IMF: Lạm phát Việt Nam có thể giảm mạnh
Trong một thông báo trên website cuối tuần qua, IMF dự đoán lạm phát của VIệt Nam năm nay sẽ là 13,75%, sau đó giảm mạnh còn 6,25% vào năm 2012, với giả định giá cả hàng hóa thế giới không tăng đột biến. Báo cáo mới đăng trên website chính thức của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra những nhận định khá lạc quan về kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng cao hơn mục tiêu của chính phủTheo IMF, Việt Nam đã chống chọi khá tốt trước cơn bão khủng hoảng toàn cầu. Tăng trưởng GDP năm 2010 vào khoảng 6,75%, cao hơn mức kế hoạch của chính phủ. Tuy nhiên, những rủi ro kinh tế vĩ mô bắt nguồn từ sự nới lỏng chính sách trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ngày một rõ nét. Mặc dù phần lớn các chính sách tài khóa đã kết thúc vào cuối năm 2009, nhưng những chính sách tiền tệ vẫn được duy trì sau đó đã góp phần khiến tăng trưởng tín dụng cao (vào tháng 2/2011 ở mức 35% so với cùng kỳ năm trước), lạm phát nhảy vọt...
Trong một thông báo trên website cuối tuần qua, IMF dự đoán lạm phát của VIệt Nam năm nay sẽ là 13,75%, sau đó giảm mạnh còn 6,25% vào năm 2012, với giả định giá cả hàng hóa thế giới không tăng đột biến.
Báo cáo mới đăng trên website chính thức của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra những nhận định khá lạc quan về kinh tế Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng cao hơn mục tiêu của chính phủ
Theo IMF, Việt Nam đã chống chọi khá tốt trước cơn bão khủng hoảng toàn cầu. Tăng trưởng GDP năm 2010 vào khoảng 6,75%, cao hơn mức kế hoạch của chính phủ. Tuy nhiên, những rủi ro kinh tế vĩ mô bắt nguồn từ sự nới lỏng chính sách trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ngày một rõ nét. Mặc dù phần lớn các chính sách tài khóa đã kết thúc vào cuối năm 2009, nhưng những chính sách tiền tệ vẫn được duy trì sau đó đã góp phần khiến tăng trưởng tín dụng cao (vào tháng 2/2011 ở mức 35% so với cùng kỳ năm trước), lạm phát nhảy vọt (tháng 5/2011 ở mức gần 20% so với năm trước), giá vàng và giá ngoại tệ thời điểm đầu năm đã gây áp lực lớn cho hệ thống tài chính.
Xét về triển vọng kinh tế, tăng trưởng GDP năm 2011 dự đoán thấp hơn năm 2010, ở mức 6,25%, tuy nhiên cao hơn mục tiêu của chính phủ đề ra là 6%. Dưới tác động của các chính sách kinh tế cộng với nhu cầu giảm và giả định giá hàng hóa thế giới không tăng thêm, dự đoán lạm phát vào cuối năm nay sẽ ở mức 13,75%, sau đó giảm còn 6,25% vào cuối năm 2012. Dự trữ ngoại tệ sẽ phục hồi phần nào song vẫn ở mức thấp. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng được dự đoán tăng trong năm nay, tuy nhiên vẫn ở mức thấp. Theo các thông tin trên báo chí, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào thời điểm cuối tháng 5 ở mức khoảng 13,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, viễn cảnh này còn phụ thuộc vào sự kiên quyết của chính phủ trong việc thực hiện các chính sách ổn định, và nếu cần thiết, tăng cường các biện pháp để khôi phục lòng tin vào tiền đồng. Xét về trung hạn, các nền tảng để duy trì tăng trưởng vẫn vững chắc, với điều kiện các chính sách vĩ mô phù hợp tiếp tục được thực thi.
Các chính sách của Việt Nam đi đúng hướng
Ban giám đốc của IMF đánh giá cao Việt Nam trong việc duy trì được mức tăng trưởng cao trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu. Tuy nhiên, các chính sách kích thích tăng trưởng được thực hiện trong suốt cuộc khủng hoảng đã bộc lộ những mặt trái đối với kinh tế vĩ mô, bằng chứng là tình trạng lạm phát và tăng trưởng tín dụng nóng. Vì vậy, ban giám đốc ủng hộ sự thay đổi chính sách sang hướng ổn định nền kinh tế.
IMF đánh giá cao chính sách thắt chặt tiền tệ đã được thực hiện trong vài tháng qua, và những kết quả tích cực từ gói chính sách tiền tệ và tài khóa trong việc kìm chế lạm phát và ổn định tỷ giá. IMF nhấn mạnh rằng việc thực thi chính sách kiên quyết và nhanh chóng là cần thiết để tạo động lực và phục hồi lòng tin đối với quản lý kinh tế vĩ mô. IMF khuyến cáo Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng về việc lạm phát giảm và dự trữ ngoại tệ phục hồi, đồng thời sẵn sàng thực hiện các biện pháp tiếp theo nếu cần thiết.
Theo IMF, việc thắt chặt tiền tệ nên được thực hiện bằng các công cụ thị trường truyền thống. Trong ngắn hạn, các biện pháp quản lý hành chính có thể đóng vai trò hỗ trợ, nhưng phải phù hợp với việc tăng lòng tin vào tiền đồng.
Ban giám đốc lưu ý rằng rủi ro trong lĩnh vực tài chính đang tăng lên và nhấn mạnh sự cần thiết phải có những hành động kịp thời để đảm bảo sự ổn định tài chính trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng nhanh và các khoản nợ xấu đang có xu hướng tăng. Các ngân hàng yếu nên được cơ cấu lại hoặc sáp nhập với các tổ chức mạnh hơn, đồng thời bảo vệ người gửi tiền và tránh để xảy ra những ảnh hưởng dây chuyền trên diện rộng.
IMF khuyến khích những nỗ lực để cải thiện sự hợp tác giữa các cơ quan giám sát, thiết lập một chương trình quản lý khủng hoảng hiệu quả, có sự chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống khẩn cấp.
IMF cũng cho rằng công tác thống kê và công bố các dữ liệu kinh tế cần có những nỗ lực lớn hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, tính kịp thời và mức độ bao quát. Việc cải thiện công bố thông tin với thị trường sẽ giúp giảm bất ổn và tăng cường tiềm năng của kinh tế Việt Nam.
Theo Vnmedia
Ý kiến ()