Ibaraki–Điểm đến ưa thích của các thực tập sinh nông nghiệp Việt Nam
Hiện nay có khoảng 7.700 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Ibaraki, trong đó có khoảng 5.000 thực tập sinh, làm việc chủ yếu trong các ngành nông nghiệp và chế tạo.
Nằm cách thủ đô Tokyo khoảng 100km về phía Đông Bắc, Ibaraki có dân số hơn 2,87 triệu người và diện tích gần 6.100km2. Đây chính là “quê hương” của Hitachi-một trong những tập đoàn công nghiệp hàng đầu Nhật Bản. Trong thời gian qua, nhiều thực tập sinh nông nghiệp Việt Nam đã lựa chọn Ibaraki là điểm đến.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Satoshi Tsutsumiya, Trưởng phòng Thúc đẩy Cơ hội Việc làm thuộc Sở Lao động tỉnh Ibaraki, cho biết tại thời điểm hiện nay, có khoảng 7.700 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Ibaraki , trong đó có khoảng 5.000 thực tập sinh, làm việc chủ yếu trong các ngành nông nghiệp và chế tạo.
Một trong những lý do khiến nhiều thực tập sinh Việt Nam chọn Ibaraki làm điểm đến ở Nhật Bản là vì đây là một trong những địa phương ở Nhật Bản có nền nông nghiệp rất phát triển. Với thương hiệu “Umai Mon Dokoro” (nơi có thực phẩm ngon), đây là nơi cung cấp nhiều loại rau quả và thực phẩm cho toàn Nhật Bản. Bên cạnh đó, công việc trong ngành này khá ổn định, với thu nhập khoảng từ 25 đến 30 triệu đồng/tháng.
Em Văn Bá Cường, sinh năm 1995, quê ở Nghệ An, đã đến Nhật Bản cách đây hơn một năm. Hiện nay, Văn Bá Cường đang thực tập tại nông trại của gia đình ông Masaki Takasaki ở tỉnh Ibaraki. Em tâm sự: “Trước khi đến Nhật Bản, em đã tìm hiểu về đất nước và các công việc ở đây. Cuối cùng, em đã quyết định chọn đơn hàng nông nghiệp để làm việc. Sau một năm làm việc ở đây, em thấy công việc rất tốt. Thu nhập của em vào khoảng từ 25 đến 30 triệu đồng/tháng. Ông chủ rất tốt. Vì vậy, em muốn cố gắng trong công việc và muốn gia hạn thêm hai năm nữa.”
Cùng với sự ổn định về công việc và thu nhập, các thực tập sinh tại đây đều nhận được sự hỗ trợ từ phía chính quyền tỉnh Ibaraki. Ông Satoshi Tsutsumiya cho biết để hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài, bao gồm cả người Việt Nam, chúng tôi đã thành lập trung tâm hỗ trợ nhằm kết nối các doanh nghiệp địa phương với những người nước ngoài muốn làm việc tại tỉnh Ibaraki để mọi người có thể tìm được công ty vừa ý nhất. Và đối với người nước ngoài, vấn đề ngôn ngữ là rào cản lớn nhất.
Vì vậy, tỉnh đang hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật thông qua đào tạo từ xa. Bất cứ ai cũng có thể đăng ký học miễn phí qua mạng Internet. Ngoài ra, khác với nhiều tỉnh khác, Ibaraki còn hỗ trợ các bạn thực tập sinh tìm việc sau khi về nước.
Theo ông Satoshi Tsutsumiya, trong tương lai, ngoài các ngành nông nghiệp và chế tạo, tỉnh Ibaraki muốn tiếp nhận thêm thực tập sinh Việt Nam làm việc trong ngành điều dưỡng. Đây là những ngành nghề có nhu cầu tiếp nhận nhiều nhất.
Ngoài sự hỗ trợ từ phía chính quyền tỉnh Ibaraki, các thực tập sinh Việt Nam cũng nhận được sự giúp đỡ và chỉ bảo tận tình từ phía các đơn vị tiếp nhận. Ông Masaki Takasaki, chủ nông trại nơi em Văn Bá Cường và ba thực tập sinh khác của Việt Nam đang làm việc, chia sẻ: “Tôi nghĩ việc các bạn thực tập sinh vui vẻ để làm việc là điều quan trọng nhất nên tôi đã tạo ra không khí thoải mái nhất như một gia đình. Khi các bạn ở một nơi xa gia đình thì bất đồng ngôn ngữ là rào cản rất lớn cũng giống như nếu tôi sang Việt Nam, tôi sẽ lo lắng vì không rành đường đi nước bước. Vì thế, tôi đã cố gắng hỗ trợ các bạn trong cuộc sống như chỉ chỗ mua sắm an toàn và nếu trời tối quá, tôi sẽ chở các bạn về. Trước và sau này, tôi vẫn sẽ như vậy.”
Để đáp lại tình cảm và sự giúp đỡ của các đơn vị tiếp nhận, các thực tập sinh Việt Nam đều đã nỗ lực hết sức trong công việc. Chính vì vậy, đại diện các công ty và hộ gia đình tiếp nhận đều đánh giá cao trình độ và ý thức lao động của các thực tập sinh Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp nhận thêm lao động Việt Nam. Ông Ootaka Masaharu, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Carry System, nói: “Khi chúng tôi thành lập hợp tác xã nông nghiệp mới, chúng tôi rất thiếu nhân lực. Cùng lúc đó, chúng tôi được nghiệp đoàn Eco Lead giới thiệu rằng các thực tập sinh Việt Nam rất chăm chỉ nên chúng tôi quyết định tiếp nhận họ. Trên thực tế, các bạn thực tập sinh Việt Nam đã làm việc rất tốt, đăc biệt các bạn nhớ công việc rất nhanh và làm đúng như chúng tôi mong muốn. Năm nay, chúng tôi tiễn ba thực tập sinh về nước và sẽ nhận ba bạn khác. Trong tương lai, chúng tôi rất mong được tiếp tục nhận thêm các thực tập sinh Việt Nam.”
Về phần mình, đa số các thực tập sinh Việt Nam ở đây đều bày tỏ nguyện vọng muốn quay trở lại Nhật Bản làm việc sau khi hợp đồng hiện tại hết hạn. Em Nguyễn Thị An, thực tập sinh tại Công ty Cổ phần Carry System ở tỉnh Ibaraki, nói: “Sau khi sang đây, em đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm của Nhật Bản như công nghệ xử lý rau và nhiều công đoạn khác. Sau khi hợp đồng hiện tại kết thúc, em muốn được quay trở lại Nhật Bản một lần nữa và tiếp tục làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.”
Không chỉ có tỉnh Ibaraki, các chuyên gia cho rằng với nền nông nghiệp phát triển, Nhật Bản là điểm đến thích hợp cho các thực tập sinh Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Nam, Công ty Cổ phần Cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại (SONA)–một doanh nghiệp thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nói: “Nhật Bản là thị trường rất tiềm năng cho các thực tập sinh tại Việt Nam. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhật Bản đang rất thiếu nhân lực. Từ năm 2016, SONA đã hợp tác với liên minh các hợp tác xã tại tỉnh Ibaraki và đến nay, chúng tôi đã đưa trên 500 em thực tập sinh sang tỉnh Ibaraki làm việc.”
Ông nói tiếp: ”Tại đây, cùng với việc thu nhập được nâng lên, các thực tập sinh đã học được rất nhiều những công nghệ tiên tiến của Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, các em cũng học được tác phong làm việc công nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và ý thức tổ chức kỷ luật của người Nhật”.
Theo ông Nguyễn Đức Nam, trong thời gian tới, SONA sẽ tiếp tục tăng cường công tác đào tạo và đưa các thực tập sinh trong lĩnh vực nông nghiệp để đưa sang thị trường Nhật Bản. Công ty đã mời các chuyên gia Nhật Bản sang đào tạo ngoại ngữ, tay nghề cũng như những phong tục tập quán của Nhật Bản để các em sớm hòa nhập với cuộc sống và công việc ở nước này.”
Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề thực tập sinh bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp đang là vấn đề nan giải ở Nhật Bản. Để hạn chế tối đa tình trạng này, theo ông Nguyễn Đức Nam, SONA đang chú trọng nhiều hơn vào công tác tuyển chọn.
Ông nói: “Chúng tôi tăng cường tuyển chọn thực tập sinh tại các hợp tác xã ở những khu vực có nền nông nghiệp phát triển của Việt Nam, trong đó ưu tiên các em đang làm nghề nông. Sau khi tuyển chọn, chúng tôi tăng cường công tác đào tạo.Chúng tôi mời các chuyên gia Nhật Bản sang đào tạo cho các em về ngôn ngữ, văn hóa và tay nghề để các em định hướng công việc cho mình trong tương lai. Và quan trọng hơn, khi các em sang Nhật Bản, chúng tôi hợp tác với nghiệp đoàn ở Nhật Bản để quản lý các em.”
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Đức Nam, SONA hiện có các phiên dịch và đại diện công ty ở Nhật Bản để hỗ trợ cho các thực tập sinh. Khi các em gặp khó khăn và vướng mắc, ngay lập tức, họ có thể liên hệ với công ty để tìm kiếm sự hỗ trợ. Đây chính là nhân tố giúp cho các thực tập sinh của SONA yên tâm làm việc và hạn chế tối đa việc các thực tập sinh bỏ trốn ở Nhật Bản./.
Ý kiến ()