Ì ạch ở Cao Lộc
LSO-Theo kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 5/9/2012 của UBND tỉnh về thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò gạch thủ công cải tiến và lò liên tục kiểu đứng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đến năm 2017 các lò gạch thủ công phải chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, đến ngày 5/9/2017, sau 5 năm triển khai trên địa bàn huyện Cao Lộc vẫn còn 16 lò gạch thủ công hoạt động.
Một lò gạch thủ công đang hoạt động tại khối 8, thị trấn Cao Lộc |
Theo thống kê của phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Cao Lộc, toàn huyện còn 16 lò gạch thủ công đang hoạt động tập trung chủ yếu tại thị trấn Cao Lộc và xã Hợp Thành. Trong đó, thị trấn Cao Lộc có 15 lò tập trung ở khối 8 và khối 9 và xã Hợp Thành còn 1 lò. Công suất mỗi lò từ 7 vạn viên đến 10 vạn viên cho mỗi lần đốt (để sản xuất được 1 lò gạch thủ công cần thời gian từ 15 đến 20 ngày). So với thời điểm cuối năm 2015, số lò gạch thủ công giảm 12 lò nhưng chủ yếu do tiêu thụ chậm và một số chủ lò chuyển đổi sang lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác.
Mặc dù kế hoạch xóa bỏ lò gạch thủ công đã được UBND tỉnh ban hành từ năm 2012 với lộ trình thực hiện rất cụ thể cho từng đối tượng, từng khu vực, tuy nhiên, việc triển khai tại Cao Lộc chưa được quyết liệt và thiếu sâu sát, dẫn đến các chủ lò vẫn ngang nhiên hoạt động.
Đầu tháng 9/2016, khảo sát tại khối 8 và khối 9, thị trấn Cao Lộc, chúng tôi ghi nhận hoạt động sản xuất của các lò gạch thủ công vẫn diễn ra bình thường. Từ tỉnh lộ 235, khu vực Nhà máy gạch Hợp Thành rẽ bên phải vào địa phận khối 8, thị trấn Cao Lộc, con đường đất dẫn vào khu vực tập trung các lò gạch thủ công đang hoạt động bị cày nát bởi các xe vận tải chở gạch, đất, than phục vụ sản xuất của các lò gạch thủ công. Thống kê thực tế, tại khối 8 thị trấn Cao Lộc hiện còn 7 lò đang hoạt động.
Ông Hoàng Văn Ái, một lao động thời vụ có thâm niên 5 năm chuyên đốt các lò gạch thủ công tại địa bàn khối 8, thị trấn Cao Lộc cho biết: Tôi đã gắn bó với lò gạch thủ công nhiều năm nhưng chưa hề được tuyên truyền về chính sách xóa lò gạch thủ công của tỉnh cũng như của huyện và cũng chưa thấy có đoàn công tác của huyện hay của thị trấn xuống kiểm tra thực tế và thông báo việc phải xóa bỏ lò gạch thủ công theo lộ trình của tỉnh.
Theo ông Ái, trong hai năm trở lại đây, mặc dù các lò gạch thủ công vẫn hoạt động nhưng sức tiêu thụ giảm đáng kể, có thời điểm giảm tới 50% sản lượng do không bán được.
Tìm hiểu sâu hơn về lý do vì sao lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn huyện chậm chễ còn bởi sự chây ì của không ít chủ lò gạch, dù biết chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công nhưng vẫn cố hoạt động. Bà Lê Thị Dung, khối 8, thị trấn Cao Lộc – chủ của 3 lò gạch thủ công có công suất hơn 20 vạn viên một kỳ sản xuất thừa nhận: Chủ trương về xóa bỏ lò gạch đã có từ năm 2008, gia đình tôi đã nhận được thông báo để quy hoạch cụm công nghiệp và chủ trương chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung nhưng huyện chưa thông báo cụ thể thì vẫn cứ làm được năm nào hay năm ấy.
Ông Dương Công Vĩnh, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Cao Lộc cũng thừa nhận: Kết quả xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn chậm một phần do nguyên nhân chủ quan là phòng chưa tham mưu kịp thời cho huyện và thiếu kiên quyết, sâu sát trong khâu kiểm tra triển khai thực hiện lộ trình, kế hoạch của tỉnh. Về khách quan, đến nay, tỉnh vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể trong việc chuyển đổi nghề nghiệp cho những đối tượng bị ảnh hưởng.
Được biết năm 2015, UBND huyện Cao Lộc đã ban hành công văn số 1619/UBND-KT&HT ngày 30/10/2015 về đôn đốc giao nhiệm vụ cho các phòng, ban và UBND các xã, thị trấn thực hiện Kế hoạch 52 của UBND tỉnh. Nhưng việc triển khai xuống cơ sở hầu như không có biến chuyển nào đáng kể cũng từ năm 2015 đến nay, Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Cao Lộc cũng chưa đưa ra được văn bản nào tham mưu cho huyện để thực hiện lĩnh vực này.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()