IAEA bầu Tổng Giám đốc mới
Cuộc đua vào vị trí Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đang bước vào giai đoạn nước rút với danh sách các ứng cử viên được thu hẹp chỉ còn 2 người sau vòng bỏ phiếu đầu tiên. Tuy nhiên, cả hai ứng cử viên này đều không có đủ số phiếu trong vòng bỏ phiếu thứ 2 để bảo đảm giành chắc phần thắng.
Ngày 21/10, Ban điều hành IAEA đã bỏ phiếu để lựa chọn ra nhà lãnh đạo mới cho nhiệm kỳ 4 năm tới (dự kiến bắt đầu từ ngày 1/1/2020), sau khi Tổng Giám đốc cơ quan này – ông Yukiya Amano qua đời tháng 7/2019. Cuộc chạy đua vào vị trí tân Tổng Giám đốc IAEA đánh dấu sự cạnh tranh giữa ba ứng cử viên còn lại gồm: Cornel Feruta của Romania (giành được 14 phiếu), Rafael Mariano Grossi (15 phiếu) của Argentina và Lassina Zerbo của Burkina Faso (5 phiếu).
Dựa trên kết quả trên, hai ứng cử viên được lựa chọn tiếp tục bước vào vòng bỏ phiếu thứ 2 là ông Feruta và Grossi, lần lượt nhận được 17 và 16 phiếu ủng hộ. Các nước thành viên của IAEA đã được thông báo về kết quả của vòng bỏ phiếu.
Hiện ông Grossi đang là Đại sứ Argentina tại IAEA, trong khi ông Fetura nắm vị trí quyền Tổng Giám đốc IAEA.
Để được bổ nhiệm làm tân Tổng Giám đốc IAEA đòi hỏi một ứng cử viên phải giành được 2/3 số phiếu ủng hộ trong số 35 nước thành viên của Hội đồng điều hành cơ quan này. Trong trường hợp một ứng cử viên không nắm chắc phần thắng thông qua việc giành được đa số phiếu ở mức quy định, việc bỏ phiếu sẽ được tiếp tục cho tới khi một tiến trình bầu cử mới được khởi động.
Quyết định bổ nhiệm tân Tổng Giám đốc sẽ được đệ trình và phê chuẩn tại một phiên họp Đại hội đồng IAEA, gồm sự tham gia của đại diện toàn bộ 171 quốc gia thành viên.
Ngày 22/7, IAEA thông báo, Tổng Giám đốc cơ quan này, ông Yukiya Amano, đã qua đời ở tuổi 72, song không thông báo ai sẽ là người kế nhiệm.
Ông Amano, nhà ngoại giao kỳ cựu của Nhật Bản, có nhiều kinh nghiệm về các vấn đề năng lượng hạt nhân. Từ năm 2009, ông bắt đầu đảm nhiệm vai trò người đứng đầu IAEA, cơ quan quản lý các vấn đề hạt nhân trên toàn thế giới.
Trong thời giam đảm nhiệm vị trí lãnh đạo IAEA, ông Amano luôn nhấn mạnh công việc của mình thiên về yếu tố “kỹ thuật” hơn là chính trị. Ông cũng được biết đến là người có nhiều đóng góp trong tiến trình đàm phán kéo dài nhiều năm dẫn tới việc ký kết thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5 1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ðức) vào năm 2015. Sự ra đi đột ngột của ông Amano đã đặt ra nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm người kế nhiệm và làm dấy lên những câu hỏi về chủ trương của IAEA trong tương lai, cho dù đã xuất hiện một số thông tin về việc IAEA sẽ đưa ra những thay đổi đáng kể về chính sách đối với Iran cùng một số vấn đề nhạy cảm khác./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()