Hy vọng giải quyết hoà bình vấn đề hạt nhân của Iran
Sau hơn 1 năm đình trệ, Iran và nhóm P5 1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), ngày 14/4, đã nối lại vòng đàm phán đa phương lần thứ 3 về vấn đề hạt nhân tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Sự kiện này đã nhen nhóm lên tia hy vọng giải quyết hoà bình vấn đề hạt nhân của Iran.Tuy chưa mang lại kết quả đột phá, song sự kiện này đã được đánh giá có hiệu ứng “tích cực” khi mà các bên tiếp tục xem đàm phán là một “cách thức tối ưu” để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Truyền hình CNN cho biết, sau nhiều tháng căng thẳng, thậm chí đối đầu, kết quả mang tính xây dựng của cuộc đàm phán lần này giữa Iran với nhóm P5 1 sẽ là cơ sở ban đầu cho việc thiết lập một tiến trình đối thoại nghiêm túc và bền vững hơn. Cụ thể, hai bên đều hy vọng các chuyên gia sẽ sớm gặp nhau để thống nhất về một khuôn khổ chi tiết cho cuộc đàm phán tiếp theo, dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 23/5 tại thủ đô Baghdad của...
Sau hơn 1 năm đình trệ, Iran và nhóm P5 1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), ngày 14/4, đã nối lại vòng đàm phán đa phương lần thứ 3 về vấn đề hạt nhân tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Sự kiện này đã nhen nhóm lên tia hy vọng giải quyết hoà bình vấn đề hạt nhân của Iran.
Tuy chưa mang lại kết quả đột phá, song sự kiện này đã được đánh giá có hiệu ứng “tích cực” khi mà các bên tiếp tục xem đàm phán là một “cách thức tối ưu” để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.Truyền hình CNN cho biết, sau nhiều tháng căng thẳng, thậm chí đối đầu, kết quả mang tính xây dựng của cuộc đàm phán lần này giữa Iran với nhóm P5 1 sẽ là cơ sở ban đầu cho việc thiết lập một tiến trình đối thoại nghiêm túc và bền vững hơn. Cụ thể, hai bên đều hy vọng các chuyên gia sẽ sớm gặp nhau để thống nhất về một khuôn khổ chi tiết cho cuộc đàm phán tiếp theo, dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 23/5 tại thủ đô Baghdad của Iraq. Theo giới chức ngoại giao nhóm P5 1, tại vòng đàm phán tới, hai bên sẽ bàn về nguyên tắc của một phương án hợp tác từng bước trên cơ sở có đi có lại.
Trả lời phỏng vấn báo giới, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton cho rằng, vòng đối thoại đa phương lần thứ 3 giữa Iran và nhóm P5 1 diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/4 mang tính “xây dựng và hữu ích”. Bà Ashton cho biết, tại vòng đối thoại trực tiếp cuối tuần trước, Iran và nhóm P5 1 đã nhất trí lấy Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) làm nền tảng cơ bản cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Cụ thể, phía Iran cần tuân thủ nghiêm túc tất cả các quy định được nêu lên trong bản Hiệp ước này, trong khi các bên khác cần tôn trọng đầy đủ quyền phát triển hạt nhân vì mục tiêu hòa bình của Iran.
Đề cập tới việc Iran và P5 1 đã nhất trí nối lại đối thoại vào ngày 23/5 tới đây, tại Baghdad, Iraq, bà Ashton cho biết, các cuộc thảo luận tiếp theo sẽ tập trung vào việc xây dựng lòng tin, theo đó Iran cam kết không bao giờ theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc một số biện pháp trừng phạt quốc tế sẽ được dỡ bỏ. “Chúng tôi hy vọng các cuộc đối thoại trên sẽ khuyến khích Iran thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm hướng tới một giải pháp đàm phán toàn diện, giúp khôi phục được lòng tin từ phía cộng đồng quốc tế về bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân mà nước này đang theo đuổi”, bà Ashton nói.
Về phần mình, Ngoại trưởng Ali Akbar Salehi cũng bày tỏ hy vọng trong lần đàm phán tiếp theo các bên sẽ đối thoại trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng cam kết vì các mục tiêu lâu dài, và quan trọng nhất là phải tái lập lòng tin.
Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra ngày 14/4, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Saeed Jalili cho biết, mục tiêu cuối cùng của chương trình hạt nhân mà Iran đang theo đổi là nhằm phát triển năng lượng hòa bình chứ không phải để chế tạo vũ khí nguyên tử. Theo quan điểm của ông Jalili, tại vòng đối thoại đa phương lần thứ 3 ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, các cường quốc đã duy trì một cách “tiếp cận mang tính tích cực” đối với vấn đề hạt nhân của Iran và tạo tiền đề cho “một tiến trình hợp tác” giữa Tehran và nhóm P5 1.
Trong khi đó, tờ “Bưu điện Washington” cũng vừa cho biết, các quan chức Mỹ được khích lệ bởi kết quả cuộc đàm phán kéo dài hơn 10 giờ với Iran. Tiến bộ đạt được tuy không lớn, song nó đã mở ra hy vọng tạm thời hạ nhiệt được một cuộc khủng hoảng đang có nguy cơ dẫn tới một cuộc đối đầu quân sự mới ở Trung Đông. Một quan chức cao cấp của Mỹ mô tả không khí đàm phán lần này là “đáng khích lệ” để hai bên có thể tiến hành vòng đàm phán tiếp theo với hy vọng sẽ đạt được những tiến triển nhanh chóng và cụ thể hơn.
Chuyên gia Trung tâm nghiên cứu quốc tế thuộc Trường Đại học Woodrow Wilson, Michael Adler cho rằng chỉ riêng việc thuyết phục được Iran đi theo tiến trình đối thoại đã là một thắng lợi và là nỗ lực của tất cả các bên.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama một mặt hoan nghênh cuộc đàm phán mang tính chất xây dựng lần này, coi đó là bước đi hướng tới một giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân của Iran, mặt khác vẫn cảnh báo nước này về những biện pháp trừng phạt chưa từng có, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, trong đó có việc cấm hoàn toàn việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Trong bản tuyên bố ra ngày 14/4, trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Mã Triều Húc – đại diện của Bắc Kinh tham gia vòng đàm phán đa phương tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tuần trước cũng nhấn mạnh rằng, sự kiện trên đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh đó, quan chức ngoại giao này cho biết, vòng đối thoại thứ 3 giữa Iran và nhóm P5 1 đã diễn ra trong bầu không khí “nghiêm túc, hữu ích và mang tính xây dựng”. “Tại vòng đối thoại trên, chúng tôi đã thẳng thắn trao đổi các thông tin xung quanh chương trình hạt nhân của Iran. Tất cả các bên đều tỏ ra thiện chí để tham gia đối thoại, dựa trên nguyên tắc “từng bước một, nhân nhượng lẫn nhau, bình đẳng, hai bên cùng có lợi để xây dựng lòng tin, nhằm hướng tới một giải pháp toàn diện, công bằng và phù hợp cho vấn đề hạt nhân của Iran”, ông Mã Triều Húc nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Mã Triều Húc cũng cho biết thêm, trước khi diễn ra vòng đối thoại lần 3 giữa Iran và nhóm P5 1 tại Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc đã duy trì mối liên hệ thường xuyên giữa tất cả các bên có liên quan, kêu gọi các bên tìm kiếm một giải pháp ngoại giao và sớm nối lại tiến trình đàm phán. Theo quan điểm của quan chức ngoại giao Trung Quốc, chương trình hạt nhân của Iran là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi những nỗ lực tháo gỡ lâu dài. Chính vì thế, trong cuộc đàm phán vừa qua, Trung Quốc đã kêu gọi tất cả các bên, dựa trên tinh thần cùng hướng về phía trước, tỏ rõ thiện chí, sự linh hoạt và thái độ chân thành, cùng cân nhắc một cách nghiêm túc các quan ngại của nhau, vì tương lai thành công của tiến trình đàm phán.
Trong bản tuyên bố ngày 15/4, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Vòng đàm phán ngày 14/4 giữa Iran và nhóm P5 1 tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra trong bầu không khí xây dựng và nghiêm túc…Tại sự kiện này, các bên đã tỏ rõ thiện chí nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân của Iran”.
Nguồn tin trên cho biết, tại vòng đối thoại vừa diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và nhóm P5 1 đã tập trung thảo luận về một giải pháp ngoại giao-chính trị cho chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran cũng như các biện pháp giúp Iran khôi phục lòng tin từ phía cộng đồng quốc tế về bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân mà nước Cộng hòa Hồi giáo này đang theo đuổi. Ngoài ra, các bên tham gia đàm phán còn khẳng định, họ sẵn sàng tham gia vào các vòng đàm phán tiếp theo để đạt được những tiến triển “từng bước” liên quan tới vấn đề hạt nhân của Iran, dựa trên tinh thần của NPT.
Cùng ngày, thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov – đại diện của Moscow tham gia đàm phán vòng đàm phán đa phương tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tuần trước khẳng định: “Tại sự kiện này, nhóm P5 1 đã công nhận quyền hợp pháp của Iran để sử dụng năng lượng hạt nhân vì những mục tiêu hòa bình, trong khi duy trì cam kết tuân thủ các nguyên tắc quốc tế”. Cũng theo ông Ryabkov, Moscow hài lòng trước kết quả của vòng đàm phán lần thứ 3 giữa Iran và nhóm P5 1 và cho biết thêm rằng, tại sự kiện này, các bên đã đạt được thống nhất chung về một số vấn đề cụ thể.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()