tle=”Click vào để xem ảnh phóng to” rel=””> amesmall” src=”http://nhandan.com.vn/media/k2/items/cache/2026/d2b23498597a3bc419c44e2b6c74642f_L.jpg” border=”0″ alt=”Tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (TP Ðiện Biên Phủ).” /> Tháng 5, trong dòng người trở lại Ðiện Biên, bên cạnh những người lính già với ký ức hào sảng về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là những chàng trai, cô gái còn khá trẻ. Những địa danh Mường Thanh, Hồng Cúm, Mường Phăng, Him Lam… đang trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, bởi dấu ấn lịch sử hào hùng và thành quả trong sáng tạo, vượt khó của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây.
Huyện Ðiện Biên bao bọc quanh thành phố Ðiện Biên Phủ, với hơn 108 nghìn nhân khẩu của tám dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn 19 xã, như bức tường vững chắc che chắn cho lòng chảo Ðiện Biên. Bản Noong Nhai, sát bên Trụ sở UBND xã Thanh Xương – trung tâm của lòng chảo Ðiện Biên là địa danh nổi tiếng bởi những ký ức đau thương của chiến tranh. Ở Noong Nhai có khu tưởng niệm những người dân vô tội bị chết bởi bom đạn của thực dân Pháp năm nào, với biểu tượng là bức tượng người phụ nữ Thái bế đứa con đã chết vì bom giặc trên tay. Theo tiếng Thái, Noong là “ao”, Nhai là “vỡ”, bản Noong Nhai được ví như cái ao bị vỡ bờ, nước cạn, cá chết, thể hiện sự cằn cỗi của vùng đất này. Ðứng bên khu tưởng niệm Noong Nhai, đồng chí Lò Văn Muôn, Bí thư Ðảng ủy xã Thanh Xương, rưng rưng kể: Cuối năm 1953, quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Ðiện Biên Phủ. Chúng dồn dân vào bốn trại tập trung. Noong Nhai là một trong số đó, tập trung dân các xã Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn và Noong Luống do đồn Hồng Cúm giám sát, cai quản. Các trại tập trung này quân Pháp âm mưu dựng lên nhằm cách ly nhân dân với bộ đội, làm “bia” đỡ đạn nếu bộ đội ta đánh Ðiện Biên Phủ. Các nạn nhân trong trại tập trung này phải làm việc khổ sai như dỡ nhà, chặt cây, xây dựng hầm hào, đồn bốt cho chúng. Trên một vùng diện tích chưa đầy 10 ha, trại tập trung Noong Nhai có tới hơn 3.000 dân sống trong các lán trại bằng tre, nứa, rơm rạ rất chật hẹp và mất vệ sinh. Khi chiến dịch Ðiện Biên Phủ bước vào đợt tiến công thứ hai, quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ rơi vào tình thế bị bao vây. Khoảng 14 giờ ngày 25-4-1954, quân Pháp đã cho bốn máy bay Ða-cô-ta xuất phát từ hướng nam bay thẳng tới trại tập trung Noong Nhai và điên cuồng dội bom sát thương, bom napan vào đám đông dân chúng khi họ đang có mặt để chôn cất một người thân trong bản. Theo thống kê, số người bị sát hại trong vụ thảm sát ở Noong Nhai là 444 người, số đông là người già, phụ nữ và trẻ em.
Không chỉ có Noong Nhai, cũng chẳng riêng xã Thanh Xương mà cả huyện Ðiện Biên đã phải chịu nhiều đau thương mất mát từ chiến tranh và càng tự hào hơn với chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Mường Phăng – một xã khác của huyện Ðiện Biên, là nơi phát đi lệnh tiến công, cũng là nơi nhận về tin chiến thắng, là nơi chứng kiến những giờ phút xúc động nhất, trọng đại nhất trong cuộc kháng chiến trường kỳ “Chín năm làm một Ðiện Biên”. Nhiều người dân Mường Phăng hôm nay có thể kể rành rọt với du khách rằng, ngày 13-5-1954, dưới chân dãy Pú Phăng, lễ duyệt binh mừng chiến thắng Ðiện Biên Phủ được tổ chức. Bài hát “Chiến thắng Ðiện Biên” của nhạc sĩ Ðỗ Nhuận lần đầu được công bố trước đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong vùng…
59 năm, Ðiện Biên, mảnh đất mà “từng mét vuông đã trở thành lịch sử” đang vươn mình mạnh mẽ và khởi sắc hơn. Tại trụ sở UBND xã Thanh Xương, để chứng minh cho sự đổi thay và phát triển từ những chương trình, chính sách chăm lo đời sống nhân dân mà Ðảng, Nhà nước đầu tư trên địa bàn, đồng chí Lò Văn Phiêng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên chỉ cho chúng tôi thấy những ngôi nhà sàn lợp ngói san sát bên những trường học, trạm y tế, cơ sở sản xuất… Trước kia, đây là hầm hào chiến địa, là khu quân sự, đường băng sân bay phân khu Hồng Cúm của quân Pháp và hàng trăm hố bom đào sâu dưới đất. Một phần trong khuôn viên trụ sở UBND xã Thanh Xương, ngày trước cũng là một hố bom. Theo cụ Lò Văn Giọn (79 tuổi, người dân tộc Thái), nguyên Bí thư Ðảng ủy xã Thanh Xương, sau trận mưa bom chiều 25-4-1954, Noong Nhai nói riêng và Thanh Xương nói chung gần như bị san phẳng. Nhưng người Noong Nhai không nản chí, quyết tâm ở lại vùng đất này, bao bọc, giúp đỡ nhau để dựng lại cuộc sống mới. Ở Thanh Xương bây giờ, năng suất lúa đạt bình quân từ 12 đến 13 tấn/ha, sản lượng lương thực bình quân đạt 760 kg/người/năm. Thanh Xương là xã đạt chuẩn về y tế, có 19 thôn, bản văn hóa, có bốn trường học và chỉ còn 136 hộ nghèo.
Một địa danh khác ở huyện Ðiện Biên được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây là xã Thanh Chăn – một trong 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước. Hiện nay, xã đã đạt được 10/19 tiêu chí và một số tiêu chí đã đạt một số nội dung. Nói về kinh nghiệm của Thanh Chăn, đồng chí Lò Văn Phiêng chia sẻ rằng, đó vẫn là bài học về huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị từ xã đến từng thôn, bản, gia đình, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, cộng đồng dân cư tại các thôn, bản tích cực giúp đỡ 67 hộ nghèo xây dựng nhà ở với gần 400 ngày công, tương đương 40 triệu đồng; trong số 4,1 tỷ đồng xây dựng công trình nước sinh hoạt suối Huổi Cưởm, nhân dân đóng góp 410 triệu đồng. Nhân dân còn hiến đất làm đường, xây đập đầu mối, xây dựng kênh mương, đường ống dẫn nước, tổng trị giá gần 800 triệu đồng. So với thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2012 diện tích đất gieo trồng của xã là 605 ha, tăng 167,72 ha, mức thu nhập bình quân/người/năm đạt 10,9 triệu đồng, tăng 4 triệu đồng.
Khai thác thế mạnh về văn hóa, du lịch là một hướng đi mà huyện Ðiện Biên đang tích cực triển khai để cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Bản Mển ở xã Thanh Nưa là một bản của đồng bào Thái, có 109 hộ với 517 khẩu. Mấy năm qua, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, diện mạo của bản ngày càng thay đổi. Nghề chính của đồng bào Thái ở bản Mển vẫn là trồng lúa. Năng suất lúa ngày càng tăng, bình quân lương thực đạt 750kg/người/năm. Trước năm 2005, cả bản có 20% hộ nghèo thì đến nay chỉ còn 8%. Cả bản có 90% gia đình có xe máy, 90 gia đình sử dụng điện thoại. Có nhà mua được ba máy xát lúa làm dịch vụ phục vụ bà con. Phát huy nghề truyền thống của dân tộc, có 50 gia đình vẫn đang làm nghề dệt, thêu thổ cẩm, thu nhập vài chục triệu đồng/năm. Nhà văn hóa bản Mển được xây dựng từ năm 2004, là nơi sinh hoạt cộng đồng, cũng là nơi giao lưu với khách du lịch. Anh Quàng Văn Thương, Trưởng bản Mển cho biết, trung bình mỗi tháng, bản tiếp đón khoảng 15 đoàn khách đến tham quan. Mỗi khi có khách, trưởng bản phân công người đón và phục vụ khách tại nhà văn hóa. Du khách được thưởng thức các món ăn đặc trưng của vùng Tây Bắc như chẳm chéo, mắc khén…, được tay trong tay cùng hát và múa xòe với dân bản. Mô hình bản văn hóa du lịch như ở bản Mển tạo thành những điểm nhấn khó quên với du khách, là cách làm hiệu quả mà Ðiện Biên sẽ nhân rộng trong thời gian tới. Và như thế, địa danh này càng khẳng định tầm vóc và vị thế của một vùng đất lịch sử và anh hùng.
Nhandan
Nhandan
Ý kiến ()