Huyện nghèo huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng
Từ tháng 2/2013, Lạng Sơn có 2 huyện: Đình Lập, Bình Gia được Trung ương hỗ trợ có mục tiêu để đầu tư kết cấu hạ tầng theo quy định của Nghị quyết 30a, ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo. Có thêm nguồn lực này, cùng với các nguồn hỗ trợ đầu tư khác, hệ thống hạ tầng thiết yếu của 2 huyện được củng cố đáng kể trong hơn 5 năm qua.
LSO- Trước năm 2013, hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu của 2 huyện: Bình Gia và Đình Lập còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là cơ sở vật chất phòng học thuộc cấp tiểu học và mầm non; hệ thống đường giao thông đến trung tâm các xã (huyện Đình Lập còn 5 xã, huyện Bình Gia còn 9 xã chưa có đường giao thông được cứng hóa đến trung tâm; tỉ lệ trạm y tế xã đạt chuẩn rất thấp…
Nhận thức rõ để tạo chuyển biến căn bản bộ mặt nông thôn mà trước tiên là hạ tầng giao thông, 2 huyện đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển hạ tầng giao thông (Đình Lập có Nghị quyết 66 của Hội đồng Nhân dân huyện; Bình Gia có Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện). Theo đó, các huyện tập trung huy động mọi nguồn lực và ưu tiên đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông – hạ tầng xương sống động lực để phát triển kinh tế – xã hội. Riêng nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ mục tiêu cho huyện nghèo 30a do huyện quản lý, 2 huyện đầu tư được 3 công trình đường giao thông trọng điểm và 4 công trình hạ tầng giao thông nông thôn với tổng kinh phí đã thực hiện đạt hơn 200 tỉ đồng.
Đổ bê tông đường giao thông Bản Chuông – Bình Chương, xã Đình Lập, huyện Đình Lập
Cụ thể; huyện Bình Gia có 2 công trình gồm đường đến trung tâm xã Mông Ân dài 4 km và đường Quang Trung – Nà Nát – Pác Dắm dài hơn 14 km; huyện Đình Lập có công trình đường Châu Sơn – Khe Luồng – Kiên Mộc – Dốc 6 độ quốc lộ 31 dài hơn 21 km.
Ngoài ra, tỉnh còn huy động và ưu tiên đầu tư 5 công trình hạ tầng giao thông trọng điểm với tổng chiều dài hơn 60 km cho 2 huyện từ các nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác. Trong đó, huyện Đình Lập có 3 công trình với tổng chiều dài gần 35 km, Bình Gia có 2 công trình với chiều dài khoảng 40 km.
Theo thống kê từ năm 2013 đến hết tháng 6/2018, riêng nguồn lực huy động đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Bình Gia do huyện quản lý có tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng; huyện Đình Lập huy động đầu tư cho hạ tầng giao thông đạt hơn 250 tỷ đồng.
Đối với trường học, hàng loạt công trình xóa phòng tạm, dột nát tại các phân trường và điểm trường chính được đầu tư xây dựng tại 2 huyện. Trong 5 năm qua, 2 huyện đầu tư hơn 70 công trình trường học trị giá khoảng 200 tỷ đồng từ các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vốn xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn khác.
Thực hiện chương trình kiên cố hóa phòng lớp học mầm non, tiểu học, trong năm 2018 và 2019, huyện Bình Gia tiếp tục được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 6 gói thầu trị giá gần 54 tỷ đồng, với quy mô tương đương xây mới 75 phòng học; huyện Đình Lập 3 gói thầu trị giá hơn 16 tỷ đồng để xây mới 23 phòng học cấp tiểu học và mầm non.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của tỉnh phân bổ cho huyện để xây dựng hệ thống trụ sở UBND xã tại 2 huyện cơ bản đầu tư xong. Riêng huyện Bình Gia đã đầu tư xây mới tại 100% các xã, kinh phí xây dựng hơn 30 tỷ đồng, huyện Đình Lập chỉ còn xã Đình Lập chưa được xây mới, kinh phí đã thực hiện gần 20 tỷ đồng.
Nhờ vậy, đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng của 2 huyện được củng cố đáng kể. Ông Hoàng Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Bình Gia có diện tích rộng, điều kiện giao thông đến trung tâm các xã xa và nhiều xã chưa có đường đi lại được bốn mùa. Nhờ các chương trình đầu tư của Nhà nước, đến nay, bộ mặt nông thôn được cải thiện rất lớn, nhất là hạ tầng giao thông, các công trình thủy lợi, điện sinh hoạt và công trình trường học đang phát huy hiệu quả.
Sự quan tâm của trung ương, của tỉnh đã tiếp thêm cho hai huyện: Bình Gia, Đình Lập nguồn lực rất lớn. Đây là điều kiện để huyện nghèo củng cố hạ tầng thiết yếu, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
CÔNG QUÂN

Ý kiến ()