IMF lo ngại quá trình toàn cầu hóa thêm “chật vật” vì dịch COVID-19
Trước tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp, IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt tại những khu vực tâm dịch như Mỹ Latinh và châu Âu.
Trước tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp, IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt tại những khu vực tâm dịch như Mỹ Latinh và châu Âu.
Lo ngại quá trình toàn cầu hóa thêm “chật vật” vì dịch COVID-19
Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Gita Gopinath ngày 24/6 cho biết tuy quá trình toàn cầu hóa đã gặp nhiều khó khăn từ trước, song đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đã làm trầm trọng thêm những lo ngại đó.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP (Pháp), bà Gopinath nói rằng từ trước khi cuộc khủng hoảng COVID-19 xảy ra, nhiều câu hỏi nghiêm túc về toàn cầu hóa và lợi ích của nó đã xuất hiện.
Cũng trong giai đoạn đó, thế giới đã chứng kiến những căng thẳng thương mại gia tăng. Giờ đây, cuộc khủng hoảng COVID-19 có lẽ đã làm trầm trọng thêm một số vấn đề này. Song bà Gopinath nhấn mạnh điều quan trọng là các quốc gia phải hợp tác với nhau.
Chuyên gia của IMF thừa nhận hệ thống kinh tế hiện thời không hề hoàn hảo, đặc biệt là hệ thống thương mại đa phương cần phải cải thiện thêm. Do vậy, các quốc gia phải cùng làm việc về vấn đề này. Bà Gopinath nhấn mạnh việc các quốc gia đi ngược lại xu hướng hợp tác và chuyển hoạt động sản xuất về lại trong nước không phải một chiến lược phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
Đề cập tới chiến lược để tránh những thiệt hại lâu dài cho kinh tế toàn cầu, bà Gopinath cho rằng các quốc gia cần xây dựng một nền tảng phục hồi dựa trên kiến tạo việc làm dồi dào, như hỗ trợ tài chính cho các công ty để họ có thể tuyển dụng những người dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp dài hạn.
Quan điểm của bà Gopinath là các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải thích nghi với tình hình. Các chính phủ không thể dừng những biện pháp hỗ trợ quá sớm Thậm chí, có thể sẽ cần thêm các chính sách mới bởi vì cuộc khủng hoảng COVID-19 chưa kết thúc.
Khi được hỏi về triển vọng của kinh tế Mỹ trước thông tin về số ca nhiễm COVID-19 mới tăng vọt tại nước này, bà Gopinath nhận xét tác động lớn nhất của dịch bệnh lên nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ diễn ra trong quý 2 năm 2020. IMF hy vọng nền kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu phục hồi từng bước dù không đồng đều trên các lĩnh vực.
IMF ước tính tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm 2021 vẫn sẽ thấp hơn mức tăng của năm 2019.
Theo chuyên gia Gopinath, Chính phủ Mỹ đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ quy mô lớn chưa từng có thông qua cả chính sách tài khóa lẫn chính sách tiền tệ. Điều này đã thành công trong việc đảm bảo sinh kế cho người dân và ngăn chặn các vụ phá sản trên diện rộng. Hai yếu tố này hoàn toàn có thể hỗ trợ cho quá trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ trong tương lai.
Dự báo kinh tế Eurozone suy giảm ở mức hai con số
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế châu Âu, trong đó Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ suy giảm 10,2% trong năm 2020.
Đây là dự báo mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới công bố trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu 2020.
Theo dự báo này, tăng trưởng của Eurozone được điều chỉnh xuống mức âm 10,2% trong năm nay, giảm thêm 2,7 điểm % so với mức dự báo mà IMF đưa ra vào tháng Tư vừa qua. Nền kinh tế khu vực được dự báo sẽ phục hồi vào năm 2021 với mức tăng trưởng 6,0%, cao hơn 3,3 điểm % so với mức dự báo hồi tháng Tư.
Nền kinh tế hàng đầu châu Âu là Đức sẽ suy giảm 7,8% trong năm 2020 và sau đó tăng 5,4% vào năm 2021 trong khi các quốc gia khác suy giảm sâu hơn. Cụ thể, nền kinh tế Pháp sẽ giảm khoảng 12,5% trong năm nay và tăng 7,3% vào năm 2021. Nền kinh tế Tây Ban Nha cũng sẽ suy giảm 12,8% trước khi hồi phục và tăng 6,3% vào năm 2021.
Vừa tách ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) cùng tham vọng sẽ độc lập thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ với hướng đi riêng, nền kinh tế Anh không những không thể tăng trưởng mà còn được dự báo sẽ suy giảm ở mức 2 con số do tác động của đại dịch COVID-19 ngay trong năm đầu tiên hoàn thành Brexit.
Theo IMF, nền kinh tế nước này sẽ suy giảm 10,2% trong năm 2020. Phải đến năm 2021 nền kinh tế của “xứ sở sương mù” mới tăng trưởng trở lại ở mức 6,3%.
Từng là tâm dịch châu Âu, nền kinh tế Italy cũng sẽ chịu những tác động không hề dễ chịu từ đại dịch. Theo phóng viên TTXVN tại Rome, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Italy trong năm 2020 xuống mức âm12,8%, giảm thêm 3,7% so với mức dự báo tăng trưởng âm 9,1% được tổ chức này đưa ra vào tháng Tư.
Bên cạnh đó, IMF cũng điều chỉnh tăng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Italy trong năm 2021 lên 6,3%, tăng 1,5% so với mức dự báo trước đó.
Ngay kể cả trước khi dịch bệnh xảy ra, vấn đề nợ công của Italy cũng đã là chủ đề nóng gây mâu thuẫn giữa nước này và EU. Do tác động của COVID-19, tình hình tại Italy càng thêm nghiêm trọng.
IMF dự báo nợ công và thâm hụt ngân sách của Italy sẽ tăng vọt vào năm 2020 từ mức 134,8% Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 lên 166,1% GDP trong năm 2020 và sau đó giảm xuống 161,9% vào năm 2021.
IMF cũng đã điều chỉnh dự báo thâm hụt ngân sách của Italy, theo đó, thâm hụt ngân sách dự báo ở mức 12,7% GDP (so với dự báo 8,3% vào tháng Tư) và 7,0% vào năm 2021 (3,5% vào tháng Tư).
Đối với các nền kinh tế châu Âu khác, IMF cũng dự báo nợ công của Pháp và Tây Ban Nha sẽ vượt 100% GPD, với mức 125,7% vào năm 2020, 123,8% vào năm 2021 đối với Pháp và 123,8% vào năm 2020, 124,1% vào năm 2021 đối với Tây Ban Nha.
Hạ dự báo triển vọng kinh tế Mỹ Latinh
Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2020 mới công bố, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng của khu vực Mỹ Latinh và Caribe xuống mức âm 9,4% trong năm nay và phục hồi với mức tăng trưởng 3,7% vào năm 2021.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, trong báo cáo mới của IMF, cả 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực đều sẽ sụt giảm sâu hơn mức trung bình của thế giới.
Cụ thể, Brazil được dự báo sụt giảm 9,1% trong năm nay và tăng trưởng 3,6% năm 2021. Nằm trong số những thị trường mới nồi chính của thế giới, nền kinh tế Argentina sụt giảm 9,9% năm nay và tăng trưởng 3,8% năm 2021, trong khi nền kinh tế Mexico cũng sẽ sụt giảm 10,5% năm nay và tăng trưởng 3,3% trong năm 2021.
Xét về khu vực, Mỹ Latinh và Caribe chỉ đứng sau khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) về mức độ sụt giảm kinh tế do tác động từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. IMF dự báo eurozone tăng trưởng âm 10,2% trong năm nay.
Cả Argentina, Brazil và Mexico đều có mức sụt giảm sâu hơn khá nhiều so với mức trung bình 3% của khối các nền kinh tế mới nổi.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2009, các nền kinh tế mới nổi này, cùng với Trung Quốc, đã phát triển mạnh mẽ để nâng đỡ nền kinh tế toàn cầu khi mà các nền kinh tế phát triển chật vật tìm cách vượt qua giai đoạn suy thoái tồi tệ.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, IMF lần đầu tiên dự báo tăng trưởng âm đối với tất cả các khu vực trên thế giới. Kinh tế toàn cầu trong năm 2020 dự kiến sụt giảm 4,9%, mức sụt giảm sâu nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái những năm 1930 và sâu hơn khá nhiều so với mức dự báo sụt giảm 3% mà IMF đưa ra hồi tháng 4 vừa qua.
IMF cho biết dự báo trên phụ thuộc vào mức độ sụt giảm hoặc trì trệ kinh tế tại các nước ghi nhận trong quý II, hiện vẫn chưa kết thúc, cũng như phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh trong thời gian còn lại của năm nên không loại trừ những biến động đáng kể trong những báo cáo tới./.
Ý kiến ()