Huyện đảo Cô Tô làm theo lời Bác
Trong nhiều năm gần đây, huyện đảo Cô Tô nỗ lực vươn lên, tạo đà cho một giai đoạn phát triển mới. Vùng biển đảo nơi địa đầu Ðông Bắc của Tổ quốc, nơi đây đã và đang phấn đấu xứng đáng với lời căn dặn của Bác khi Người tới thăm bà con trên đảo: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Ðảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ”.
Sau gần hai giờ đồng hồ đi tàu lênh đênh trên sóng nước biển xanh, chúng tôi đã đặt chân đến huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Ở Cô Tô với những dãy nhà, cửa hàng, cửa hiệu, quán ăn, khách sạn dọc theo con đường từ cầu tàu vào đến trung tâm thị trấn. Toàn đảo Cô Tô đã phủ sóng WiFi. Huyện đảo tiền tiêu mang nhịp sống hiện đại nơi đô thị. Cô Tô đang triển khai dự án đưa điện lưới quốc gia đến từng gia đình.
Ðến đầu năm 2013, Cô Tô đã cơ bản giải quyết được vấn đề nước ngọt phục vụ sinh hoạt người dân trên đảo. Cùng với điện và nước ngọt, vấn đề kết nối giao thông giữa đảo với đất liền cũng được tập trung giải quyết. Mới đây, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, trang bị các đội tàu cao tốc vận tải hành khách chất lượng cao, rút ngắn hành trình từ đảo với đất liền từ 4 đến 5 giờ trước đây xuống còn hơn 1 giờ. Trung tâm dịch vụ Hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ được đầu tư xây dựng trên đảo đang được khai thác phát huy hiệu quả. Nơi đây có thể đón hơn 400 tàu có công suất 600 CV vào tránh trú bão an toàn. Ðồng thời từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và khách du lịch, nhất là trong dịp lễ, Tết và mùa du lịch hè. Ở Cô Tô đường thôn, ngõ xóm đều đã được nhựa hóa, bê-tông hóa với sự vào cuộc tích cực của nhân dân. Bí thư, đồng thời là Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Ðức Thành cho biết: “Ngoài sự đầu tư từ nguồn ngân sách của tỉnh và trung ương, thì nguồn huy động xã hội hóa cho sự phát triển của Cô Tô cũng rất lớn”.
Trước đây nói đến Cô Tô là nói đến sự khó khăn của ngành giáo dục bởi hệ thống trường lớp thiếu thốn, đội ngũ giáo viên thường xuyên biến động, địa bàn huyện xa đất liền… Nhưng giờ đây, ai đến với Cô Tô cũng đều ngỡ ngàng trước sự khang trang, đồng bộ của hệ thống trường lớp, từ hệ mầm non đến tiểu học, THCS, THPT. Toàn huyện đảo đã có bốn trường đạt chuẩn quốc gia và đang phấn đấu năm 2013 có 100% số trường đạt chuẩn quốc gia. Ðể từng bước thực hiện chính quyền điện tử, huyện đã hỗ trợ cho hơn 500 cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên với mức ba triệu đồng/người để mua máy tính bảng, máy tính xách tay, từng bước thực hiện việc trao đổi thông tin, phát hành văn bản qua hệ thống cổng thông tin điện tử và hộp thư công vụ. Ðến nay, các xã của huyện Cô Tô đã hoàn thành 11/19 tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu phát triển kinh tế – xã hội ở Cô Tô đang chuyển dịch mạnh mẽ. Nhiều mô hình sản xuất, dịch vụ mới có hiệu quả đã xuất hiện. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện trong ba năm giảm 10 lần, từ hơn 13% năm 2009 xuống còn 1,32% vào năm 2012. Ðặc biệt du lịch của Cô Tô đã có sự phát triển mạnh mẽ. Năm 2012, Cô Tô đón 35 nghìn lượt khách du lịch, tăng gấp bốn lần năm 2011 và 10 lần so với năm 2010. Doanh thu từ du lịch đạt gần 40 tỷ đồng. Giờ đây, du khách đến Cô Tô không chỉ ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ của vùng biển đảo này mà còn rất ấn tượng với sự thân thiện của người dân, sự quản lý hoạt động du lịch bài bản của chính quyền huyện đảo.
Những năm qua, tình hình an ninh – trật tự vùng biển đảo Cô Tô có nhiều diễn biến phức tạp. Tàu, thuyền nước ngoài lợi dụng đêm tối và thời tiết không thuận lợi để xâm nhập đánh bắt hải sản. Từ phương châm “Biên giới lòng dân là biên giới vững chắc nhất”, cán bộ, chiến sĩ của Ðồn Biên phòng Cô Tô thường xuyên bám địa bàn vận động nhân dân. Ðồn đã tham gia xây dựng cơ sở chính trị, đồng thời triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân trên địa bàn.
Cùng với đó, những năm qua, Ðồn Biên phòng Thanh Lân đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương xây dựng mô hình tự quản tại bến cảng Chiến Thắng và thành lập 10 tổ tàu đánh bắt tự quản trên biển. Ðồn tổ chức tuyên truyền cho ngư dân trong và ngoài tỉnh về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong khai thác thủy, hải sản và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Thiếu tá Trần Hồng Hải, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Cô Tô cho biết: “Chỉ huy đơn vị thường xuyên phối hợp chặt chẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng mô hình tự quản, xây dựng thế trận an ninh nhân dân. Những năm qua, quân và dân Cô Tô đã phối hợp nhiều phương án hiệu quả nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự – an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển đảo của Tổ quốc”.
Ý kiến ()