Hy vọng sẽ tìm được con
“Tháng sau tôi sẽ được đặt phôi tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội theo gói hỗ trợ 100% dành cho 10 gia đình quân nhân hiếm muộn tháng 12-2022. Vợ chồng tôi hy vọng sẽ tìm được con ”-Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Hạnh, nhân viên nuôi quân Kho K812, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật xúc động nói với chúng tôi.
Nhiều năm nay, không riêng Kho K812 mà ở Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật, nhiều người biết đến hành trình gian nan tìm con của vợ chồng Thượng úy QNCN Ngô Văn Cường và Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Hạnh. 9 năm về chung sống một nhà thì có tới 8 năm cả hai sống trong nỗi niềm khắc khoải, mong ngóng, đợi chờ tiếng trẻ thơ.
Nhập ngũ năm 2011, Nguyễn Thị Hạnh được điều về Kho K899, Cục Quân khí. Một thời gian sau, Hạnh được cử đi học nấu ăn tại Học viện Hậu cần cơ sở 2. Hoàn thành khóa học hai năm, Hạnh trở về Kho K899 công tác. Thời điểm đó, chị được ví là “mì chính cánh” của đơn vị, được nhiều chàng trai trong đơn vị để mắt, muốn tìm hiểu. Thế nhưng trái tim Hạnh hướng về anh chàng nhân viên lái xe Ngô Văn Cường, hơn mình 4 tuổi. Hạnh bảo, anh Cường không đẹp trai nhưng lại có rất nhiều điểm cộng: Ngoài sự chín chắn, nhiệt tình, Cường còn là đồng hương Nghệ An. Hạnh quê ở thị xã Thái Hòa, còn Cường ở Quỳ Hợp (Nghệ An); hai nhà cách nhau chưa đầy 30km. Cùng cảnh xa quê, giữa họ tự nhiên có sợi dây đồng cảm, thân thiết.
Suốt 3 năm yêu nhau, cả hai đã nhiều lần tính đến chuyện về sống chung một nhà nhưng thương mẹ ở quê một mình, Hạnh lại băn khoăn. Năm 2013, Hạnh nói với Cường là chị làm đơn xin chuyển công tác về Kho K812, gần nhà mẹ đẻ để có điều kiện chăm sóc mẹ. Sợ mất người yêu, tháng 11-2014, Cường xin phép hai bên gia đình, đơn vị được tổ chức lễ cưới. Một thời gian sau, Cường được đơn vị cho chuyển công tác, tạo điều kiện gần gia đình.
Vợ chồng chị Hạnh trong Gala “Hạt mầm khát vọng” đón nhận quyết định hỗ trợ 100% chi phí thụ tinh trong ống nghiệm từ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, ngày 3-12-2022. |
Niềm vui, hạnh phúc vợ chồng được gần nhau chưa nhiều thì nỗi lo lắng mới lại xuất hiện. Nhẩm tính đã gần một năm sau ngày cưới mà cả hai chưa thấy tín hiệu mừng, sốt ruột, Cường và Hạnh thống nhất xin nghỉ phép ra Hà Nội để kiểm tra sức khỏe. Cầm kết quả xét nghiệm trên tay, Hạnh không tránh khỏi bàng hoàng, hụt hẫng: Để có con, cả hai cần có sự can thiệp của y học. Hiểu được tâm trạng của vợ chồng chị, các bác sĩ động viên: Cả hai còn trẻ, sức khỏe tốt, phát hiện sớm kết hợp với y học tiên tiến thì chuyện tìm con không còn là quá khó. Có điều, cả hai phải kiên trì.
Kể từ ngày đó, vợ chồng Hạnh bước vào hành trình gian nan tìm con. 8 năm ngược xuôi, ai mách có thầy hay thuốc tốt, phương pháp điều trị hiệu quả là cả hai lại khăn gói tìm đến. Hạnh bảo: “Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Tâm Anh… vợ chồng tôi đều đến tìm hiểu”. “Lần 1 làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thất bại. Lần 2 vẫn thất bại! Nhưng vợ chồng tôi không nản lòng. Chúng tôi bảo nhau, thua keo này ta bày keo khác, tiếp tục dành dụm tiền để quyết đón con về”-anh Cường bộc bạch.
Sau một thời gian để sức khỏe hồi phục, năm 2018, anh chị quyết định đến Bệnh viện Tâm Anh làm IVF một lần nữa. Lần này, hạnh phúc đã bén rễ, nảy mầm xanh. Anh chị hồi hộp, mừng vui dõi theo sự phát triển của con từng ngày. Nhưng đến tháng thứ 6, con lại bỏ anh chị. Khỏi phải nói, cả hai đã rơi vào sự mất mát, hụt hẫng đến nhường nào. Phải mất một thời gian khá dài, anh chị mới chấp nhận được sự thật rằng con đã không ở lại với mình.
Hơn một tháng sau ngày mất con, anh Cường phát hiện bản thân mắc bệnh viêm đa dây thần kinh nhãn. Bác sĩ chẩn đoán có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần bởi anh suy nghĩ quá nhiều. Căn bệnh khiến mắt anh bị sụp, tầm nhìn trở nên hạn chế. Để điều trị bệnh, hơn một năm trời, anh gần như bám trụ ở Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Mắt Trung ương.
“Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, căn bệnh của anh Cường vừa thuyên giảm thì mẹ đẻ chị Hạnh lại phát hiện bị ung thư trực tràng. Vậy là hành trình tìm con của anh chị đành tạm gác lại để tập trung chăm sóc mẹ.
Và rồi, tháng 12-2022, khát khao tìm con một lần nữa được thắp lên khi anh chị nằm trong danh sách 10 cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội hỗ trợ 100% chi phí thụ tinh trong ống nghiệm. Nói về điều này, chị Hạnh không giấu được cảm xúc, bày tỏ: “Hành trình tìm con của vợ chồng tôi thật nhiều gian truân, vất vả. Càng những lúc như thế, chúng tôi càng cảm nhận rõ sự yêu thương của đồng chí, đồng đội, gia đình, người thân; sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Với sự hỗ trợ của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội lần này, vợ chồng tôi tiếp tục hy vọng và tin tưởng con sẽ sớm tìm về”.
Chúng tôi cầu mong cho niềm mong mỏi của vợ chồng Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Hạnh-Thượng úy QNCN Ngô Văn Cường sớm trở thành hiện thực, để hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ được trọn vẹn, tròn đầy.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/hy-vong-se-tim-duoc-con-727981
Ý kiến ()