I-rắc chìm trong xung đột và mâu thuẫn phe phái
Hiện trường một vụ đánh bom ở Thủ đô Bát-đa (I-rắc). ( Ảnh: AP )Sau khi Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi I-rắc, nước này đã nhanh chóng chìm vào những cuộc đánh bom đẫm máu liên tiếp làm hàng trăm người chết và bị thương. Mâu thuẫn giữa các phe phái đẩy nước này vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ khi chính quyền X.Hu-xê-in bị lật đổ năm 2003.Chỉ một ngày sau khi Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi I-rắc, Thủ tướng N.An Ma-li-ki, người Hồi giáo dòng Si-ít, đã phát lệnh truy nã Phó Tổng thống T.An Ha-sê-mi, thành viên Khối Iraqya do cộng đồng người Hồi giáo dòng Xun-nít hậu thuẫn. Chính phủ I-rắc yêu cầu khu tự trị người Cuốc giao nộp ông T.Ha-sê-mi với cáo buộc ông liên quan các hoạt động khủng bố. Thủ tướng Ma-li-ki còn yêu cầu cách chức Phó Thủ tướng X.An Mút-lắc. Những quyết định của Thủ tướng Ma-li-ki dẫn tới việc khối Iraqya tẩy chay các hoạt động của QH và các bộ trưởng của nhóm này rút khỏi chính phủ vì tố cáo ông thao túng quyền lực. Ngày 17-1, Chính phủ I-rắc...
Hiện trường một vụ đánh bom ở Thủ đô Bát-đa (I-rắc). ( Ảnh: AP ) |
Chỉ một ngày sau khi Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi I-rắc, Thủ tướng N.An Ma-li-ki, người Hồi giáo dòng Si-ít, đã phát lệnh truy nã Phó Tổng thống T.An Ha-sê-mi, thành viên Khối Iraqya do cộng đồng người Hồi giáo dòng Xun-nít hậu thuẫn. Chính phủ I-rắc yêu cầu khu tự trị người Cuốc giao nộp ông T.Ha-sê-mi với cáo buộc ông liên quan các hoạt động khủng bố. Thủ tướng Ma-li-ki còn yêu cầu cách chức Phó Thủ tướng X.An Mút-lắc. Những quyết định của Thủ tướng Ma-li-ki dẫn tới việc khối Iraqya tẩy chay các hoạt động của QH và các bộ trưởng của nhóm này rút khỏi chính phủ vì tố cáo ông thao túng quyền lực. Ngày 17-1, Chính phủ I-rắc đã quyết định đình chỉ công việc của ba Bộ trưởng thuộc khối Iraqya do tiếp tục tẩy chay các cuộc họp nội các. Trong khi đó, giới lãnh đạo người Cuốc bác bỏ đề nghị giao nộp ông Ha-sê-mi. Mặc dù là một phần lãnh thổ ở miền bắc I-rắc, nhưng khu vực người Cuốc lại được hưởng quy chế tự trị và có lực lượng an ninh riêng. Tổ chức người Cuốc hiện có những mâu thuẫn với chính phủ trung ương, chủ yếu liên quan vấn đề kiểm soát các khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn và thẩm quyền ký hợp đồng với các công ty nước ngoài. Mới đây, chính phủ trung ương I-rắc đã phản đối mạnh mẽ việc chính quyền khu vực người Cuốc tự ý ký một số hợp đồng với các công ty nước ngoài về khai thác dầu mỏ ở tỉnh Ki-cúc. Trong khi đó, I-rắc chưa thông qua được Luật Dầu khí, vấn đề mà cả người Hồi giáo dòng Si-ít lẫn người Cuốc đều muốn nắm giữ. Các quan chức chính quyền I-rắc thừa nhận, nước này đang lâm vào cuộc khủng hoảng chính phủ tồi tệ nhất kể từ khi chế độ X.Hu-xê-in bị lật đổ năm 2003. Để đối phó nguy cơ chia rẽ và mâu thuẫn phe phái kéo dài ở I-rắc, nhiều người cho rằng cần có sự hỗ trợ của Mỹ nhằm gây sức ép buộc các nhà lãnh đạo các phái tiến hành đối thoại tháo gỡ bế tắc. Oa-sinh-tơn đã hối thúc các bên trở lại bàn đàm phán nhằm ngăn chặn chính phủ thống nhất dân tộc I-rắc khỏi nguy cơ sụp đổ.
Căng thẳng giữa các phe phái kéo theo xung đột gia tăng. Những vụ đánh bom đẫm máu và khốc liệt liên tiếp diễn ra với mục tiêu chủ yếu nhằm vào người Hồi giáo dòng Si-ít. Nhánh An Kê-đa ở I-rắc tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo I-rắc” (ISI) đã nhận trách nhiệm gây ra vụ đánh bom vào QH nước này với mục tiêu là Thủ tướng I-rắc N.An Ma-li-ki và các nghị sĩ. Theo giới chức an ninh I-rắc, mặc dù ISI không còn mạnh như trong những năm 2006 – 2007, nhưng tổ chức này vẫn có khả năng gây ra thương vong lớn trong các vụ tiến công khủng bố. Trước hàng loạt vụ đánh bom nhằm vào người hành hương là người Hồi giáo dòng Si-ít, các quan chức I-rắc thừa nhận lực lượng an ninh nước này chưa đủ khả năng bảo vệ biên giới, không phận hoặc lãnh hải. Hiện I-rắc có 200 nghìn binh sĩ lục quân, trong khi lực lượng hải quân và không quân chỉ khoảng 10 nghìn người.
Khủng hoảng chính trị và xung đột đe dọa các hoạt động kinh tế của I-rắc. Là một nước giàu dầu mỏ với trữ lượng ước tính tới 143 tỷ thùng, song I-rắc đứng trước nhiều thách thức về quản lý nguồn tài nguyên này, nhất là trong bối cảnh tranh chấp giữa chính quyền trung ương và người Cuốc đối với các khu vực giàu dầu mỏ gia tăng. Trong khi đó, các hoạt động kinh doanh giảm mạnh trước tình hình an ninh bất ổn. Theo các thương gia ở I-rắc, chỉ trong mấy tuần qua, hoạt động kinh doanh ở nước này giảm tới 50%.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở I-rắc là sản phẩm của cuộc chiếm đóng gần chín năm qua của Mỹ. Chính phủ thân Mỹ được dựng lên ở I-rắc đã mang lại những ưu đãi lớn cho người Hồi giáo dòng Si-ít và người Cuốc hơn người Hồi giáo dòng Xun-nít, vốn cầm quyền dưới thời cố Tổng thống X.Hu-xê-in. Và sau khi Mỹ rút quân đã để lại một I-rắc chia rẽ phe phái. Các cuộc xung đột sắc tộc đã đẩy nhiều người dân nước này vào cảnh không nhà. Khoảng 1,7 triệu người I-rắc hiện phải sống trong các trại tị nạn trong nước, trong khi hơn hai triệu người I-rắc khác phải chạy sang các nước láng giềng và sống trong các trại tị nạn ở Xy-ri, Ai Cập, Gioóc-đa-ni… Mâu thuẫn phe phái khiến I-rắc đứng trước nguy cơ bị phân chia thành các khu vực trên cơ sở sắc tộc. Hai tỉnh chủ yếu của người Hồi giáo dòng Xun-nít là Xa-la-hát-đin và Đi-y-a-la đang đòi chính phủ cho hưởng quy chế tự trị như các tỉnh miền bắc của người Cuốc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()