I-ta-li-a thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
I-ta-li-a giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Theo kế hoạch mới được thông qua, Rô-ma sẽ triển khai nhiều biện pháp miễn giảm thuế, khuyến khích đầu tư và đơn giản hóa thủ tục đấu thầu các dự án công. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng được cung cấp thêm một số “công cụ hữu hiệu”, để giải cứu hãng hàng không Alitalia khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.
Kế hoạch nêu trên được Chính phủ I-ta-li-a đưa ra nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, vốn đang bị tụt hậu so với nhiều nền kinh tế lớn thuộc Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone). Kinh tế I-ta-li-a đã rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật vào cuối năm 2018, khi tăng trưởng kinh tế suy giảm hai quý liên tiếp, và hiện mới chỉ bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Các chuyên gia kinh tế nhận định, khả năng nền kinh tế I-ta-li-a thoát khỏi tình trạng suy thoái kỹ thuật trong năm 2019 là “khá mong manh”. Giữa tháng 4 vừa qua, Chính phủ I-ta-li-a đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 xuống còn 0,2%, thấp hơn nhiều so mức 1% được đưa ra hồi tháng 12-2018. Nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này. Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) dự báo, tăng trưởng kinh tế của I-ta-li-a trong năm 2019 chỉ đạt 0,2%. Trong khi đó, mức dự báo của IMF là 0,1%.
Nhóm chuyên gia kinh tế Prometeia của I-ta-li-a nhận định, sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực các nền kinh tế thuộc Eurozone, trong đó có I-ta-li-a. Bên cạnh đó, I-ta-li-a cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự trì trệ của các nền kinh tế vốn là đối tác thương mại chính, nhất là Ðức. Ngoài ra, tình hình chính trị, chính sách tài khóa của Rô-ma được đánh giá vẫn chưa thật sự ổn định. Thống đốc Ngân hàng Trung ương I-ta-li-a I.Vi-xcô cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng, bức tranh kinh tế nước này khá u ám trong những tháng đầu năm 2019. Năm 2018, I-ta-li-a đã công bố kế hoạch ngân sách cho năm 2019 theo hướng gia tăng chi tiêu. Tuy nhiên, đến nay, kế hoạch nêu trên vẫn chưa mang lại tác động đáng kể nào đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này. Theo ông I.Vi-xcô, Rô-ma cần tiếp sức cho nền kinh tế bằng các biện pháp khẩn cấp, như cải cách cơ cấu, bảo đảm ổn định tài chính, nhằm ngăn chặn nguy cơ nền kinh tế tiếp tục suy giảm. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) kêu gọi Chính phủ I-ta-li-a đưa ra những cải cách mạnh mẽ, nhằm vực dậy đà sản xuất đang bị chậm lại, giảm khoảng cách phát triển giữa các địa phương và thu hẹp bất bình đẳng xã hội.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế nhận định, về trung hạn, I-ta-li-a cần đưa ra chiến lược rõ ràng và đáng tin cậy, nhằm giảm đến mức thấp nhất tác động của nợ công, hiện ở mức hơn 130% GDP, đối với nền kinh tế. Trong báo cáo mới nhất về nợ công của các nền kinh tế Eurozone, Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, I-ta-li-a là quốc gia có mức nợ công lớn thứ hai Eurozone, chỉ sau Hy Lạp. Tháng 6 tới, trên cơ sở số liệu thống kê cuối cùng của Eurostat về tình hình nợ công của Rô-ma, dự kiến được công bố trong tháng 5, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đưa ra yêu cầu buộc I-ta-li-a cắt giảm nợ công. Vấn đề ngân sách đã trở thành chủ đề gây căng thẳng giữa EU và chính phủ theo chủ nghĩa dân túy ở I-ta-li-a từ cuối tháng 9-2018. Vì vậy, nếu những kết quả cải cách kinh tế của I-ta-li-a không mang lại hiệu quả như mong muốn, các chuyên gia cảnh báo khả năng bùng phát những tranh cãi mới giữa Brúc-xen và Rô-ma liên quan vấn đề ngân sách của I-ta-li-a.
Thủ tướng I-ta-li-a G.Con-tê thừa nhận, nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone đang đối mặt nhiều thách thức. Vì vậy, kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mới được thông qua là cơ hội để Rô-ma kéo đoàn tàu kinh tế nước này trở về đúng đường ray và phục hồi vững chắc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()