IFC hỗ trợ Việt Nam các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng thế giới vừa ký biên bản ghi nhớ hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam.
Bản ghi nhớ này nhằm hợp tác và thực hiện các hoạt động trong hợp phần chăn nuôi của dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cạnh tranh nông nghiệp do IFC quản lý và thực hiện giai đoạn 2021 – 2024.
Theo đó, IFC sẽ hỗ trợ cải thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và các bệnh dịch phổ biến khác trong chăn nuôi lợn. Qua đó, góp phần đảm bảo nguồi cung thịt lợn cho thị trường nội địa, hướng tới xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn sinh học, không dịch bệnh phục vụ xuất khẩu.
Cụ thể, IFC hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát thực tế, rà soát, nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi, xây dựng các văn bản pháp luật để thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học, phòng, chống dịch bệnh, tập trung vào dịch tả lợn châu Phi.
Ngoài ra, xây dựng mô hình thí điểm chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế tại một số địa phương và doanh nghiệp. Điển hình như nghiên cứu xây dựng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) để xây dựng mô hình phòng, chống dịch tả lợn châu Phi phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; xây dựng tiêu chí lựa chọn địa phương và doanh nghiệp tham gia thực hiện mô hình thí điểm chăn nuôi an toàn sinh học theo tiêu chuẩn quốc tế…
IFC thông qua các hoạt động tư vấn tại Việt Nam sẽ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quốc tế trong việc sửa đổi, xây dựng chính sách và triển khai mô hình thí điểm; cung cấp chuyên gia trong nước và quốc tế thực hiện các đánh giá, nghiên cứu, thảo luận kỹ thuật; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ…
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, chăn nuôi là ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ ở giác độ phát triển kinh tế, an ninh lương thực, chăn nuôi còn tạo việc làm, sinh kế cho hàng chục triệu hộ nông dân.
Hiện nay, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đóng góp trên 25% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và dư địa phát triển ngành được nhận định còn rất lớn. Tuy nhiên, chăn nuôi Việt Nam vẫn còn không ít những tồn tại, bất cập như: chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao, kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, an toàn thực phẩm, môi trường còn nhiều rủi ro, năng suất thấp…
Dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn chưa có vaccine để bảo vệ lợn khỏi căn bệnh này. Nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi giữa các nước đang là mối đe dọa hiện hữu đối với tổng đàn lợn trong khu vực. Từ đó ảnh hưởng tới giá lợn, chuỗi giá trị lợn và cuối cùng là an ninh lương thực, đặc biệt đối với những nhóm dân cư có thu nhập thấp hơn.
Các đối tác quốc tế như OIE, JICA, nhất là Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng thế giới (WB) từ lâu đã có rất nhiều hoạt động hợp tác, hỗ trợ ngành chăn nuôi Việt Nam như: hỗ trợ tài chính, đào tạo chuyên gia, hợp tác nghiên cứu khoa học, đầu tư và trao đổi kỹ thuật, con giống…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến hy vọng với sự hỗ trợ của IFC và các đối tác phát triển như OIE, JICA…, các hoạt động hợp tác sẽ được triển khai thành công và hỗ trợ cho năng lực cạnh tranh chăn nuôi của Việt Nam với các nước trên thế giới; đồng thời, mở ra nhiều khả năng tiếp cận thị trường tiềm năng khác cho Việt Nam.
Bà Rana Karadsheh, Giám đốc Sản xuất, Kinh doanh Nông nghiệp và Dịch vụ khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IFC đánh giá, ngành chăn nuôi có tiềm năng cao, nhưng đang gặp phải những vấn đề khẩn cấp về dịch bệnh. Đặc biệt, sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi cũng như những tổn thất từ loại dịch bệnh này của các nước châu Á cũng rất nghiêm trọng. Sự bùng nổ của dịch bệnh khiến Việt Nam phải tiêu hủy số lượng lợn lớn từ năm 2019, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu hộ nông dân và giá thịt lợn – loại thực phẩm chính với nhiều người Việt Nam.
Việc phòng ngừa các đợt bùng phát dịch mới chỉ có thể đạt được thông qua các cải tiến trong thực tiễn là sản xuất an toàn sinh học. Những cải tiến này rất cần thiết vì rủi ro dịch bệnh không chỉ từ dịch tả lợn châu Phi mà còn các loại bệnh khác như lở mồm long móng.
“Hệ thống an toàn sinh học có thể giúp chúng ta sản xuất an toàn hơn với chí phí thấp hơn, tạo cơ hội cho sản phẩm tiếp cận được các thị trường mới”,
Bà Rana Karadsheh đánh giá, việc ký kết này là bước quan trọng trong hỗ trợ khu vực cũng như Việt Nam để xây dựng nền tảng, phục hồi sản xuất sau dịch tả lợn châu Phi. IFC sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực khung pháp lý cũng như thể chế trong việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và giám sát các loại dịch bệnh khác trong chăn nuôi lợn.
Ý kiến ()