IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ lên 6,8%
IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm tài chính hiện tại từ 6,5% (được đưa ra hồi tháng Một) lên mức 6,8%, chủ yếu nhờ đầu tư công.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm tài chính hiện tại từ 6,5% (được đưa ra hồi tháng Một) lên mức 6,8%, chủ yếu nhờ đầu tư công.
Ông Krishna Srinivasan, Giám đốc Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF nêu rõ: “Ở Trung Quốc và Ấn Độ, chúng tôi cho rằng đầu tư đóng góp một cách không cân xứng vào tăng trưởng - phần lớn là đầu tư công, đặc biệt là ở Ấn Độ."
Ngoài ra, IMF đã nâng triển vọng tăng trưởng trong năm tài chính 2024 của Ấn Độ lên 7,8%, cao hơn ước tính 7,6% của Chính phủ Ấn Độ.
Báo cáo của IMF nhấn mạnh rằng "Ấn Độ và Philippines là nguồn gốc của những bất ngờ tăng trưởng tích cực liên tục, được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa mạnh mẽ, ổn định."
Về lạm phát, IMF dự đoán tình hình sẽ thuận lợi hơn đối với các thị trường mới nổi, nơi lạm phát đã hoặc gần mục tiêu.
Báo cáo nêu rõ: "Lạm phát lõi phần lớn dự kiến sẽ được kiểm soát. Đối với lạm phát chung, một số nền kinh tế có thể giảm thêm do giá năng lượng giảm trong khi ở các nước khác (ví dụ: Ấn Độ), áp lực giá lương thực - đặc biệt đối với gạo - có thể làm chậm lại quá trình giảm phát."
Tỷ lệ lạm phát của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng là 4,9% trong tháng Ba, mặc dù lạm phát thực phẩm vẫn duy trì ở mức trên 8%.
IMF duy trì dự báo tỷ lệ lạm phát ở Ấn Độ là 4,6% cho năm tài chính 2025 và 4,2% cho năm tài chính 2026.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (ngân hàng trung ương) dự đoán lạm phát sẽ giảm xuống 4,5% trong năm tài chính hiện tại.
Ngoài triển vọng tích cực của Ấn Độ, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Á và Thái Bình Dương lên 4,5% so với mức dự báo 4,2% trước đó vào tháng 10.
IMF lưu ý rằng tình trạng suy thoái kinh tế của khu vực vào năm 2024 dự kiến sẽ ít nghiêm trọng hơn dự đoán ban đầu do áp lực lạm phát tiếp tục giảm bớt, đồng thời nhấn mạnh rằng rủi ro đối với triển vọng ngắn hạn sẽ cân bằng hơn.
Liên quan đến lạm phát, IMF đã đề xuất những chính sách khác biệt với lập trường chặt chẽ hơn trong thời gian dài hơn ở các nền kinh tế có lạm phát tăng cao và những chính sách vĩ mô phù hợp ở các nền kinh tế có tình trạng suy thoái đáng kể./.
Ý kiến ()