I-ran nỗ lực đối phó sức ép về kinh tế của Mỹ
Tàu chở dầu Iran Abadan của I-ran (bên trái) cập cảng Đu-bai của UAE.
Theo Roi-tơ và Tân Hoa xã, ngày 25-8, các quan chức cấp cao I-ran kêu gọi người dân nước này đoàn kết, nhằm vượt qua các sức ép về kinh tế của Mỹ cũng như kêu gọi các nước châu Âu đưa ra các biện pháp bảo đảm duy trì hoạt động hợp tác với Tê-hê-ran. Theo hãng thông tấn I-ran IRNA, phát biểu ý kiến tại một sự kiện diễn ra ở thủ đô Tê-hê-ran, Tổng thống H.Ru-ha-ni đã kêu gọi sự đoàn kết nhằm đưa đất nước vượt qua các khó khăn do Mỹ gây sức ép. Ông khẳng định, I-ran có thể giải quyết được mọi vấn đề thông qua sự đoàn kết và thống nhất.
* Ngày 26-8, Quốc hội I-ran bỏ phiếu bãi nhiệm Bộ trưởng Kinh tế M.Ca-ba-xi-an liên quan cách chính phủ ứng phó cuộc khủng hoảng kinh tế, vốn càng nghiêm trọng hơn khi Mỹ tái áp đặt trừng phạt. Ông Ca-ba-xi-an là thành viên thứ hai trong chính phủ của Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni bị bãi nhiệm trong tháng 8, sau Bộ trưởng Lao động A.Ra-bi-ây.
* Ngày 25-8, Bộ trưởng Ngoại giao I-ran M.Da-ríp tuyên bố, Tê-hê-ran vẫn đang chờ đợi sự bảo đảm của Liên hiệp châu Âu (EU) về việc bán dầu và các giao dịch tài chính của I-ran. Bộ trưởng Da-ríp nhấn mạnh: “EU cần áp dụng các biện pháp, bao gồm bảo đảm việc bán dầu và giao dịch với các kênh ngân hàng của I-ran”. Hiện I-ran liên tục kêu gọi các đối tác châu Âu đã ký thỏa thuận hạt nhân áp dụng “các biện pháp thực tế và cụ thể” để bảo vệ quyền lợi của I-ran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.
* Hãng thông tấn Tasmin của I-ran đưa tin ngày 25-8, Bộ trưởng Năng lượng I-ran R.A-đa-ca-ni-an cho biết, nước này đã nối lại các cuộc đàm phán với Nga về kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới có công suất lên tới 3.000 MW. I-ran đang vận hành một lò phản ứng hạt nhân do Nga thiết kế và xây dựng tại Bu-sơ, miền nam I-ran. Hồi năm 2004, Mát-xcơ-va và Tê-hê-ran đã ký thỏa thuận về việc Nga xây thêm tám lò phản ứng hạt nhân tại I-ran, trong đó có hai lò phản ứng tại Bu-sơ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()