Hy vọng khôi phục hòa bình và ổn định tại Cô-lôm-bi-a
Đại diện Chính phủ Cô-lôm-bi-a tại bàn đàm phán. Ngày 18-10 vừa qua, tại Thủ đô Ô-xlô, Na Uy đã diễn ra cuộc đàm phán chính thức giữa đại diện Chính phủ Cô-lôm-bi-a và Lực lượng vũ trang cách mạng Cô-lôm-bi-a (FARC) nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài gần năm thập kỷ, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người.Trong chương trình nghị sự của cuộc đàm phán, hai bên tập trung thảo luận các vấn đề như quyền con người, buôn bán ma túy, sở hữu đất, vai trò của FARC trong đời sống chính trị và cách thức kết thúc xung đột... Nhưng, trong vòng đàm phán tại Ô-xlô đã xuất hiện bất đồng khi đại diện Chính phủ Cô-lôm-bi-a bác bỏ đề xuất của FARC đưa ra thảo luận vấn đề cải cách cơ cấu Nhà nước và mô hình kinh tế, vì cho rằng các vấn đề này không nằm trong chương trình nghị sự đã được hai bên nhất trí trước đó. Trước đó, ngày 2-10, tại Thủ đô La Ha-ba-na của Cu-ba đã diễn ra cuộc gặp giữa các đại diện của Chính phủ Cô-lôm-bi-a và FARC...
Đại diện Chính phủ Cô-lôm-bi-a tại bàn đàm phán. |
Trong chương trình nghị sự của cuộc đàm phán, hai bên tập trung thảo luận các vấn đề như quyền con người, buôn bán ma túy, sở hữu đất, vai trò của FARC trong đời sống chính trị và cách thức kết thúc xung đột… Nhưng, trong vòng đàm phán tại Ô-xlô đã xuất hiện bất đồng khi đại diện Chính phủ Cô-lôm-bi-a bác bỏ đề xuất của FARC đưa ra thảo luận vấn đề cải cách cơ cấu Nhà nước và mô hình kinh tế, vì cho rằng các vấn đề này không nằm trong chương trình nghị sự đã được hai bên nhất trí trước đó. Trước đó, ngày 2-10, tại Thủ đô La Ha-ba-na của Cu-ba đã diễn ra cuộc gặp giữa các đại diện của Chính phủ Cô-lôm-bi-a và FARC nhằm thảo luận các điều khoản cho các cuộc đàm phán hòa bình. Người phát ngôn của FARC R.Gran-đa kêu gọi Chính phủ Cô-lôm-bi-a công bố một lệnh ngừng bắn tạm thời trong thời gian đàm phán. Tuy nhiên, Tổng thống M.Xan-tốt đã bác bỏ đề nghị này. Trước và trong thời gian đàm phán, quân đội Cô-lôm-bi-a vẫn tăng cường các cuộc tiến công truy quét các nhóm vũ trang chống chính phủ, trong đó có FARC và lực lượng này cũng đáp trả bằng nhiều cuộc tiến công vào các cơ sở năng lượng của Cô-lôm-bi-a.
Mặc dù tồn tại những bất đồng và chưa giảm bớt các cuộc giao tranh, nhưng kết thúc vòng đầu, hai bên đã nhất trí nối lại đàm phán hòa bình, dự kiến ngày 15-11 tới tại La Ha-ba-na. Hai bên cũng bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa Chính phủ và FARC. Phát biểu ý kiến tại một diễn đàn kinh tế ở trong nước, Bộ trưởng Ngoại giao Cô-lôm-bi-a M.Hôn-gu-in cũng lạc quan, tin tưởng cuộc đàm phán sẽ đạt được kết quả để người dân Cô-lôm-bi-a cùng chung sống trong hòa bình.
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, FARC và Chính phủ Cô-lôm-bi-a đã ba lần đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, nhưng vì nhiều lý do, các cuộc đàm phán đã đổ vỡ. Theo các nhà phân tích chính trị, cuộc đàm phán lần này, dưới sự bảo trợ của Cu-ba và Na Uy, đang chuyển động theo hướng mới tích cực, khi hai bên có những động thái nhượng bộ và tỏ rõ thiện chí muốn chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, ổn định cho đất nước. Xu thế hòa bình, tăng cường hợp tác, liên kết và tiến trình dân chủ hóa sâu sắc đang diễn ra ở khu vực Mỹ la-tinh khi lực lượng cánh tả lên nắm quyền ở nhiều nước trong khu vực như Vê-nê-xu-ê-la, Bra-xin, Ác-hen-ti-na, Pê-ru, Ni-ca-ra-goa, Ê-cu-a-đo… cũng tác động và ảnh hưởng tích cực tới đời sống chính trị, góp phần tạo điều kiện để các bên đối đầu ở Cô-lôm-bi-a xích lại gần nhau hơn.
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2010, Tổng thống G.Xan-tốt nhiều lần tuyên bố sẽ làm tất cả để chấm dứt cuộc xung đột “huynh đệ tương tàn” gây quá nhiều mất mát, đau thương cho đất nước Cô-lôm-bi-a. Từng là người đứng đầu quân đội dưới chính quyền Tổng thống A.U-ri-bê, thời kỳ mà quân đội Cô-lôm-bi-a với sự hậu thuẫn của Mỹ đã mở nhiều chiến dịch quy mô trấn áp FARC, ông Xan-tốt hiểu rõ lực lượng này, cũng như thấy rõ những mất mát lớn mà người dân Cô-lôm-bi-a phải gánh chịu nếu cuộc xung đột tiếp tục kéo dài. Tổng thống Xan-tốt đang nỗ lực tìm giải pháp chính trị để giải quyết cuộc xung đột vũ trang kéo dài với FARC.
Trong khi đó, FARC, nhóm vũ trang chống Chính phủ lớn nhất ở Cô-lôm-bi-a, được thành lập năm 1964, thời điểm mạnh nhất có 17 nghìn binh sĩ, nay suy giảm còn khoảng 9.000 binh sĩ, cũng nhận thấy đấu tranh vũ trang không còn là phương thức duy nhất để đạt được mục tiêu họ theo đuổi. Những năm gần đây, FARC đã có sự nhượng bộ thông qua từng bước trả tự do cho các con tin và chấp nhận đặt lên bàn đàm phán vấn đề hạ vũ khí và giải giáp lực lượng này để tham gia đời sống chính trị. Đây được coi là sự nhượng bộ lớn nhất so với quan điểm cứng rắn của họ trước đây. Cuộc đàm phán hòa bình ở Cô-lôm-bi-a lần này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế, nhất là các nước trong khu vực.
Với khát vọng của người dân Cô-lôm-bi-a về một nền hòa bình bền vững và thiện chí của các bên liên quan, cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, hy vọng cuộc đàm phán giữa Chính phủ Cô-lôm-bi-a và FARC sẽ sớm đạt kết quả, nhằm chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình và ổn định ở quốc gia Nam Mỹ này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()