Huyện đoàn Lộc Bình: Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp
LSO- Xác định đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Huyện đoàn Lộc Bình đã thực hiện nhiều hoạt động như: hỗ trợ kiến thức, kỹ năng và nguồn vốn nhằm tạo động lực cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) phát triển kinh tế.
Chị Lưu Thị Thuận, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình cho biết: Trước đây, mặc dù có ý tưởng nhưng tôi còn ngần ngại chưa dám thực hiện, nhờ có sự động viên của các thành viên trong câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế thị trấn, năm 2016, tôi mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trên 500 con gà, vịt lấy trứng. Hiện nay, trứng gà, vịt từ trang trại của tôi được phân phối trên khắp địa bàn huyện, đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Chị Thuận là một trong những thanh niên điển hình của huyện Lộc Bình đã thành công trong phát triển kinh tế nhờ có sự đồng hành của câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế thị trấn Na Dương. Theo định hướng của Huyện đoàn, 29 xã, thị trấn đều đã thành lập câu lạc bộ hoặc tổ hợp tác xã thanh niên phát triển kinh tế. Các câu lạc bộ hoạt động thường xuyên và có hiệu quả. Qua đó, ĐVTN được giao lưu, học hỏi, từ đó có sự kết nối, đồng hành cùng nhau trong phát triển kinh tế.
Đoàn viên thanh niên tham quan mô hình trồng chanh leo tại xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình
Để phát huy tính sáng tạo của thanh niên, đầu năm 2018, Huyện đoàn đã triển khai cuộc thi “Sáng tạo khởi nghiệp” do Tỉnh đoàn phát động tới 100% các cơ sở đoàn, đoàn trực thuộc, qua đó thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của thanh niên. Từ năm 2017 đến nay, các ĐVTN đã có sự mạnh dạn trong tìm hiểu và xây dựng các mô hình kinh tế như: trồng dong riềng, dưa hấu, cam Canh, nuôi giun quế, nuôi gà… Trước chuyển biến đó của ĐVTN, Huyện đoàn tiếp tục phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức 7 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức 1 lớp dạy nghề; tư vấn giới thiệu và hướng nghiệp dạy nghề để trang bị kiến thức cho thanh niên trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào lao động, sản xuất.
Bên cạnh việc trang bị kiến thức cho ĐVTN, huyện đoàn còn tạo điều kiện cho ĐVTN được trải nghiệm thực tế. Tháng 6/2018, 50 ĐVTN tiêu biểu của huyện đã được đi học tập kinh nghiệm mô hình kinh tế tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Anh Nông Văn Quyền, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình cho biết: Qua các lớp tập huấn và trải nghiệm mô hình của tỉnh bạn, tôi quyết tâm dựa trên kiến thức được học để đưa cây dong riềng về trồng tại địa phương. Hiện nay, 6 sào dong riềng của tôi đang phát triển tốt và có khả năng cho thu hoạch theo dự kiến.
Nắm bắt nguyện vọng của một số ĐVTN có chí nhưng còn thiếu vốn, Huyện đoàn phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho ĐVTN vay vốn. Tính đến hết tháng 6/2018, trên địa bàn huyện có 58 tổ tiết kiệm và vay vốn do thanh niên quản lý, 1.708 hộ vay với tổng dư nợ trên 68.520 triệu đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng số vay mới là 5.885 triệu đồng.
Chị Nông Thị Hảo, Phó Bí thư Huyện đoàn Lộc Bình cho biết: Qua việc tham gia các hoạt động do Huyện đoàn tổ chức, nhận thức của ĐVTN về lập nghiệp được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, chúng tôi đang đồng hành giúp đỡ 6 thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp, giao cho đoàn thanh niên các xã đăng ký đảm nhận giúp đỡ ít nhất 1 thanh niên phát triển kinh tế. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục liên kết, phối hợp tổ chức thêm nhiều đoàn đi học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế có hiệu quả, đồng thời huy động thêm nguồn lực từ xã hội để hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp.
Đến nay, toàn huyện Lộc Bình có 8 mô hình kinh tế tiêu biểu (chăn nuôi, trồng trọt) của ĐVTN cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Số hộ nghèo do thanh niên làm chủ hộ có chiều hướng giảm, từ năm 2016 đến 2017 giảm từ 625 hộ xuống còn 598 hộ.
HOÀNG NHƯ
Ý kiến ()