Hy vọng mới cho hòa bình ở Min-đa-nao
Khu vực Min-đa-nao giàu dầu mỏ. Chính phủ Phi-li-pin và lực lượng Mặt trận giải phóng Hồi giáo Mô-rô (MILF) vừa đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, đặt cơ sở vững chắc để hai bên ký thỏa thuận khung về hòa bình vào ngày 15-10 tới nhằm chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài hơn bốn thập kỷ qua ở miền nam nước này.Sau hàng chục vòng đàm phán tại Thủ đô Cu-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a), với sự tham gia của đại diện Chính phủ Phi-li-pin, MILF, Chính phủ Ma-lai-xi-a và Trung tâm đối thoại nhân đạo (HD, một tổ chức trung gian hòa giải độc lập, có trụ sở tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ), Chính phủ Phi-li-pin và MILF đã đi tới nhất trí về một thỏa thuận khung đề cập việc thiết lập một thể chế chính trị, gọi là Nhà nước Bang-xa-mô-rô, thay cho Khu tự trị Hồi giáo ở Min-đa-nao (ARMM) được thiết lập năm 1989 ở các khu vực miền nam Phi-li-pin. Đây là vấn đề mấu chốt tạo đột phá để tránh đi vào "vết xe đổ" từng nhiều lần khiến cho tiến trình hòa bình ở Phi-li-pin lâm vào bế...
Khu vực Min-đa-nao giàu dầu mỏ. |
Sau hàng chục vòng đàm phán tại Thủ đô Cu-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a), với sự tham gia của đại diện Chính phủ Phi-li-pin, MILF, Chính phủ Ma-lai-xi-a và Trung tâm đối thoại nhân đạo (HD, một tổ chức trung gian hòa giải độc lập, có trụ sở tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ), Chính phủ Phi-li-pin và MILF đã đi tới nhất trí về một thỏa thuận khung đề cập việc thiết lập một thể chế chính trị, gọi là Nhà nước Bang-xa-mô-rô, thay cho Khu tự trị Hồi giáo ở Min-đa-nao (ARMM) được thiết lập năm 1989 ở các khu vực miền nam Phi-li-pin. Đây là vấn đề mấu chốt tạo đột phá để tránh đi vào “vết xe đổ” từng nhiều lần khiến cho tiến trình hòa bình ở Phi-li-pin lâm vào bế tắc. Theo thỏa thuận, người dân thuộc thực thể Bang-xa-mô-rô sẽ xây dựng luật cơ bản và bầu chính quyền cho khu vực bán tự trị của mình, đồng thời MILF sẽ chấm dứt hoạt động và từng bước chuyển giao việc thực thi pháp luật cho cảnh sát địa phương. Hai bên nhất trí lập một ủy ban chung, gồm 15 thành viên, có nhiệm vụ từ nay tới năm 2015 soạn thảo khung pháp lý cho sự ra đời của thực thể Bang-xa-mô-rô có quyền tự quyết rộng rãi hơn về chính trị, kinh tế và có quyền thu thuế, cũng như đóng vai trò lớn hơn về mặt an ninh. Tuy nhiên, thực thể Bang-xa-mô-rô cần được thông qua trong một cuộc trưng cầu ý dân trước khi có hiệu lực pháp lý. Tổng thống B.A-ki-nô nhấn mạnh, điều có ý nghĩa quan trọng là, với thỏa thuận này, MILF sẽ không yêu cầu thành lập một nhà nước độc lập nữa. Theo ông, thỏa thuận đạt được đã xóa bỏ những định kiến, sự thiếu tin tưởng lẫn nhau, mở đường cho hòa bình lâu dài ở Min-đa-nao, tạo cơ hội cho tất cả những tay súng đối lập quay trở lại hòa nhập cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên của đất nước. HD cũng đánh giá cao kết quả đạt được giữa Chính phủ Phi-li-pin và MILF, cho rằng thỏa thuận hai bên vừa đạt được mở ra một chương mới cho người dân Min-đa-nao và hòa bình, ổn định cho Phi-li-pin.
MILF là lực lượng ly khai lớn nhất Phi-li-pin (hiện gồm 11 nghìn tay súng), đã tiến hành các hoạt động chống chính phủ từ những năm 1970 đòi thành lập chính quyền độc lập trên đảo Min-đa-nao và một số hòn đảo khác ở khu vực miền nam nước này. Các hoạt động chống phá chính phủ của lực lượng này suốt nhiều thập kỷ qua đã làm ít nhất 120 nghìn người chết, hơn hai triệu người phải tha hương, phá hủy nhiều tài sản và làm tê liệt nền kinh tế khu vực. Chính quyền Ma-ni-la đã xúc tiến nhiều cuộc hòa đàm với MILF, tuy nhiên, con đường đàm phán đi tới hòa bình ở Min-đa-nao gặp rất nhiều trắc trở, có thời kỳ bị gián đoạn mấy năm ròng, do quan điểm các bên đưa ra còn quá cách biệt, nhất là về cơ chế chính trị tại Min-đa-nao cũng như cách thức phân chia nguồn dầu mỏ tiềm năng ở khu vực.
Kể từ khi Tổng thống A-ki-nô lên nắm quyền lãnh đạo đất nước năm 2010 tới nay, với uy tín chính trị cao và nỗ lực mạnh mẽ thúc đẩy hòa bình ở khu vực Min-đa-nao, ông từng bước hiện thực hóa việc thiết lập hòa bình cho khu vực miền nam đất nước, quyết tâm đạt thỏa thuận hòa bình với MILF trước khi mãn nhiệm vào năm 2016. Cuối tháng 5-2011, hai bên nối lại hòa đàm một tháng sau sự kiện ký văn kiện mười điểm, bản hướng dẫn cho các vấn đề lớn trong các kỳ đàm phán tiếp theo. Chính phủ Phi-li-pin và MILF đã kết thúc vòng đàm phán hòa bình chính thức thứ 32 tại Cu-a-la Lăm-pơ, trong đó hai bên đã đạt thỏa thuận lịch sử mở đường thiết lập nền hòa bình lâu dài ở Min-đa-nao, chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài hơn 40 năm qua ở khu vực này.
Chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải làm để biến khu vực Min-đa-nao nhiều bất ổn trở thành một “trung tâm kinh tế tương lai”, trong đó, nhiệm vụ khó khăn và phức tạp là giúp hồi hương hàng trăm nghìn người tha hương ổn định lại cuộc sống cũng như xóa bỏ sự thù địch, tiến tới hòa giải dân tộc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()