IMF không quan ngại về lạm phát tăng cao do gói cứu trợ kinh tế Mỹ
Nhà kinh tế trưởng của IMF, bà Gopinath ước tính rằng với quy mô số tiền kích thích hiện tại, lạm phát của Mỹ sẽ đạt khoảng 2,25% vào năm 2022. Bà đánh giá mức này không có gì đáng lo ngại.
Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath ngày 19/2 cho biết những lo ngại rằng lạm phát có thể vượt khỏi tầm kiểm soát do gói kích thích khổng lồ của Mỹ đang bị thổi phồng quá mức.
Trong một bài đăng trên blog của IMF, bà Gopinath ước tính rằng với quy mô số tiền kích thích hiện tại, lạm phát của Mỹ sẽ đạt khoảng 2,25% vào năm 2022. Bà đánh giá mức này không có gì đáng lo ngại.
Bà Gopinath lưu ý những lo ngại về một nền kinh tế phát triển “quá nóng” có thể đẩy lạm phát vượt trên ngưỡng chịu đựng được của các ngân hàng trung ương. Nhưng theo chuyên gia của IMF, bằng chứng từ bốn thập niên qua cho thấy kịch bản này khó xảy ra.
Trong thập niên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, lạm phát hàng năm của Mỹ hầu như không phá vỡ mục tiêu 2% do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề ra. Tính đến tháng 12/2020, con số này chỉ là 1,3%.
Ngoài ra, bà Gopinath cho rằng khoản viện trợ được đề xuất của Chính phủ Mỹ sẽ đẩy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng từ 5-6% trong vòng ba năm, giúp phục hồi mức suy giảm 3,5% ghi nhận vào năm 2020.
Bà Gopinath thừa nhận những nguy cơ xảy ra nhiễu loạn thị trường do sự thay đổi giá tạm thời, hoặc những tin tức bi quan về các biến thể virus mới.
Song theo đánh giá của chuyên gia IMF, nền kinh tế toàn cầu vẫn còn trì trệ đáng kể và qua đó giúp giảm áp lực giá cả. Việc các chuỗi cung ứng trên toàn thế giới hầu như không bị gián đoạn cũng sẽ loại bỏ một mối nguy tiềm ẩn đối với lạm phát tăng cao.
Lập luận của bà trái ngược với những lời chỉ trích đối với gói giải cứu trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhiều người cho rằng số tiền trên là quá lớn. Ngay cả những nhà kinh tế thuộc đảng Dân chủ bày tỏ quan ngại về khả năng giá cả sẽ tăng đột biến.
Giá cả tăng cao sẽ làm xói mòn sức mua, trong khi lãi suất cao hơn để kiểm soát lạm phát sẽ khiến chi phí đi vay leo thang giữa lúc nền kinh tế đã ngập trong nợ nần vì tác động từ đại dịch COVID-19.
Một số nhà kinh tế bao gồm cả cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers đã khuyến cáo Chính phủ Mỹ phải thận trọng. Họ cho rằng chi tiêu vượt mức có thể gây ra một vòng xoáy lạm phát mà Fed khó nắm được kiểm soát./.
Ý kiến ()