-en ở sông băng E-gia-gia-la-giô-cun của Ai-xơ-len phun trào hồi giữa tháng 4 vừa qua khiến giao thông hàng không châu Âu bị hỗn loạn. Bất chấp việc nhà chức trách In-đô-nê-xi-a khẳng định các điều kiện bay ở Thủ đô nước này là an toàn, các hãng hàng không Xin-ga-po, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Ma-lai-xi-a, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã hủy hoặc hoãn hàng chục chuyến bay đi và đến Gia-các-ta nhằm bảo đảm an toàn trước mối đe dọa nguy hiểm do những cột khói bụi khổng lồ bốc lên từ ngọn Mê-ra-pi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()