I-ran mở rộng cánh cửa hợp tác
Hơn một năm kể từ sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa I-ran với các cường quốc nhóm P5 1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), nền kinh tế I-ran có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Việc quốc tế dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tê-hê-ran đã đem lại hàng tỷ USD cho I-ran, giúp quốc gia Hồi giáo mở rộng hơn nữa cánh cửa hợp tác với nhiều nước trên thế giới.
Chính phủ I-ran gần đây cho biết, nước này đã thu hút gần 5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Tê-hê-ran ký với các cường quốc chính thức có hiệu lực từ giữa tháng 1-2016. Trong tổng vốn FDI nói trên, hơn 2 tỷ USD được rót vào 28 dự án trong quý IV-2015 (theo lịch I-ran, kết thúc vào ngày 19-3-2016) và hơn 2 tỷ USD được rót vào 38 dự án khác kể từ đầu năm 2016 (theo lịch I-ran) tới nay. Hầu hết các dự án thu hút vốn nước ngoài thuộc các lĩnh vực vận tải, năng lượng tái tạo, du lịch, công nghiệp tái chế, điện tử, chế tạo máy móc và thực phẩm.
Thỏa thuận hạt nhân được biết đến với tên gọi “Kế hoạch Hành động chung toàn diện” (JCPOA), chính thức được thực thi từ giữa tháng 1-2016, đem lại nhiều cơ hội giúp I-ran phục hồi nền kinh tế và hội nhập trở lại thị trường toàn cầu. Với thị trường khoảng 80 triệu dân và tổng GDP hằng năm vào khoảng 400 tỷ USD, I-ran đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều công ty quốc tế lớn đến tìm kiếm các cơ hội kinh doanh tại đây. Là cường quốc dầu mỏ, Tập đoàn dầu mỏ quốc gia I-ran (NIOC) cho biết, nước này hiện đang xuất khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô/ngày và con số này sẽ được nâng lên 2,35 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian tới. Hiện lượng dầu tiêu thụ tại các thị trường trong nước và các nhà máy lọc dầu của I-ran vào khoảng 1,8 đến 1,85 triệu thùng dầu thô/ngày. Sản lượng tăng thêm sẽ được xuất khẩu. I-ran đang xuất khẩu từ 600 đến 650 thùng dầu thô/ngày sang thị trường châu Âu. Nước này đang tiến hành các cuộc đàm phán nhằm tăng xuất khẩu dầu thô sang khu vực này. Hung-ga-ri đã mua một triệu thùng dầu thô của I-ran, trong khi các tập đoàn như Total (Pháp), Cepsa (Tây Ban Nha), Lotos (Ba Lan) và nhiều doanh nghiệp của I-ta-li-a đã mua dầu của I-ran ngay khi nước này được dỡ bỏ một phần các lệnh cấm vận. Cuối tháng 7 vừa qua, Thứ trưởng Dầu mỏ kiêm Giám đốc điều hành Công ty Hóa dầu quốc gia I-ran (INPC) M.Xa-đa-ê cho biết, I-ran đang nỗ lực thu hút 60 tỷ USD đầu tư nước ngoài, với mục tiêu tăng hơn gấp đôi công suất sản xuất hóa dầu trong vòng mười năm tới. Theo kế hoạch, INPC sẽ tăng công suất sản xuất lên 150 triệu tấn/năm vào năm 2026. Để đạt mục tiêu này, INPC dự kiến hoàn thành 55 dự án và xây dựng mới 28 nhà máy sản xuất.
I-ran đang trong giai đoạn mở rộng cánh cửa để đón luồng gió đầu tư nước ngoài thông qua việc thúc đẩy hợp tác với nhiều nước. Các nhà lãnh đạo I-ran gần đây thường xuyên có những chuyến thăm tới các nước, cũng như các quan chức cấp cao nhiều nước đã tới I-ran nhằm thúc đẩy và xúc tiến các cơ hội đầu tư. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức D.Ga-bri-en vừa dẫn đầu một phái đoàn kinh tế Đức gồm hơn 120 người tới I-ran. Hai bên đã tiến hành phiên họp ủy ban kinh tế hỗn hợp lần đầu trong 15 năm qua, trong đó nêu ra một bản lộ trình dày 27 trang với những trọng điểm hợp tác song phương. Nhấn mạnh I-ran là một đối tác kinh tế đáng tin cậy, ông Ga-bri-en khẳng định, Đức sẽ hỗ trợ chính sách mở cửa của I-ran, cam kết hỗ trợ I-ran xóa bỏ những rào cản về tài chính. Trước đó, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Du lịch Ô-xtrây-li-a X.Xi-ô-bô cũng cho biết, chính phủ nước này đã chính thức kết nối lại quan hệ thương mại với I-ran nhằm khai thác hiệu quả cơ hội xuất khẩu và giúp các doanh nghiệp Ô-xtrây-li-a hướng tới việc đầu tư vào thị trường I-ran đầy tiềm năng. Nhiều nước khác như Trung Quốc, Nga, Pháp, Hàn Quốc, Cu-ba, Nam Phi… cũng đánh giá cao vai trò của I-ran ở khu vực, coi I-ran là đối tác kinh tế, thương mại quan trọng.
I-ran đang gặt hái những thành quả ban đầu sau khi ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Tuy nhiên, sau nhiều năm chịu lệnh trừng phạt quốc tế, I-ran vẫn còn phải đối mặt không ít khó khăn. I-ran đang hối thúc tất cả các bên tham gia JCPOA nhanh chóng hoàn thành các nghĩa vụ theo thỏa thuận, coi đây là một tiêu chí quan trọng và cơ sở để xây dựng lòng tin giữa I-ran và các nước đàm phán khác, cũng như giúp nước này tái hội nhập hoàn toàn thị trường toàn cầu và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()