Huyện miền núi Nho Quan chăm lo sự nghiệp ''trồng người''
Nho Quan là huyện miền núi của tỉnh Ninh Bình. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Nho Quan vẫn ưu tiên chăm lo cho sự nghiệp ''trồng người''. Những năm qua, hệ thống trường chuẩn Quốc gia ở huyện miền núi này đang ngày càng nhiều lên…
Chắt chiu từng viên gạch hồng
“Từ năm 2005, khi người dân Nho Quan ăn còn chưa đủ, nhưng huyện đã coi trọng việc nâng cấp các trường mầm non, trường THCS thành trường chuẩn Quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu ở địa phương”. Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, Lê Tiến Lực cho biết. Dù nguồn ngân sách của địa phương còn hạn hẹp, nhưng năm nào huyện cũng dành một khoản đáng kể cho y tế và giáo dục. Bằng các nguồn kinh phí có được, Nho Quan từng bước nâng cấp, xây mới trường, để đến nay huyện có gần 60 trường đạt chuẩn Quốc gia về giáo dục.
Được tỉnh trích thêm nguồn thu, huyện cố gắng khai thác tiềm năng đất đai, lao động, tăng thu cho ngân sách, rồi các xã cũng tìm cách giảm những khoản chi hành chính để dành cho giáo dục. Năm nào, kỳ họp nào HĐND huyện cũng quan tâm sự nghiệp giáo dục và chăm sóc sức khỏe tại chỗ cho nhân dân là hàng đầu. “Hễ cứ nói đến y tế và giáo dục là hầu như ở hội nghị nào cũng được sự đồng thuận cao của các đại biểu”, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, Lê Tiến Lực nói. Từ chủ trương của cấp ủy, chính quyền, phòng giáo dục huyện phổ biến chương trình, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của nhân dân và cha mẹ học sinh trong việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Ngành giáo dục địa phương thành lập các Ban chỉ đạo từ huyện đến các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch có lộ trình từ năm 2007 đến năm 2010 và giai đoạn 201-2015 cho các trường chuẩn Quốc gia trên địa bàn.
– “Có khi chỉ mấy triệu đồng trong số phần trăm ít ỏi của việc đấu giá đất ở cơ sở cũng được đưa vào nguồn phát triển giáo dục. Cứ gom góp từng viên gạch hồng từ từng khoản kinh phí để sửa chữa, nâng cấp lên thành chuẩn Quốc gia”, Bí thư huyện ủy Nho Quan, đồng chí Quách Cương tâm sự. Nếu sự nghiệp giáo dục của Nho Quan chỉ trông chờ vào cấp trên rót kinh phí, hay đào tạo, huấn luyện cán bộ thì không bao giờ đất núi này có được cơ sở trường, lớp khang trang và đội ngũ giáo viên giỏi như hiện nay. Có thể nói sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị với sự đồng thuận của nhân dân cùng cha mẹ học sinh thì Nho Quan mới có thành công trong sự nghiệp “ trồng người”. Nhiều gia đình ở huyện hiến đất cho việc mở rộng trường như trường mầm non Xích Thổ, hay THCS Văn Phong,v.v. Người dân tham gia hàng nghìn ngày công làm đường, sửa chữa bàn ghế, mua sắm thêm thiết bị chiếu sáng, quạt điện để con em không chịu cảnh thiếu ánh sáng hay nóng nực trong những ngày hè oi ả. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, huyện Nho Quan đầu tư gần 40 tỷ đồng để xây dựng các trường chuẩn Quốc gia. Trong đó, riêng năm 2013 huyện đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng mới và sửa chữa chống xuống cấp tại các trường từng đạt chuẩn ở 12 trường THCS đạt chuẩn và đang xây dựng thêm ba trường đạt chuẩn khác.
Đến niềm vui của chủ tịch xã…
Chánh văn phòng UBND huyện Nho Quan, Nguyễn Mạnh Tưởng vốn cũng là nhà giáo cho nên anh thấu hiểu nỗi vất vả của thầy và trò của một huyện nghèo miền núi. “Ngày xưa chúng tôi đến trường phải đi xa hàng chục cây số, đường mấp mô những ổ gà. Còn bây giờ các cháu chỉ phải đi khoảng ba, bốn cây số mà đường thì đã được nâng cấp trải nhựa hoặc bê tông phẳng lì…”.
Chúng tôi đến cái nơi “ngày xưa” nghèo khó ấy của anh Nguyễn Mạnh Tưởng là trường THCS xã Yên Quang, một xã năm trong diện 135 nằm ngay dưới chân núi Thung Lá, cách trung tâm huyện Nho Quan chừng 10 cây số. Thấy chúng tôi ngạc nhiên trước cơ ngơi khang trang còn thơm mùi sơn mới, anh Tưởng giải thích “Ngôi trường vừa được nâng cấp chín phòng học ba tầng kiên cố, còn lại là các phòng cho giáo viên và ban giám hiệu”.
Đó là ngôi trường đáng mơ ước, không chỉ với xã vùng cao như nơi này. Ngôi trường nằm trong khuôn viên chừng hơn năm nghìn mét vuông, một dãy nhà cao tầng với lớp cửa kính, đèn tuýp sáng choang, đầy đủ quạt trần,v.v. “Nhìn cái gì cũng…chắc chắn !” anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi thốt lên.
“Yên Quang là xã còn nghèo”, Chủ tịch UBND xã Yên Quang, Quách Văn Nhất nói. Nơi này có khoảng 72% số dân là đồng bào Mường sinh sống. Nguồn thu ngân sách hằng năm của xã chỉ ở mức 170 triệu đồng, năm cao nhất không vượt quá 200 triệu đồng (năm 2010) trong khi, đầu tư cho giáo dục lại cần nhiều tiền. Xã cũng ra nghị quyết, cũng chỉ đạo, nhưng nguồn thu không đủ chi thì lấy đâu đầu tư ? Cho nên Yên Quang phải tận dụng mọi nguồn thu kể cả đấu giá đất để bổ sung cho địa phương rồi cộng thêm khoản nhân dân đóng góp để mua thiết bị trường học, sách giáo khoa, sách tham khảo ở thư viện cũng lên tới 600 triệu đồng.
“ Cái gì thiếu thì vẫn thiếu, riêng giáo dục thì phải quan tâm hết lòng”, Chủ tịch UBND xã Yên Quang, Quách Văn Nhất khẳng định. Anh hào hứng nói, xã đang chuẩn bị cho xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia rồi phấn đấu tiếp theo là tiểu học đạt chuẩn ở xã vùng cao này.
Chúng tôi lên tiếp xã vùng cao Cúc Phương. Chủ tịch UBND xã Cúc Phương Đinh Thúc Chiến cho biết : Những ngày này, xã đang tập trung tu sửa phòng học để sao cho các cháu có đủ điều kiện tốt nhất ngay từ tuần học đầu tiên của năm học mới. Xã trích ngân sách hơn 100 triệu đồng để sửa chữa bàn ghế cho trường mầm non và tiểu học. Hiện các thiết bị trường học, sách giáo khoa được Công ty sách thiết bị trường học cung cấp. Ngoài ra, một số tổ chức, các đoàn thể trong và ngoài tỉnh Ninh Bình cũng quan tâm giúp đỡ sự nghiệp “ trồng người” ở Cúc Phương. Năm 2005, Cúc Phương là xã đầu tiên trong số những xã khó khăn ở miền Bắc hưởng chương trình 135 của Chính phủ, đạt chuẩn giáo dục mầm non cấp Quốc gia.
Những ngày này, sáng sáng, trong các ngõ xóm ở huyện miền núi Nho Quan rộn ràng tiếng các em học sinh í ới gọi nhau đến trường. Không còn là giấc mơ của vùng cao nghèo Nho Quan năm xưa khi chứng kiến cảnh các cháu, các em vai khăn quàng đỏ, tíu tít đi học trên còn đường bê tông phẳng lì. Rồi mai đây, chính thế hệ tương lai này lại tiếp tục sự nghiệp trồng người, xây dựng quê hương Nho Quan ngày càng tươi đẹp.
Ý kiến ()