Lộ trình cho gói cứu trợ tài chính của EU và IMF dành cho Bồ Đào Nha dần được khai thông, trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn cận kề (ngày 5-6) và khoản nợ 4,9 tỷ ơ-rô (7,4 tỷ USD) sắp đến thời điểm đáo hạn (15-6). Chính phủ của Thủ tướng tạm quyền H.Xô-cra-tét, sau các cuộc thương lượng với EU và IMF, đã đạt đồng thuận về các điều khoản của gói cứu trợ tài chính cho Bồ Đào Nha. Đảng Dân chủ xã hội (PSD), đảng đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri trước cuộc bầu cử trước thời hạn ở Bồ Đào Nha, 'bật đèn xanh' cho gói cứu trợ. Đây là tín hiệu vui nhưng cũng đầy bất ngờ, bởi sự phản đối quyết liệt của các đảng đối lập, nhất là PSD, về kế hoạch cải cách kinh tế đã khiến Chính phủ của Thủ tướng Xô-cra-tét không còn lựa chọn nào khác là phải từ chức. Thủ tướng mới đắc cử ở Phần Lan G.Ka-tai-nen kêu gọi các phe phái trong Quốc hội, trong đó có cả các chính đảng muốn tham gia chính phủ liên hiệp của ông, ủng hộ gói cứu trợ này. Trước đó, Phần Lan, nước thành viên Khu vực đồng ơ-rô (EUROZONE), đe dọa dùng quyền phủ quyết tại Ủy ban châu Âu (EC) để phản đối việc EU và IMF cứu trợ Bồ Đào Nha.
Sau hai tuần thương lượng với phái đoàn hỗn hợp gồm IMF, Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Chính phủ Bồ Đào Nha đã thông qua các điều khoản của gói cứu trợ tài chính, nhằm giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công. Chi tiết các điều kiện cứu trợ chưa được công bố, vì còn cần các chính đảng đối lập ở Bồ Đào Nha thông qua trước khi được các Bộ trưởng Tài chính EUROZONE xem xét. Thủ tướng Xô-cra-tét trấn an dư luận rằng, chương trình xin cứu trợ không đòi hỏi tiến hành ngay các biện pháp 'thắt lưng buộc bụng' mới trong năm 2011. Theo thông tin từ Văn phòng Thủ tướng, Bồ Đào Nha tìm kiếm gói cứu trợ trị giá 78 tỷ ơ-rô (116 tỷ USD) trong vòng ba năm, trong đó có 12 tỷ ơ-rô dùng để khôi phục hệ thống ngân hàng. Đổi lại, Li-xbon phải cam kết giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước từ mức 9,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2010 xuống 5,9% GDP năm 2011 và 4,5% năm 2012, thậm chí xuống mức trần 3% theo quy định của EU vào năm 2013. Trong bối cảnh nợ công của nước này năm 2010 lên tới 143 tỷ ơ-rô (200 tỷ USD, tương đương 83,3% GDP), năm 2011 ước tính tăng lên 88% GDP, tỷ lệ thất nghiệp ở mức kỷ lục 11,2%, cao nhất trong hơn mười năm qua.
Giới quan sát nhận định, các điều kiện xin cứu trợ mới khả thi hơn kế hoạch do Chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Xô-cra-tét công bố tháng 3 vừa qua, nhưng cũng không dễ thực hiện, vì thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha hiện quá cao. Kế hoạch cũ, với mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 3% năm 2012 và 2% năm 2013, đã bị các đảng đối lập trong Quốc hội phản đối với lý do quá 'khắc khổ'. Trong khi đó, nguồn tin từ EC tiết lộ, EU và IMF yêu cầu Bồ Đào Nha thực hiện các biện pháp kinh tế khắc khổ, tiếp tục cắt giảm chi tiêu, tăng thuế và đẩy mạnh tư nhân hóa… để nhận được gói cứu trợ tài chính. EU và IMF đề nghị Li-xbon trước mắt thực hiện chương trình cải cách kinh tế mạnh mẽ từ nay đến giữa tháng 5, gồm kế hoạch tư nhân hóa, cải cách thị trường lao động và các bước đi cụ thể nhằm hỗ trợ các ngân hàng yếu kém. Theo kế hoạch, các Bộ trưởng Tài chính EUROZONE sẽ xem xét thỏa thuận xin cứu trợ mới của Bồ Đào Nha tại cuộc họp ngày 16 và 17-5, tạo điều kiện để Quỹ cứu trợ ngắn hạn có đủ thời gian huy động tiền hỗ trợ Bồ Đào Nha vào giữa tháng 6 tới, thời điểm Li-xbon phải thanh toán khoản nợ 4,9 tỷ ơ-rô đáo hạn trong điều kiện ngân sách cạn kiệt.
NẾU không nhận được hỗ trợ từ bên ngoài, nền kinh tế Bồ Đào Nha chắc chắn khó chống đỡ nổi cơn bão khủng hoảng nợ công, đồng nghĩa với vỡ nợ và sụp đổ. Khi đó, ảnh hưởng của nó sẽ lan rộng sang các nước châu Âu, đẩy cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ý kiến ()