Huyện Văn Giang (Hưng Yên): Nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất
Huyện Văn Giang nằm ở phía tây bắc của tỉnh Hưng Yên, tiếp giáp với thủ đô Hà Nội. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Văn Giang là huyện đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh.
Một cánh đồng lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh (Ảnh: Đ.H) |
Tình hình phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Nhờ đẩy mạnh công tác phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ, nên hiện nay trên địa bàn có 74 dự án đầu tư sản xuất, trong đó có 34 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trong quý I đạt 72 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2012.
Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp trong quý I của Văn Giang đạt kết quả khá tích cực. Tuy vậy, trao đổi với phóng viên, đồng chí Đỗ Ngọc Linh, Bí thư Huyện uỷ Văn Giang cho biết, do khó khăn chung của nền kinh tế, nên tuy giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của huyện tăng 10,4%, nhưng trong quý I, huyện chưa thu hút thêm được doanh nghiệp nào đầu tư vào địa bàn huyện.
Đồng chí Đỗ Ngọc Linh trao đổi với phóng viên (Ảnh: Đ.H) |
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại, đồng chí Đỗ Ngọc Linh cho biết, trong quý II, Huyện uỷ sẽ tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tranh thủ thời tiết ấm chăm sóc lúa xuân đúng quy trình kỹ thuật, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh; đảm bảo đủ nước trong thời kỳ lúa đẻ nhánh và làm đòng. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là hoạt động tiêm phòng dịch cúm H5N1 và H7N9 và tiêm phòng định kỳ trên địa bàn huyện. Chỉ đạo xây dựng phương án phòng, chống lụt bão, úng; phương án sơ tán dân, tài sản và tìm kiếm cứu nạn; phương án hộ đê toàn tuyến.
Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 18-NG/HU ngày 12/12/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ XXIII về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại – dịch vụ giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Trên cơ sở đó, tăng cường công tác thu hút hoạt động đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo dõi chặt chẽ thị trường, tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường để có hướng sản xuất hợp lý. Thực hiện đúng nguyên tắc sản xuất, bảo đảm nông sản an toàn cho người tiêu dùng để tiếp tục tạo uy tín, thương hiệu cho sản phẩm. Trên cơ sở đó, tìm kiếm và đẩy mạnh hoạt động mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tạo đầu ra bền vững cho người sản xuất…
Ý kiến ()