Hy Lạp quyết tâm dập "đám cháy" nợ công
Với 278 phiếu thuận và 74 phiếu chống, QH Hy Lạp đã thông qua dự luật cắt giảm chi tiêu ngân sách, do Chính phủ đệ trình, nhằm đáp ứng điều kiện của Liên hiệp châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) về giải ngân gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ ơ-rô.Dù vấp phải làn sóng phản đối của người lao động trong nước, nhưng với việc thông qua các biện pháp "thắt lưng, buộc bụng" trên, A-ten đã thể hiện quyết tâm dập tắt đám cháy nợ công đang bùng phát.Dự luật quy định các biện pháp tiết kiệm chi tiêu nghiêm ngặt, trong đó có các điều khoản vốn gây tranh cãi như giảm 22% lương tối thiểu (32% đối với người dưới 25 tuổi) và chế độ hưu trí, cải cách thị trường lao động, tăng thuế và sa thải 15 nghìn công chức, nhằm cắt giảm 3,3 tỷ ơ-rô chi tiêu công trong năm 2012. Ngoài ra, dự luật cũng tạo điều kiện đối với Chính phủ trong việc huy động vốn cho các ngân hàng và kế hoạch hoán đổi nợ với...
Dù vấp phải làn sóng phản đối của người lao động trong nước, nhưng với việc thông qua các biện pháp “thắt lưng, buộc bụng” trên, A-ten đã thể hiện quyết tâm dập tắt đám cháy nợ công đang bùng phát.
Dự luật quy định các biện pháp tiết kiệm chi tiêu nghiêm ngặt, trong đó có các điều khoản vốn gây tranh cãi như giảm 22% lương tối thiểu (32% đối với người dưới 25 tuổi) và chế độ hưu trí, cải cách thị trường lao động, tăng thuế và sa thải 15 nghìn công chức, nhằm cắt giảm 3,3 tỷ ơ-rô chi tiêu công trong năm 2012. Ngoài ra, dự luật cũng tạo điều kiện đối với Chính phủ trong việc huy động vốn cho các ngân hàng và kế hoạch hoán đổi nợ với các chủ nợ tư nhân.
Thủ tướng Hy Lạp L.Pa-pa-đê-mốt đánh giá cao việc giới chủ và các tổ chức công đoàn đạt thỏa thuận về cắt giảm lương và các chế độ lao động, tạo tiền đề để QH nước này thông qua dự luật cắt giảm ngân sách, đáp ứng các điều kiện của EU, IMF và ECB, trước khi A-ten phải thanh toán khoản nợ trái phiếu trị giá 14,5 tỷ ơ-rô đáo hạn ngày 20-3 tới. Ông cho rằng, A-ten đã có một chương trình kinh tế toàn diện và đáng tin cậy để thoát khỏi khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, Thủ tướng Pa-pa-đê-mốt cũng thừa nhận những khó khăn và thách thức đối với Hy Lạp trong quá trình thực hiện kế hoạch này, đồng thời kêu gọi người dân nước này chấp nhận hy sinh một số quyền lợi riêng vì lợi ích chung của đất nước. Các biện pháp “thắt lưng, buộc bụng” vốn là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định từ chức của cựu Thủ tướng G.Pa-pan-đrê-u và đây là một trong năm chính phủ thuộc Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) sụp đổ vì khủng hoảng nợ công.
Tuy vậy, dự luật nói trên không phải là điều kiện duy nhất giúp Hy Lạp nhận được gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ ơ-rô (171 tỷ USD). Vì EU, IMF và ECB còn yêu cầu A-ten cắt giảm các khoản chi tiêu cấu trúc trị giá 325 triệu ơ-rô trong năm nay và chính phủ phải cam kết bằng văn bản về việc tuân thủ đúng các biện pháp “thắt lưng, buộc bụng”. Nhiều nhà phân tích cho rằng, gói cứu trợ thứ hai của EU, IMF và ECB có thể là chưa đủ cho mục tiêu trước mắt của Chính phủ Hy Lạp giảm số nợ công hiện ở mức 150% GDP (tương đương 350 tỷ ơ-rô) và dự báo lên tới 198,3% GDP trong năm nay, hiện thực hóa cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách từ mức cao kỷ lục 15,4% xuống dưới 3% theo quy định của EU, giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức “ngất ngưởng” 12,5%. Trước đó, sau các cuộc đàm phán kéo dài, đại diện Chính phủ, giới chủ và người lao động ở Hy Lạp đã đạt thỏa thuận về các biện pháp cắt giảm chi tiêu, nhằm kịp thời gian cho Bộ trưởng Tài chính E.Vê-ni-dê-lốt mang văn bản sang Thủ đô Brúc-xen (Bỉ) vào dịp Hội nghị Bộ trưởng Tài chính EU họp vào ngày 15-2 tới. Hội nghị nhóm họp nhằm thảo luận tình hình nợ công ở Hy Lạp và xem xét việc tung “phao cứu sinh” là gói cứu trợ tài chính thứ hai cho A-ten.
Trong khi đó, làn sóng biểu tình phản đối dự luật cải cách kinh tế tiếp tục dâng cao ở Hy Lạp, với sự tham gia của hàng trăm nghìn người lao động. Khoảng 100 nghìn người đã bao vây trụ sở QH ở Thủ đô A-ten, tại thời điểm các nghị sĩ tiến hành bỏ phiếu, hô vang các khẩu hiệu kêu gọi QH không thông qua dự luật này. Khoảng 20 nghìn người diễu hành ở Thê-xa-lô-ni-ki, thành phố lớn thứ hai của Hy Lạp. Tại A-ten, những kẻ quá khích đã tiến công cảnh sát, đập phá và đốt cháy 34 tòa nhà, 150 cửa hiệu, trong đó có các ngân hàng, rạp chiếu phim, quán cà-phê. Cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình, đồng thời bắt giữ 48 kẻ quá khích. Quảng trường Xin-ta-ma ở trung tâm A-ten chìm trong lửa và khói lựu đạn cay của cảnh sát. Đụng độ làm ít nhất 54 người bị thương. Tiếp đó, các nhân viên ngành vận tải công cộng tiến hành tổng bãi công khiến giao thông ở A-ten hỗn loạn. Các cuộc biểu tình và bãi công của người lao động đã phủ thêm gam mầu xám cho bức tranh chính trị-xã hội vốn đang bất ổn ở Hy Lạp.
Giới phân tích nhận định, việc QH Hy Lạp thông qua dự luật cắt giảm chi tiêu ngân sách để A-ten nhận được gói cứu trợ của EU, IMF và ECB là tín hiệu đáng mừng, nhưng chỉ là bước khởi đầu cho công cuộc khôi phục kinh tế. Nhân dân Hy Lạp cần đoàn kết và nỗ lực hết sức mới mong đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công và duy trì vị trí của Hy Lạp trong Eurozone.
Theo Nhandan
Ý kiến ()