Huyện đảo Cô Tô xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững
Cách đây chỉ khoảng ba năm, nhắc đến Cô Tô (Quảng Ninh) nhiều người liên tưởng ngay đến huyện đảo xa xôi thiếu thốn trăm bề, thiếu nước ngọt, thiếu điện sinh hoạt, giao thông khó khăn... Thế mà giờ đây, khi trở lại Cô Tô, tôi như ngỡ ngàng vì sự thay đổi đến "chóng mặt" của huyện đảo. Những con đường trải nhựa phẳng lì, nước sạch đến từng nhà, điện thắp sáng, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ vươn lên khá và giàu.
Cách đây chỉ khoảng ba năm, nhắc đến Cô Tô (Quảng Ninh) nhiều người liên tưởng ngay đến huyện đảo xa xôi thiếu thốn trăm bề, thiếu nước ngọt, thiếu điện sinh hoạt, giao thông khó khăn… Thế mà giờ đây, khi trở lại Cô Tô, tôi như ngỡ ngàng vì sự thay đổi đến “chóng mặt” của huyện đảo. Những con đường trải nhựa phẳng lì, nước sạch đến từng nhà, điện thắp sáng, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ vươn lên khá và giàu.
Hiệu quả từ một chủ trương đúng
Chúng tôi đến thôn Nam Hà, xã Ðồng Tiến khi con đường liên thôn Hải Tiến – Nam Hà vừa hoàn thành. Hỏi chuyện người dân thì được biết, con đường này được làm trong thời gian gần bốn tháng. Lực lượng lao động chính là các hộ dân trong thôn cùng những đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang, hội phụ nữ, hội nông dân… mỗi người một việc, người thì trộn nguyên vật liệu, người thì vận hành máy, lại có một bộ phận hậu cần chuyên cung cấp nước uống, đâu đâu cũng rộn rã tiếng nói cười, tất cả tạo ra một không khí lao động thật sôi nổi, khẩn trương. Trưởng thôn Hải Tiến, bác Bùi Văn Bốn hồ hởi nói với chúng tôi: Vài tháng trước đây, chỗ này là quả núi nằm giữa hai thôn, nếu muốn đi qua, sẽ phải đi vòng đường khác xa hơn hoặc trèo qua núi. Từ khi có chủ trương làm đường giao thông, bà con hai thôn rất phấn khởi. Nhiều gia đình đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường giao thông.
Nguyễn Hải Linh, một đoàn viên trong thôn cho biết thêm, trong những ngày làm đường giao thông, không khí cả hai thôn như có hội. Ðâu đâu cũng thấy bàn chuyện làm đường, nhà nhà phấn khởi sẵn sàng bỏ công, bỏ sức, bỏ của để con đường liên thôn được sớm hoàn thành, bà con trong thôn được đi lại thuận lợi hơn. Nhà nào neo người thì nhà khác sang làm hộ, chỉ qua việc làm đường này mà tình nghĩa xóm giềng thêm bền chặt.
Quả thật, có đến đây, được đi trên con đường vừa hoàn thành mới thấy được sự nỗ lực, quyết tâm cao của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Cô Tô. Vốn là một con đường đất chỉ dài hơn 1 km, địa hình phức tạp, chạy vòng vèo qua chân núi, lại bị chắn bởi rừng rậm, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện xác định đây là con đường quan trọng nối liền hai thôn Hải Tiến và Nam Hà, cần được nâng cấp, mở rộng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trong vùng và phát triển du lịch của huyện đảo. Trước khi làm con đường này, huyện đã tổ chức họp lấy ý kiến của nhân dân, các đồng chí lãnh đạo trực tiếp xuống tận cơ sở giải đáp những thắc mắc của người dân và nhận được sự đồng thuận cao. Nhiều gia đình sẵn sàng hiến đất, chặt cây lâu năm, dỡ bỏ các công trình nơi con đường đi qua. Huyện cũng chủ động kêu gọi các nguồn tài trợ từ bên ngoài, sử dụng có hiệu quả số nguyên vật liệu được tài trợ từ quỹ Chung sức xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, sau gần bốn tháng lao động khẩn trương với gần 2.000 công lao động, con đường liên thôn Hải Tiến – Nam Hà trị giá hơn 10 tỷ đồng đã được hoàn thành trong sự phấn khởi của tập thể lãnh đạo huyện Cô Tô và người dân hai thôn nói riêng, xã Ðồng Tiến nói chung.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Ðức Thành cho biết: Lúc đầu, cũng có nhiều ý kiến thắc mắc, nhưng sau khi được lãnh đạo huyện giải đáp thì tất cả mọi người dân đều vui vẻ ủng hộ chủ trương này của huyện. Có thể nói, nếu không có sự ủng hộ hết lòng của người dân, sự giúp đỡ nhiệt tình của các tổ chức, đoàn thể, lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện thì chúng tôi cũng không thể hoàn thành con đường trong thời gian ngắn như vậy. Ðây cũng là một trong những tiêu chí giúp huyện đảo chúng tôi “về đích sớm” trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Những mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao
Cùng với việc giải quyết những vấn đề cấp thiết hàng đầu là điện, nước, giao thông, Huyện ủy, UBND huyện Cô Tô xác định mục tiêu quan trọng là phát triển kinh tế, để người dân trên đảo yên tâm ở lại bám biển, bám đảo. Trước năm 2012, cuộc sống của người dân trên đảo còn nhiều khó khăn, phần lớn vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chưa cố gắng tìm ra hướng thoát nghèo cho mình. Nắm bắt được tâm lý này của người dân, lãnh đạo huyện đã chủ động mời ban chỉ đạo của tỉnh ra đảo để tìm hiểu thực tế và góp ý cho huyện về phương hướng phát triển kinh tế. Nhiều mô hình sản xuất, làm ăn có hiệu quả đã ra đời như mô hình nuôi trồng thủy sản, nuôi rắn, nuôi lợn rừng… đạt hiệu quả cao, đang được huyện nhân rộng.
Trại nuôi rắn của chị Phạm Thị Duyên, xã Thanh Lân, có cơ ngơi khang trang, hệ thống chuồng trại ngăn nắp. Chị Duyên cho biết: Lúc đầu anh chị mới lấy nhau, gia cảnh cũng chẳng có gì, sau thấy cuộc sống khó khăn quá, anh chị bàn với nhau phải phát triển kinh tế để thoát nghèo. Ðược xã hỗ trợ một phần vốn, cộng thêm vay mượn của gia đình, bạn bè, chồng chị đã về tận Hải Dương để tìm mua rắn hổ mang giống và học hỏi kinh nghiệm nuôi, anh chị cũng tìm hiểu thêm một số kiến thức về rắn hổ mang qua sách, báo và in-tơ-nét. Vụ đầu xuất hàng, trừ chi phí anh chị đã có lãi. Hiện nay, anh chị đang chuẩn bị ghép đôi cho rắn để không còn phải mua rắn giống từ bên ngoài nữa. Vậy là từ hai bàn tay trắng, đến nay gia đình anh chị đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Hiện nay, ngoài mô hình nuôi rắn, trên xã đảo Thanh Lân còn có mô hình làm sứa biển, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Vài năm gần đây, trên địa bàn xã cũng đã có một số hộ gia đình đấu thầu thuê hẳn một đảo nhỏ để nuôi ốc biển, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khả quan và mô hình này đang dần được nhân rộng.
Ðể phát huy tiềm năng và lợi thế trong việc nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, bằng nguồn vốn của địa phương, huyện Cô Tô đã chủ động mời các cán bộ Trung tâm Quy hoạch phát triển thủy sản (thuộc Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, Tổng cục Thủy sản) xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2015, định hướng 2020. Tuy nhiên, trong quá trình quy hoạch đã có nhiều biến động với sự tác động và ảnh hưởng của nhiều yếu tố kinh tế – xã hội, môi trường, khoa học công nghệ, dẫn đến việc phải điều chỉnh lại quy hoạch chung. Hiện nay, các cán bộ của trung tâm đang thực hiện dự án Ðiều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản huyện Cô Tô đến năm 2020. Hướng quy hoạch sẽ tập trung vào ba lĩnh vực: nuôi trồng thủy sản, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chế biến và thương mại thủy sản. Dự án này góp phần phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng nâng cao giá trị, bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Hướng tới xây dựng một xã hội học tập
Nếu như trước đây, sự nghiệp giáo dục ở Cô Tô vô cùng khó khăn, thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên, tình trạng học sinh bỏ học để đi biển diễn ra phổ biến thì đến nay, ai đến Cô Tô cũng phải ngạc nhiên trước sự khang trang, đồng bộ của hệ thống trường, lớp. Toàn huyện có mười trường học ở các cấp học, đã có 7/10 trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến hết năm 2013, 100% số trường đạt chuẩn. Ðẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập, huyện đã thực hiện các cơ chế hỗ trợ cán bộ, học sinh, nhân dân tham gia học tập. Cô Tô là huyện đầu tiên thực hiện hỗ trợ tiền ăn cho trẻ mầm non trước khi tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ. Huyện đã cân đối nguồn ngân sách, hỗ trợ 80% học phí cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh và nhân dân tham gia các lớp học ngoại ngữ, tin học, học nghề tổ chức tại huyện. Nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ và đào tạo lớp cán bộ kế cận, huyện cũng đã tổ chức nhiều lớp học vào buổi tối như lớp trung cấp lý luận, ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Trung, trung cấp công nghệ thông tin… Vào ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, có khoảng 50 cán bộ các phòng, ban của xã, thị trấn, huyện vào đất liền để học đại học, văn bằng 2, cao học, tạo ra phong trào thi đua học tập sôi nổi trên địa bàn. Chuẩn bị cho việc khai thác tiềm năng du lịch trên đảo, huyện đã động viên 22 cháu là con em cư dân trên đảo đi học trung cấp du lịch để về làm nòng cốt phát triển du lịch. Sắp tới, huyện cũng có kế hoạch tổ chức lớp đào tạo nghề du lịch ngay trên đảo để đào tạo đội ngũ nhân lực làm du lịch. Phát huy những thành tựu đã đạt được, năm 2012 là năm ghi nhận nhiều niềm vui nhất của ngành giáo dục huyện Cô Tô với số lượng học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng cao nhất từ trước đến nay, đây cũng là năm đầu huyện có học sinh đoạt giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh.
Nhờ có sự chỉ đạo đúng đắn của các cấp ủy Ðảng, sự nỗ lực của chính quyền, các đoàn thể, xã hội cùng sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, đến nay, huyện Cô Tô đã đạt được 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ðồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Ðức Thành cho biết, năm 2013 là năm có ý nghĩa bản lề trong việc thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng các cấp, cũng là năm cột mốc khi huyện Cô Tô hòa vào điện lưới quốc gia, mở ra một thời kỳ mới phát triển mạnh mẽ của huyện đảo Cô Tô. Dự kiến đến ngày 30-10-2013, Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, Cô Tô phấn đấu hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về đích trước tiến độ chung của tỉnh Quảng Ninh hai năm và của cả nước là bảy năm, 100% số trường học đạt chuẩn quốc gia và huyện cơ bản không còn hộ nghèo.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo quyết tâm thi đua xây dựng Cô Tô ngày càng phát triển, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()