Huyện đảo Cát Hải "khát" nước sạch
Nhiều vùng nông thôn ở Hải Phòng, người dân vẫn phải sử dụng nước giếng không bảo đảm vệ sinh. Chương trình tín dụng ưu đãi thông qua kênh Ngân hàng chính sách xã hội nhiều năm qua đã giúp cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng các công trình nước sạch, nhà vệ sinh, nâng cao điều kiện sống và tạo cảnh quan môi trường. Tuy nhiên, hiện nay nhiều khu vực trên địa bàn huyện Cát Hải (Hải Phòng) người nghèo không còn được vay vốn ưu đãi xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh. Người nghèo "khát" nước sạch, Ngân hàng Chính sách có vốn nhưng không thể giải ngân...Gần hai giờ đồng hồ từ nội thành Hải Phòng, vượt qua vùng biển Lạch Huyện bằng phà Đình Vũ, chúng tôi đến được với đảo Cát Hải, thuộc huyện Cát Hải. Có một điều lạ đập ngay vào mắt tôi đó là, thị trấn Cát Hải ít có sự thay đổi. Vẫn còn đó những cánh đồng muối với những sân cát phẳng lỳ. Chỉ có mỗi con đê để chắn sóng là vừa được...
Nhiều vùng nông thôn ở Hải Phòng, người dân vẫn phải sử dụng nước giếng không bảo đảm vệ sinh. |
Gần hai giờ đồng hồ từ nội thành Hải Phòng, vượt qua vùng biển Lạch Huyện bằng phà Đình Vũ, chúng tôi đến được với đảo Cát Hải, thuộc huyện Cát Hải. Có một điều lạ đập ngay vào mắt tôi đó là, thị trấn Cát Hải ít có sự thay đổi. Vẫn còn đó những cánh đồng muối với những sân cát phẳng lỳ. Chỉ có mỗi con đê để chắn sóng là vừa được tu bổ. Nằm nép mình dưới ngay con đê biển, nhiều nóc nhà còn thấp hơn mặt đê. Gió biển mang hơi nước, trong đó có cả muối mặn. Gió thổi vào người có cảm giác như da thịt cứ dày thêm từng giờ bởi dính muối.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải Nguyễn Thị Lũy, cho biết: Mang tiếng là thị trấn, chứ Cát Hải không có gia đình nào giàu mà chỉ có chung một nỗi khó khăn, nhọc nhằn đó là quanh năm làm bạn với biển. Gần như 100% số hộ gia đình nơi đây làm nghề chài lưới đánh bắt thủy hải sản ven biển, dịch vụ chế biến thủy hải sản và sản xuất muối. Vươn khơi đánh bắt xa bờ thì người dân ở thị trấn Cát Hải không có tiềm lực kinh tế. Làm muối phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Sáu tháng đầu năm 2012, do mưa nhiều nên bà con mới có tám ngày sản xuất muối.
Biển nuôi sống họ, nhưng cũng mang đến không ít phiền toái. Những vật dụng gia đình do không khí mang theo hơi nước mặn từ biển nên rất nhanh bị hỏng. Nhiều gia đình vay vốn của Ngân hàng Chính sách xây dựng nhà vệ sinh và lắp đặt được công trình nước sạch, nhưng mỗi khi có bão thì nước tràn qua cả đê, ngập hết nhà dân. Người dân ở đây tâm sự: Mặt đê cao hơn mái nhà thế mà nhiều khi gió to, bão lớn còn bỏ cả nhà chạy lên Ủy ban nhân dân để tránh bão. Cũng chỉ qua một mùa mưa bão là những công trình nước sạch, nhà vệ sinh đều bị phá hủy bởi gió, bão, nước mặn. Khi mới làm thí điểm chương trình cho vay vốn ưu đãi cải tạo công trình nước sạch, nhà vệ sinh người dân thị trấn được ngân hàng tạo điều kiện cho vay. Nhưng hết giai đoạn thí điểm thì không được vay vốn ưu đãi xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh nữa. Theo quy định, vốn ưu đãi cho vay nước sạch vệ sinh môi trường chỉ dành cho vùng nông thôn, nên người nghèo ở thị trấn nói chung và thị trấn Cát Hải nói riêng đều chịu cảnh không được vay vốn chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường.
Chị Nguyễn Thị Chiều, ở thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải tâm sự: Gia đình chị được ngân hàng cho vay vốn vừa sản xuất, vừa xây dựng công trình nước sạch nhà vệ sinh từ năm 2004, thời điểm còn cho vay thí điểm. Qua nhiều năm, những công trình này đã bị hư hỏng bởi gió bão. Chị cũng như bao gia đình ở thị trấn Cát Hải chỉ mong Nhà nước có những ưu tiên cho người dân thị trấn huyện đảo được vay vốn qua Ngân hàng Chính sách để cải tạo, sửa chữa công trình nước sạch và nhà vệ sinh.
Rời thị trấn Cát Hải, chúng tôi đến với bà con ở bốn xã Đồng Bài, Nghĩa Lộ, Văn Phong, Hoàng Châu của đảo Cát Hải, huyện Cát Hải. Cũng giống người dân thị trấn, bà con bốn xã kể trên cũng chịu cảnh khốn khó do thiếu vốn xây dựng công trình nước sinh hoạt và nhà vệ sinh. Hầu hết các hộ nghèo ở đây đều đã được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cát Hải cho vay vốn ưu đãi để xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh. Nói là công trình nước sạch, nhưng thực chất nó chỉ là các bể chứa nước mưa. Bởi vì ở Cát Hải chỉ có cát mặn, gió biển cũng mang theo nước mặn. Ở đây người ta không thể xây dựng nhà máy nước sạch vì nước ngầm hay nước mặt đều một vị mặn chát. Cái tên của chương trình là “tín dụng ưu đãi xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh” nên mọi người gọi những công trình bể chứa nước mưa là “nước sạch” mà thôi. Ấy thế nhưng nước mưa ở đây cũng phải dùng dè xẻn, chỉ để nấu ăn chứ không có để giặt, rửa. Nước ngầm mặn chát, nhưng những hộ dân nơi đây vẫn phải có giếng khoan để lấy nước tắm, giặt, rửa. Nhà nào không có giếng khoan thì phải gánh nước ở giếng chùa về dùng. Mỗi nhà chỉ có chiếc bể nước mưa vài ba khối nước, vậy mà không phải ai cũng có đủ khả năng kinh phí để xây dựng. Vì xa đất liền, mỗi công trình xây dựng ở đây kinh phí cũng gấp từ hai đến ba lần so với trong đất liền. Vậy nên, sau nhiều năm đầu tư đến nay các công trình này đều bị nước mặn phá hủy, nhiều gia đình kinh tế khó khăn không có điều kiện để xây dựng cải tạo công trình.
Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cát Hải Bùi Thị Hải, cho biết: Theo quy định cho vay thì thời hạn vay của chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phục vụ cho xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh là năm năm. Nhưng với người dân ở Cát Hải thì có khi chỉ hai đến ba năm là công trình nước sạch và nhà vệ sinh đã hư hỏng bởi nước mặn và gió bão. Trao đổi ý kiến với Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hải Phòng Lê Đình Thái được biết: Hiện nay chi nhánh có vốn nhưng còn gặp khúc mắc về chính sách, do quy định về thời gian nên ngân hàng có muốn cho vay quay vòng lại thì không được.
Những năm qua, người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Nhiều hộ gia đình vay được vốn lãi suất thấp cùng với sự hỗ trợ của các ban ngành, địa phương, bà con chòm xóm đã xóa được nhà tranh vách đất, xây dựng lắp đặt công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp vệ sinh. Đến cuối tháng 5-2012, Ngân hàng Chính sách đã cho vay và còn dư nợ đối với các đối tượng hộ nghèo – đối tượng chính sách khác là hơn 1.500 tỷ đồng; với số hộ còn dư nợ là gần 116.600 hộ. Trong đó cho vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố đạt gần 279 tỷ đồng, với số hộ còn dư nợ là gần 40.000 hộ. Vốn ưu đãi đã giúp hàng chục nghìn hộ nghèo, hộ khó khăn cải thiện điều kiện sinh hoạt.
Những công trình nước sạch, vệ sinh môi trường là một phần thiết yếu của cuộc sống người dân huyện đảo. Họ đang hằng ngày, hằng giờ mong Nhà nước có sự thay đổi về chính sách trong việc cho vay vốn ưu đãi xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh để có thể cải thiện phần nào điều kiện sống khắc nghiệt. Bớt đi phần khó khăn nào, người dân Cát Hải có thêm điều kiện để bám làng, bám biển, chắt chiu những giọt mặn mang tặng cho đời.
Theo Nhandan
Ý kiến ()