IMF dự đoán Việt Nam tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2021
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6,5% trong năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng 6% của toàn thế giới và đạt mức 7,2% vào năm 2022.
IMF cũng dự báo nhóm 5 nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – bao gồm Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia – sẽ tăng trưởng GDP ở mức 4,9% trong năm 2021 và 6,1% trong năm 2022.
Về tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam, IMF ước tính sẽ giảm từ 3,3% trong năm 2020 xuống 2,7% trong năm 2021, sau đó tiếp tục giảm còn 2,4% trong năm 2022. Đây là những dấu hiệu tích cực của kinh tế Việt Nam nếu so với mặt bằng chung của thế giới.
IMF cho biết cơ quan này kỳ vọng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt 6% trong năm nay, cao hơn mức 5,5% được dự báo hồi tháng 1.
Báo cáo cho hay: “Sự phục hồi đa tốc độ đang diễn ra tại mọi khu vực, ở khắp các nhóm thu nhập. Tốc độ này phụ thuộc vào tốc độ tiêm phòng dịch, quy mô chính sách hỗ trợ kinh tế và các nhân tố trong nền kinh tế, điển hình như sự phụ thuộc vào du lịch”.
IMF cho rằng các chính phủ nên tiếp tục tập trung vào “việc thoát khỏi khủng hoảng COVID-19” bằng cách cung cấp hỗ trợ tài khóa. Ở giai đoạn 2, các nhà quyết sách sẽ cần phải hạn chế những thiệt hại kinh tế dài hạn từ cuộc khủng hoảng và gia tăng đầu tư công, IMF nhận định.
Trong khi đó, một số định chế tài chính lớn quốc tế đã đưa ra những nhận định tích cực đối với kinh tế Việt Nam. Ngân hàng United Oversea Bank thì đưa ra dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt ở mức khá cao là 7,1%. Khối Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC cũng dự báo Việt Nam đạt tăng trưởng năm 2021 là 6,6%.
Ngày 6/4, Tạp chí borgenmagazine.com của Mỹ đăng bài nhận định kể từ khi tiến hành cải cách kinh tế theo đường lối Đổi mới tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đã có sự tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc, tạo ra sự bùng nổ hoạt động kinh tế và giảm tỉ lệ nghèo. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam vẫn còn thua so với nhiều nền kinh tế phát triển khác và đây chính là chìa khóa để Việt Nam phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn nữa.
Bài báo kết luận Việt Nam đang ở ngã ba đường trong quá trình phát triển và cần đầu tư vào mạng lưới giao thông để duy trì và mở rộng tốc độ tăng trưởng. Dù gặp khó khăn trong việc cấp vốn cho dự án Đường cao tốc Bắc-Nam, song việc thực hiện Luật PPP được kỳ vọng sẽ khắc phục vấn đề này bằng cách làm cho hình thức PPP trong các dự án cơ sở hạ tầng trở nên đơn giản và hấp dẫn hơn.
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()