Huyện Hữu Lũng phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi: Chủ động phòng hơn chống
LSO-Bước vào mùa nắng nóng nguy cơ xảy ra dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm tương đối cao. Hơn thế, các dịch bệnh như lợn tai xanh, tụ huyết trùng, cúm A/H5N1, A/H1N1…trên đàn gia súc, gia cầm vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
LSO-Bước vào mùa nắng nóng nguy cơ xảy ra dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm tương đối cao. Hơn thế, các dịch bệnh như lợn tai xanh, tụ huyết trùng, cúm A/H5N1, A/H1N1…trên đàn gia súc, gia cầm vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chính vì vậy, để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, các ngành chức năng huyện Hữu Lũng nói riêng toàn huyện nói chung đã có kế hoạch, phương án cụ thể để phòng, chống dịch bệnh, coi trọng công tác phòng bệnh để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.
Lực lượng chức năng huyện Hữu Lũng tiêu hủy gia cầm nhiễm cúm H5N1 |
Còn nhớ năm 2012, trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã phát sinh bệnh lở mồm long móng ở lợn tại thôn Mỏ, xã Đồng Tân; bệnh tai xanh phát sinh ở 11/26 xã với tổng số gần 1.600 con lợn bị mắc bệnh, tiêu hủy gần 20.000kg; bệnh cúm A/H5N1 xảy ra trên đàn gia cầm tại 4 xã, lực lượng chức năng đã tiêu hủy trên 1.500 kg gà và 471 con gà giống…Điều này đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi tại địa phương. Rút kinh nghiệm từ thực tế, với phương châm “phòng dịch hơn chống dịch”, ngay từ đầu năm 2013, UBND huyện Hữu Lũng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo, nòng cốt là cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuống chỉ đạo, tuyên truyền, vận động trực tiếp ở cơ sở, hướng dẫn người dân các biện pháp cơ bản chống dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là trong mùa nắng nóng. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân qua loa truyền thanh của xã, thôn; tuyên truyền lồng ghép tại các cuộc họp thôn về cách phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; ra các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh thông tin đến cơ sở về tình hình dịch bệnh, cách phòng, chống và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm; phối hợp với Công an huyện Hữu Lũng, Trạm Kiểm dịch Động vật Bến Lường…tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán vận chuyển gia cầm trái phép qua địa bàn; đôn đốc việc thực hiện tiêm phòng triệt để cho gia súc, gia cầm, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại của các hộ chăn nuôi theo từng thôn, bản; phối hợp với trưởng thôn giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại khu dân cư, nắm tình hình và nhanh chóng thông báo, xử lý những phát sinh sau tiêm phòng vắc-xin…Hiện nay, công tác thú y của huyện Hữu Lũng đã và đang được triển khai xuống các thôn. Từ đầu năm đến nay, đã tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, mao trùng, lở mồm long móng cho 4.388 con trâu, bò; trên 1.000 con lợn, gần 4.000 con gia cầm. Đồng thời kiểm dịch vận chuyển 1.000 con lợn, 1.200 con gia cầm; kiểm soát giết mổ 12 con trâu bò, 1.000 con lợn thịt, trên 1.000 con gia cầm. Ngoài ra xử phạt vi phạm hành chính 4 vụ vi phạm không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không đảm bảo vệ sinh thú y, bắt và tiêu hủy 3.288 kg gia cầm các loại và trên 6.600 con gà vịt giống nhập lậu…
Theo ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng thì đến nay tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của huyện vẫn được kiểm soát và ổn định. Tuy nhiên, hiện nay đã bắt đầu vào mùa nắng nóng, trong điều kiện nhiệt độ thường xuyên ở mức cao từ 360C trở lên, lực lượng chức năng cũng đã yêu cầu các trạm thú y tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, giảm mật độ nuôi, có biện pháp làm mát chuồng nuôi. Thường xuyên thu gom, vận chuyển chất thải ra khỏi khu vực chăn nuôi và xử lý an toàn trước khi đưa ra môi trường. Bên cạnh đó, vận động nông dân áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên kiểm tra, theo dõi vật nuôi và phải báo ngay cho cán bộ thú y khi có dấu hiệu bất thường trên đàn vật nuôi…
Phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi là nhiệm vụ quan trọng của một tỉnh miền núi như Lạng Sơn. Nhiệm vụ đó càng đặc biệt quan trọng với Hữu Lũng, địa bàn có hệ thống giao thông thuận lợi, vừa là nơi tiêu thụ, vừa là địa bàn trung chuyển gia súc, gia cầm dễ dẫn đến nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi cao hơn so với các huyện, thành phố trong tỉnh. Chính vì thế, sự chủ động của lực lượng chức năng huyện Hữu Lũng, nhất là mỗi người chăn nuôi sẽ là liều “vắc-xin” quan trọng để dịch bệnh không có cơ hội phát sinh và lây lan trên đàn vật nuôi.
THANH HÒA
Ý kiến ()