I-rắc thường trực nỗi lo khủng bố
Hiện trường một vụ đánh bom khủng bố ở I-rắc. Ảnh ROI-TƠ Tháng 9 vừa qua là tháng đẫm máu nhất ở I-rắc trong vòng hai năm trở lại đây. Số người chết trong các vụ bạo lực lên hơn 400 người.Theo giới chức I-rắc, lực lượng nổi dậy hiện yếu thế hơn so thời kỳ đỉnh điểm năm 2006-2007, song chúng vẫn có khả năng thực hiện các vụ tiến công khủng bố gây nhiều thương vong.Sau khi binh sĩ Mỹ cuối cùng rút khỏi I-rắc vào cuối năm ngoái, nước này tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực của những vụ khủng bố đầy hận thù tôn giáo. I-rắc bị chia rẽ giữa các đảng phái, tôn giáo của người Hồi giáo dòng Si-ít, từng bị ngược đãi dưới thời X.Hu-xê-in với các đảng thế tục và đảng của người Xun-nít bị thất thế hiện nay. Trong khi đó, cộng đồng người Cuốc ở miền bắc vẫn bảo vệ quyền gần như tự trị của họ và bất đồng với chính quyền trung ương về khai thác nguồn lợi dầu mỏ.Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự chia rẽ sâu sắc trong lòng đất nước...
Hiện trường một vụ đánh bom khủng bố ở I-rắc. Ảnh ROI-TƠ |
Theo giới chức I-rắc, lực lượng nổi dậy hiện yếu thế hơn so thời kỳ đỉnh điểm năm 2006-2007, song chúng vẫn có khả năng thực hiện các vụ tiến công khủng bố gây nhiều thương vong.
Sau khi binh sĩ Mỹ cuối cùng rút khỏi I-rắc vào cuối năm ngoái, nước này tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực của những vụ khủng bố đầy hận thù tôn giáo. I-rắc bị chia rẽ giữa các đảng phái, tôn giáo của người Hồi giáo dòng Si-ít, từng bị ngược đãi dưới thời X.Hu-xê-in với các đảng thế tục và đảng của người Xun-nít bị thất thế hiện nay. Trong khi đó, cộng đồng người Cuốc ở miền bắc vẫn bảo vệ quyền gần như tự trị của họ và bất đồng với chính quyền trung ương về khai thác nguồn lợi dầu mỏ.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự chia rẽ sâu sắc trong lòng đất nước I-rắc là mâu thuẫn giữa hai cộng đồng người Hồi giáo dòng Xun-nít và Si-ít. Sự bất bình của người Xun-nít, từng cầm quyền dưới thời X.Hu-xê-in, nay thất thế đã phá hoại triển vọng hòa hợp lâu dài. Liên tiếp thất bại trong các cuộc bầu cử khiến người Xun-nít cảm thấy họ bị gạt sang bên lề tiến trình chính trị trong các giai đoạn chuyển tiếp của nước này. Trong quá trình soạn thảo Hiến pháp mới của I-rắc năm 2005, người Xun-nít từng tố cáo liên minh người Si-ít và người Cuốc cầm quyền phớt lờ các yêu cầu của họ để công nhận một bản hiến pháp gây nguy hại đến sự thống nhất của I-rắc bằng cách truất mọi đặc quyền chính trị và tiếp cận các nguồn kinh tế của người Hồi giáo dòng Xun-nít. Tình hình chính trị ở I-rắc càng phức tạp khi cuối năm 2011, Thủ tướng I-rắc N.Ma-li-ki đã ra lệnh bắt giữ Phó Tổng thống người Xun-nít, ông T.Ha-si-mi và kết án tử hình vắng mặt vị Phó Tổng thống đang bỏ trốn này hồi tháng 9-2012. Thêm vào đó, các chiến dịch quân sự của Mỹ trong thời gian chiếm đóng I-rắc đã đánh phá ác liệt nhằm truy quét các tay súng tại các tỉnh miền trung thuộc khu vực “tam giác Xun-nít” theo cách gọi của lực lượng Mỹ. Các chiến dịch truy quét của Mỹ cùng các hành động ngược đãi người dân ở những khu vực này đã khoét sâu mối oán hận của người Hồi giáo dòng Xun-nít đối với quân đội Mỹ cũng như chính phủ của người Hồi giáo dòng Si-ít hiện nay. Sự hận thù của người Xun-nít đã “tiếp lửa” cho những kẻ Hồi giáo cực đoan thực hiện các vụ tiến công khủng bố nhằm vào người Hồi giáo dòng Si-ít. Kết quả của cuộc trả thù đó là hằng ngày I-rắc vẫn phải chứng kiến những vụ đánh bom đẫm máu.
Trong khi đó, lực lượng an ninh I-rắc chưa đủ khả năng kiểm soát tình hình. Đó là lý do các phần tử khủng bố hoành hành khắp nơi, thậm chí đánh bom ngay sát “Vùng Xanh” ở trung tâm Thủ đô Bát-đa, khu vực được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt bởi là nơi đặt trụ sở chính phủ và nhiều cơ quan ngoại giao. Cuối tháng 9 vừa qua, đã xảy ra vụ cướp ngục do các phần tử liên quan An Kê-đa tiến hành tại một nhà tù ở TP Ti-crít, cách Thủ đô Bát-đa khoảng 170 km về phía bắc. Đây là quê hương của cố Tổng thống I-rắc X.Hu-xê-in và là một cứ điểm mạnh của các tay súng nổi dậy người Hồi giáo dòng Xun-nít.
Đất nước I-rắc đang rơi vào chia rẽ, xung đột, khủng bố, thiếu các dịch vụ xã hội cơ bản, tỷ lệ thất nghiệp cao (khoảng 30%). Trong khi đó, chính quyền I-rắc mới đây cho biết nước này cần tới 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới để tái thiết cơ sở hạ tầng và vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến kéo dài với đầy rẫy những hệ lụy.
Theo Nhandan
Ý kiến ()