Theo tuyên bố mới đây của Chính phủ I-rắc, trữ lượng dầu mỏ của nước này ước tính 200 tỷ thùng, đứng thứ ba thế giới. 70% trong số đó nằm ở bảy giếng dầu thuộc khu vực miền nam nước này. Theo kế hoạch, I-rắc chuẩn bị tổ chức đấu thầu các hợp đồng khai thác những giếng dầu mới tiềm năng vào tháng 1-2012, liên quan 12 lô. Hầu hết những giếng dầu này nằm ở các tỉnh Ba-bin, Ba-xra, Mu-tan-na, Na-giáp… ở miền nam giàu năng lượng; Đi-y-a-la và Ni-nê-vê ở miền bắc và An-ba ở miền tây. Theo Bộ Dầu mỏ I-rắc, ước tính năm trong 12 lô trên có thể bổ sung mười tỷ thùng dầu cho trữ lượng dầu của quốc gia giàu dầu mỏ này. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tháng 8-2010, sản lượng dầu mỏ của I-rắc đã tăng lên 2,33 triệu thùng/ngày; tháng 2-2011 là 2,68 triệu thùng/ngày với khả năng sản xuất tối đa 2,75 triệu thùng/ngày. Phó Thủ tướng I-rắc phụ trách Năng lượng H.Sa-ri-xta-ni cho biết, dự tính sản lượng dầu của nước này sẽ đạt ba triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, 3,3 triệu thùng/ngày vào năm 2012, 6,5 triệu thùng/ngày vào năm 2014, 10 triệu thùng/ngày vào năm 2017 và 11 triệu thùng/ngày vào năm 2020. Nếu kế hoạch này được thực hiện, đây là một thách thức với 'đối thủ truyền thống' I-ran để I-rắc có thể trở thành nhà sản xuất lớn thứ hai trong OPEC, sau A-rập Xê-út.
Chính quyền Bát-đa đã thực hiện kế hoạch trị giá 50 tỷ USD nâng cấp và mở rộng hạ tầng cơ sở dầu mỏ, trong khi các công ty nước ngoài tiếp tục tăng sản lượng khai thác tại các giếng dầu lớn ở I-rắc. Việc nâng cấp mạng lưới đường ống xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của I-rắc là yếu tố quan trọng nhằm đẩy sản lượng dầu khai thác theo mục tiêu đề ra của nước này lên mức 11 đến 12 triệu thùng/ngày trong mười năm tới. Nếu không hiện đại hóa quy mô lớn cơ sở hạ tầng năng lượng vốn bị tàn phá nặng nề bởi hàng thập kỷ chiến tranh và chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, quốc gia giàu dầu mỏ này sẽ không thể thực hiện việc đẩy mạnh sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu mỏ. Hiện các đường ống ở I-rắc có tổng công suất 1,65 triệu thùng/ngày, nhưng bị lực lượng nổi dậy tàn phá và gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật.
I-rắc đang thúc đẩy những kế hoạch, bao gồm xây dựng hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt mới đi qua nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Xy-ri để đẩy mạnh xuất khẩu. Tháng 9-2010, Bát-đa đã ký một hiệp định với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm triển khai đường ống dẫn dầu đôi dài khoảng 1.000 km, có thể vận chuyển 450 nghìn thùng/ngày từ các giếng dầu ở Ki-cúc thuộc miền bắc I-rắc tới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có cảng Xây-han trên bờ đông Địa Trung Hải. Đường ống này dự kiến có công suất 2,5 triệu thùng/ngày, tăng 52% lượng dầu thô chạy qua đường ống Ki-cúc – Xây-han hiện nay. Những đường ống này sẽ cùng phối hợp cung cấp cơ sở hạ tầng nhằm đẩy mạnh tiềm năng xuất khẩu dầu mỏ của I-rắc sang các thị trường châu Âu và Mỹ. Bát-đa cũng có mục tiêu xây dựng một đường ống dẫn dầu tới nước láng giềng Gioóc-đa-ni, quốc gia phụ thuộc lâu dài vào nguồn dầu mỏ I-rắc. I-rắc dự kiến ký các hợp đồng tư vấn lắp đặt trong tháng 5 năm nay và các hợp đồng theo kiểu BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) sẽ được đưa ra vào năm 2012. Dự án này dự định sẽ bổ sung khoảng 7.000 km đường ống qua nước này.
I-rắc cũng đang cân nhắc đặt một đường ống xuất khẩu khí đốt từ TP Ba-xra đến bắc Bát-đa và sau đó có thể kéo dài tới Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Xy-ri. Giai đoạn hai của đường ống này theo kế hoạch sẽ chạy tới cảng Ta-tút của Xy-ri ở đông Địa Trung Hải với công suất ước tính 1,5 triệu thùng/ngày. Đường ống này còn có thể được nối với đường ống dẫn khí Nabucco dài gần 3.500 km chạy từ Éc-du-rum ở Thổ Nhĩ Kỳ tới Áo. Theo các chuyên gia I-rắc, việc khôi phục cảng dầu Kho An Du-be ở gần Ba-xra, phục vụ xuất khẩu dầu về phía nam cũng sẽ cần thiết nhằm đáp ứng sản lượng khai thác tăng từ các giếng dầu khổng lồ ở miền nam I-rắc đang được các công ty dầu mỏ quốc tế đầu tư.
Ý kiến ()