Huyền thoại về con đường Hạnh Phúc ở Cao nguyên đá Đồng Văn
Phía sau cổng trời, hơn 80.000 đồng bào phải chịu cảnh nghèo đói lạc hậu, sống tách biệt với bên ngoài. Và con đường Hạnh Phúc đã ra đời mang lại ánh sáng văn minh cho người dân.
Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang là một vùng núi non hùng vĩ bạt ngàn đá núi trải dài qua 4 huyện Quản Bạ-Yên Minh-Đồng Văn-Mèo Vạc.
Từ những năm 60 của thế kỷ XX, đến được nơi đây chỉ có đường mòn thấm đất và đá. Phía sau cổng trời, hơn 80.000 đồng bào phải chịu cảnh nghèo đói lạc hậu, sống tách biệt với bên ngoài.
Đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn ước ao có một con đường thông thương cho vùng Cao nguyên đá địa đầu Tổ quốc. Và con đường Hạnh Phúc đã ra đời mang lại ánh sáng văn minh cho người dân.
Nỗi cơ cực phía sau cổng trời
Những năm 1955-1957, đời sống kinh tế ở Hà Giang vẫn còn gặp không ít khó khăn. Khu vực vùng cao cực bắc địa đầu Tổ quốc vừa xa xôi, nghèo đói, lạc hậu, trình độ dân trí còn thấp, thường xuyên lại bị bọn phản động tuyên truyền phá hoại chính sách của Đảng, Nhà nước, thổ phỉ nổi loại gây mất trật tự an ninh.
Ông Nguyễn Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Hà Giang, nhớ lại lúc ấy, ở vùng cao, đời sống kinh tế hết sức khó khăn, trình độ dân trí lạc hậu. Người dân thiếu nước, muối, lương thực, thực phẩm; trường học, trạm y tế tạm bợ. Nhân dân túng thiếu đủ thứ, đường sá xa xôi, khó đi, chỉ có đường cho người đi bộ và ngựa thồ.
Năm 1959, Đảng, Chính phủ thống nhất giao cho Khu ủy Khu tự trị Việt Bắc, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam huy động lực lượng tham gia chủ yếu là thanh niên xung phong 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, giai đoạn sau thêm hai tỉnh Nam Định và Hải Dương bắt tay vào mở con đường dài 184 km từ thị xã Hà Giang lên Đồng Văn qua đỉnh Mã Pì Lèng sang Mèo Vạc. Đó là con đường mang tên Hạnh Phúc.
Sau gần 7 tháng tích cực chuẩn bị, bộ máy Ban Chỉ huy công trường được thành lập, hơn 1.200 thanh niên xung phong được bố trí thành 8 đại hội (gọi là C).
Ngày 10/9/1959, con đường Hạnh Phúc của ý Đảng lòng dân đã chính thức được khởi công xây dựng.
Khi con đường mới khởi công, sự kiện phỉ nổ ra còn nóng bỏng, chúng khó có thể tin chỉ với sức người có thể xô nghiêng núi đá. Ý đồ phá hoại quyết tâm làm đường, “chúng” ra sức tung tin xấu hòng gây lung lạc, chia rẽ niềm tin của đồng bào. “Chúng” còn đe dọa cản trở bà con đồng bào dân tộc không được tham gia mở đường.
Ông Nguyễn Mạnh Thùy, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Hà Giang, nhớ lại: “Khi ấy ‘chúng’ rêu rao, tung tin thách thức ‘Nếu mở được đường lên Đồng Văn thì dê đực, bò đực biết đẻ con, người sẽ lấy đầu làm chân’.”
Để hoàn thành nhiệm vụ phá đá mở đường, vừa chống lại những thế lực thù địch, Ban Chỉ huy công trường đã phân công nhiệm vụ cho cán bộ đoàn viên, thanh niên đến với nhân dân vận động, giải thích luận điệu phản động để bà con tin, hiểu được đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Đêm đến, các thanh niên xung phong thay phiên nhau canh gác, giữ yên giấc ngủ cho đồng đội để hôm sau có sức lao động, bảo vệ những giọt nước quý giá nơi vùng cao núi đá.
“Chiến đấu” với biển đá mênh mông
Sau hơn một năm thi công vất vả, đoạn đường đầu tiên từ thị xã Hà Giang qua Quản Bạ dài khoảng 60km đã hoàn thành, vượt qua vách đá quanh co nguy hiểm Pắc Sum, vách đá cổng trời, vực sâu nguy hiểm. Trong tâm thức những người thanh niên xung phong năm ấy vẫn văng vẳng câu vè “Dốc Pắc Sum, hùm Cán Tỷ, phỉ Đồng Văn”…
Ông Đỗ Đức Linh, cựu thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc, nhớ lại cuộc sống nơi công trường vô cùng vất vả, lán trại, nơi ăn chốn ở tạm bợ. Khí hậu khắc nghiệt, mùa hè nắng cháy da cháy thịt, mùa đông rét thấu tận xương, muỗi rừng, vắt rừng nhiều vô kể. Với ý chí quyết tâm của thanh niên, ông cùng các đồng đội không ngại khó, ngại khổ, vẫn hàng ngày miệt mài đục phá từng tấc đá để mở đường.
Khi công cuộc mở đường đi được những chặng đầu tiên, càng lên cao, đi xa, càng gian nan vất vả. Đoạn dốc đi qua huyện Yên Minh ngày nay trước đây toàn đá cứng, vách núi cao, cua gấp. Rồi càng khó khăn hơn khi tiến tới Đồng Văn, cả một biển đá mênh mông. Chỉ với sức người với đôi bàn tay và khối óc, những thanh niên xung phong năm xưa vật lộn cả ngày đôi khi cũng chỉ đục được vài chục cm đá.
Công cụ để thi công hết sức thô sơ, một cái búa, một cái xà beng hay còn gọi là chòong. Ấy vậy mà với sức người, từng cm đá được cậy tung. Đứng trước những khó khăn, sức sáng tạo của con người lại được phát huy. Nhiều sáng kiến được đưa ra như dùng bao tải gai cho hai đoạn tre làm ky (cáng) khiêng đất đá. Chỗ nào có đất thì dùng bàn chang gỗ kéo đất, đóng xe cút kít chở đất đổ xuống vực, dùng nước đổ vào lỗ chòong, dùng vỏ bắp ngô buộc vào chòong để khi đục đỡ bị nước bắn lên mặt…
Nhờ những sáng kiến đó, năng suất lao động tăng lên đáng kể. Tuy vậy, dụng cụ thô sơ vẫn khó chống chọi lại với biển đá cứng mênh mông. Thi gan cùng những phiến đá cứng, chòong đục vài giờ đôi khi đã cùn, đã mẻ. Những người thợ rèn đã phải thức trắng nhiều đêm để rèn chòong cho công nhân sáng hôm sau có công cụ lao động.
Trong muôn vàn khó khăn gian khổ, có lẽ thiếu thốn lớn nhất chính là thiếu nước. Ông Nguyễn Mạnh Thùy, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Hà Giang nhớ lại: Mỗi người vào buổi sáng được phát một ca nước dùng để vệ sinh cá nhân, sau đó phải giữ lại nước đó để đem đi đổ lỗ chòong. Một tuần được nghỉ một buổi, phải đi hàng chục km để tìm nguồn nước.
Khó khăn, vất vả, gian nan, nguy hiểm là vậy, nhưng khí thế lao động, thi đua nơi công trường vẫn sôi nổi, nhộn nhịp.
Sau khoảng 4 năm ròng rã, hơn 1.000 thanh niên xung phong cùng gần 1.000 dân công là con em các dân tộc tỉnh Hà Giang với bàn tay, khối óc, dụng cụ thô sơ là búa, cuốc xẻng, chòong, thuốc nổ cùng quyết tâm cao độ đã đá mở được tuyến đường từ Hà Giang lên tới Đồng Văn dài 164km.
Kỳ công-Kỳ vỹ-Kỳ quan
Ông Nguyễn Mạnh Thùy, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Hà Giang, nhớ lại đầu năm 1963, sau khi con đường được khai thông đến Đồng Văn, một số thanh niên xung phong các tỉnh thuộc Khu tự trị Việt Bắc xin chuyển về địa phương công tác, một số khác xin về với gia đình. Vì vậy, công trường đề nghị tỉnh và Khu tự trị Việt Bắc tuyển thêm nhân lực để tiếp tục mở đường Đồng Văn đi Mèo Vạc.
Được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho phép công trường đã huy động 300 thanh niên xung phong hai tỉnh Nam Định và Hải Dương lên hợp lực mở tiếp đoạn cuối. Đây là chặng đường dài 28km đầy khó khăn, nguy hiểm, núi đá cao, vách đá dựng đứng, đặc biệt là quãng đường qua đoạn Mã Pì Lèng, vực sâu thăm thẳm xuống tận sông Nho Quế.
Ban Chỉ huy công trường đã tuyển chọn hơn 30 thanh niên khỏe mạnh vào đội “Dũng cảm” hay còn gọi là đội “Cơ dũng” để thi công đoạn qua đỉnh Mã Pì Lèng. Họ trườn mình ra đục đá mỗi ngày, nhích ra xa mép vực một ít, khoan được một lỗ chòong, nhét vào đó một chiếc cọc để bám, để chăng dây, nhoài người khoan tiếp ra xa trên những dãy vách đá dựng trời. Khó khăn như vậy nhưng lòng quyết tâm mở đường chưa bao giờ làm họ chùn bước.
Đội thanh niên “Dũng cảm” cần mẫn lao động, bám mình vào đá mà đục, cậy từng viên đá nhỏ, nhấn từng tấc đá. Cả ngày tám tiếng đồng hồ treo mình trên vách núi, đến bữa cơm trưa nhận cơm từ đồng đội thả dây câu lên.
Mười một tháng thi công trên vách đá cheo leo, đã có những hy sinh. Ông Nguyễn Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Hà Giang, xúc động nhớ lạimMột ngày tháng 3/1964, trong khi đi kiểm tra, nhắc nhở anh em làm việc, anh Vũ Cao Vân, Tiểu đội trưởng đã bị một vỉa đá hàng trăm khối xô xuống, đè ập lên. Cả tiểu đội đã khóc trước tai nạn bất ngờ này.
Rồi cũng chỉ khoảng một năm sau (tháng 2/1965), anh Đào Ngọc Phẩm khi ấy thay anh Vũ Cao Vân làm tiểu đội trưởng, trong lúc mọi người đang lao động, đột nhiên một tảng đá to từ trên cao lăn xuống mặt đường, các anh em đều tránh được. Nhưng lúc đó, hai bố con đồng bào dân tộc đi đến, trông thấy đá lăn bèn hốt hoảng chạy lùi, sa chân xuống mép đường, suýt chút nữa lăn xuống vực sâu. Anh Đào Ngọc Phẩm đã không chút đắn đo, lao tới nắm được cổ tay người cha kéo lên mặt đường, nhưng chính anh lại quá đà, lao từ vách đá cao đỉnh Mã Pì Lèng xuống vực sâu…, ông Nguyễn Đức Thiện nghẹn lại.
Suốt 6 năm trường chinh vào trong lòng đá, 14 thanh niên xung phong hy sinh, thầm lặng nằm lại cùng con đường Hạnh Phúc tại Nghĩa trang Liệt sỹ Thanh niên xung phong thuộc huyện Yên Minh.
Các anh, các chị, những thanh niên xung phong năm nào, đã hy sinh tuổi trẻ, dùng sức trẻ, đổ mồ hôi, thậm chí đổ cả máu, hy sinh cho mảnh đất này.
Khi con đường hoàn thành, không ít thanh niên miền xuôi khi ấy như ông Nguyễn Đức Thiện, ông Nguyễn Mạnh Thùy đã chọn ở lại Hà Giang để xây dựng tổ ấm, an cư, lạc nghiệp, dành cả cuộc đời cho mảnh đất địa đầu Tổ quốc, nơi đã gắn bó với các ông cả thời tuổi trẻ.
Ngày 10/3/1965, lễ khai thông con đường từ Hà Giang đến Mèo Vạc dài trên 185km được long trọng tổ chức. Với tổng số hơn 2,2 triệu ngày công, đào đắp gần 2,9 triệu m3 đất đá, lực lượng thanh niên xung phong tham gia mở đường Hạnh Phúc đã được các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương khen thưởng nhiều Cờ thi đua, Bằng khen…
Ngày nay, đi trên tuyến Quốc lộ 4C (con đường Hạnh Phúc), thật khó để tưởng tượng ra được những khó khăn, vất vả mà hàng ngàn thanh niên xung phong thế hệ cha anh đã vật lộn với biển đá xám để mở đường. Cuộc sống trên mỗi bản làng đã dần thay đổi tích cực, khởi sắc, trụ sở, trường học, bệnh viện…được xây dựng khang trang. Điện lưới được kéo về thôn bản, đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa của người dân từng bước “thay da đổi thịt.”
Theo Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Mèo Vạc Nguyễn Văn Lưu, con đường hoàn thành có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy kinh tế-xã hội. Con đường này tạo ra một sản phẩm thu hút du khách với cung đường Mã Pì Lèng hùng vĩ, tạo điểm nhấn du lịch.
Từ năm 2015, Hà Giang tổ chức Lễ hội Hoa Tam giác mạch đã thu hút lượng du khách rất lớn tới Cao nguyên đá Đồng Văn; đặc biệt là qua danh thắng Mã Pì Lèng.
Năm 2022, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang đã phối hợp với huyện Mèo Vạc ra mắt sản phẩm du lịch Con đường Hạnh Phúc – con đường máu và hoa, một sản phẩm trải nghiệm, chinh phục con đường Mã Pì Lèng của du khách.
Con đường Hạnh Phúc là tuyến giao thông huyết mạch, làm nên những thay đổi to lớn đối với các huyện vùng cao nguyên đá. Để ngày hôm nay, khi đi qua những danh thắng nổi tiếng của Hà Giang như Dốc Pắc Sum, cổng trời Quản Bạ, dốc chín khoanh, dốc Thẩm Mã, đỉnh Mã Pì Lèng…, chúng ta lại nhớ về một đồng lòng, quyết tâm cao độ của hàng ngàn thanh niên xung phong đã dành cả tuổi thanh xuân vật lộn với biển đá xám mênh mông để mở đường. Con đường ấy thấm đẫm mồ hôi và cả máu, nhưng đó cũng là con đường “hoa,” con đường mang ánh sáng văn minh tới vùng cao để cuộc sống nơi đây ngày một phát triển hơn./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/huyen-thoai-ve-con-duong-hanh-phuc-o-cao-nguyen-da-dong-van/860419.vnp
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()