ILO: Thế giới có thể mất gần 25 triệu việc làm vì COVID-19
Một đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của COVID-19 đến tình hình lao động trên toàn cầu cho thấy tác động của dịch bệnh sẽ còn tiếp tục mở rộng, khiến hàng triệu người lao động phải rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm và rớt xuống dưới chuẩn nghèo.
Theo một đánh giá mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do đại dịch COVID-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu.
Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể đưa ra giải pháp chính sách đối phó với tình hình này một cách đồng bộ ở tầm quốc tế – như thế giới đã chứng kiến trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, thì tác động của dịch bệnh đến tình trạng thất nghiệp toàn cầu có thể giảm đi đáng kể.
Báo cáo đánh giá sơ bộ “COVID19 và thế giới việc làm: Tác động và giải pháp” kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp, trên diện rộng và đồng bộ ở cả 3 trụ cột: Bảo vệ người lao động tại nơi làm việc, kích thích nền kinh tế và việc làm, hỗ trợ việc làm và thu nhập.
Những biện pháp này bao gồm mở rộng an sinh xã hội, hỗ trợ khả năng giữ việc làm (như giảm thời giờ làm việc, nghỉ phép có lương và các trợ cấp khác), giảm thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ngoài ra, báo cáo sơ bộ cũng đề xuất các biện pháp chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ cho vay và hỗ trợ tài chính đối với một số ngành kinh tế cụ thể.
Các kịch bản khác nhau
Dựa vào các kịch bản khác nhau mà tác động của COVID-19 có thể gây ra đối với tăng trưởng GDP toàn cầu, ước tính của ILO cho thấy số người thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng từ 5,3 triệu người (kịch bản “thấp”) đến 24,7 triệu người (kịch bản “cao”). Đây là số tăng thêm so với nền số lượng người thất nghiệp sẵn có là 188 triệu trong năm 2019. Nhìn lại trong tương quan với năm 2008-2009, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi đó khiến 22 triệu người rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Tình trạng thiếu việc làm (không sử dụng được đầy đủ khả năng làm việc của người lao động có việc làm) cũng được dự báo sẽ tăng theo diện rộng, khi những tác động về kinh tế của COVID-19 sẽ khiến cả giờ làm và tiền lương bị giảm. Nhóm lao động tự làm ở các nước đang phát triển – vốn thường là tấm đệm giúp làm nhẹ bớt độ xung của những tác động do những thay đổi đột ngột mang lại – thì lần này sẽ không còn tác dụng vì những hạn chế di chuyển đối với con người và hàng hóa.
Giảm số lượng việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập lớn cho người lao động. Nghiên cứu ước tính con số này tương đương từ 860 tỷ USD đến 3,4 nghìn tỷ USD trong năm 2020. Điều này sẽ dẫn tới giảm tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, từ đó tác động tới triển vọng của doanh nghiệp và các nền kinh tế.
Tình trạng lao động nghèo được dự báo cũng sẽ gia tăng đáng kể, bởi “việc giảm thu nhập do suy giảm các hoạt động kinh tế sẽ ảnh hưởng xấu tới những người lao động cận nghèo hoặc sống dưới chuẩn nghèo”. ILO ước tính rằng sẽ có thêm từ 8,8 đến 35 triệu người lao động rơi vào đói nghèo trên khắp thế giới, so với mức ước tính trước đây cho năm 2020 (là giảm 14 triệu người ).
Phản ứng chính sách nhanh chóng và đồng bộ
“Đây không còn chỉ là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu nữa, mà COVID-19 cũng chính là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với thị trường lao động và kinh tế, tác động lớn tới con người,” Tổng Giám Đốc ILO, ông Guy Ryder, cho biết. “Trong năm 2008, thế giới đã cho thấy sự đồng lòng để cùng nhau giải quyết các hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đã có thể tránh được những tác động tồi tệ nhất. Đó chính là điều chúng ta cần lúc này,” ông nói.
Báo cáo của ILO cảnh báo rằng tác động của cuộc khủng hoảng việc làm tới một số nhóm lao động sẽ không đồng đều và điều này sẽ làm gia tăng bất bình đẳng. Những người bị ảnh hưởng lớn bao gồm những người được bảo vệ ít hơn và làm những công việc được trả lương thấp, nhất là lao động trẻ và lao động cao tuổi. Phụ nữ và lao động di cư cũng thuộc nhóm này. Lao động di cư dễ bị tổn thương vì họ thường không được hưởng đầy đủ quyền lao động và an sinh xã hội. Trong khi đó, phụ nữ thường chiếm số đông trong nhóm các công việc lương thấp và các ngành kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh.
Theo Tổng Giám đốc ILO, trong những lúc khủng hoảng như hiện nay, chúng ta có 2 công cụ chính có thể giúp giảm bớt những tác động tiêu cực và giúp phục hồi niềm tin của công chúng. Thứ nhất là đối thoại xã hội – đối thoại giữa người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện của họ. Công cụ này đóng vai trò quan trọng để xây dựng niềm tin của công chúng và hỗ trợ các biện pháp mà chúng ta cần thực hiện để vượt qua cuộc khủng hoảng này. Thứ hai là các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Các tiêu chuẩn này cung cấp một nền tảng đã được thử nghiệm và khẳng định dành cho các phản ứng chính sách tập trung vào việc phục hồi một cách bền vững và công bằng. Chúng ta cần làm tất cả mọi thứ cần thiết để giảm thiểu thiệt hại đối với con người trong thời điểm khó khăn này.
Ý kiến ()