IFC mở rộng vốn hỗ trợ các DN nhỏ ở Việt Nam
Lễ ký kết hợp tác. |
SMEs chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây là nguồn tạo việc làm chính tại Việt Nam, sử dụng tới hơn một nửa lực lượng lao động và đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước. Song, khoảng 60% SMEs phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn, ước tính khoảng 21 tỷ USD. Tiếp cận tài chính, do vậy, là chìa khóa để khai mở tiềm năng của SMEs.
Gói tài chính dài hạn gồm 57,16 triệu USD từ IFC và 42,84 triệu USD từ nhiều nhà tài trợ thông qua Chương trình Danh mục đồng Cấp vốn (MCPP) do IFC quản lý. Đặc biệt, OCB đặt mục tiêu sử dụng tối thiểu 50% khoản vay này để tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ hoặc quản lý, với sự hỗ trợ từ Quỹ Sáng kiến tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi).
We-Fi là một chương trình hợp tác nhiều bên với mục tiêu gỡ bỏ các rào cản về tài chính và phi tài chính mà các nữ doanh nhân tại các quốc gia đang phát triển phải đối mặt.
“Doanh nghiệp nhỏ hiện đang là đối tượng khách hàng trọng tâm mà OCB hướng đến. Với khoản vay từ IFC, chúng tôi cam kết mở rộng tín dụng hỗ trợ nhóm khách hàng này, giúp các doanh nghiệp phát triển và nâng cao hiệu suất kinh doanh trong điều kiện ngày càng cạnh tranh như hiện nay”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB phát biểu.
Đây là khoản vay đầu tiên IFC cung cấp cho một ngân hàng thương mại dưới sự hợp tác với We-Fi. Mục tiêu hỗ trợ mở rộng tiếp cận tài chính và thị trường cho nữ doanh nhân của We-Fi sẽ được hiện thực hóa thông qua việc cấp thưởng dựa trên hiệu suất giải ngân nguồn vốn dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, từ đó giúp thúc đẩy các khoản vay cho nữ doanh nhân của OCB đạt ít nhất 50 triệu USD trong khuôn khổ chương trình này.
Ngoài việc cấp vốn, với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO), IFC sẽ giúp OCB phát triển hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng (SCF).
SCF là một giải pháp hợp tác giữa người mua hoặc người bán là doanh nghiệp với ngân hàng, qua đó cho phép các nhà cung cấp và phân phối của doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn tài trợ vốn lưu động mà không cần phải thế chấp tài sản.
Giải pháp này chuyển đổi các khoản phải thu và các khoản phải trả thành tiền mặt ngay tức thời và nhờ đó tạo điều kiện cho các nhà cung cấp và phân phối tiếp cận được nguồn tài chính với chi phí thấp hơn dựa trên nền tảng tín nhiệm tín dụng của người mua. Mặc dù Việt Nam là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, nhưng có rất ít ngân hàng địa phương cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với sự hỗ trợ của IFC, OCB sẽ xây dựng nền tảng điện tử phục vụ cho hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng nhằm hỗ trợ việc cấp vốn cho các giao dịch thương mại một cách minh bạch và hiệu quả.
“Thụy Sĩ hỗ trợ sáng kiến tài trợ chuỗi cung ứng mang lại một giải pháp đổi mới hỗ trợ giải quyết được thách thức về tiếp cận nguồn tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Tất cả các sáng kiến của Thụy Sĩ đều nhằm mục đích gia tăng năng suất và tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam”, ông Marcel Reymond, Trưởng Bộ phận Hợp tác, Đại sứ Quán Thụy Sĩ tại Việt Nam nói.
Cho đến nay, thông qua các ngân hàng thương mại, IFC đã cung cấp hơn 400 triệu USD cho các doanh nhân do phụ nữ làm chủ hoặc quản lý tại Việt Nam. Việt Nam là một trong ba thị trường lớn nhất của chương trình tài trợ cho phụ nữ của IFC.
“Gói tài chính này với hợp phần huy động lớn được kỳ vọng sẽ có tác động xúc tác cho các hoạt động tài trợ cho phụ nữ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, vốn đang ở thời điểm quan trọng của quá trình huy động vốn tư nhân dài hạn nhằm phục vụ cho các mục tiêu quan trọng của đất nước như phát triển SMEs và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Vivek Pathak, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của IFC khẳng định.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()