Huy động trí tuệ của doanh nghiệp, doanh nhân góp ý cho chính sách kinh tế
Đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Lễ phát động. |
Sự kiện được Ban Kinh tế Trung ương chủ trì và phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương; Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Kinh tế Quốc hội; Đài Truyền hình Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI đồng tổ chức.
Cuộc Vận động nhằm mục đích khơi dậy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và huy động trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với đất nước, góp phần triển khai thực hiện thành công các chủ trương của Đảng, nhất là các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.
Phát biểu tại Lễ phát động Cuộc vận động, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cho biết: Ngay từ những ngày đầu giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế. Trong bức thư đề ngày 13/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các “giới công thương Việt Nam”, Bác đã khẳng định: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.
“Gần 74 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của Bác về doanh nghiệp, doanh nhân nêu trong bức thư ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị và ngày nay Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ta vẫn đang nỗ lực thực hiện lời căn dặn này”, đồng chí Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Đảng ta luôn xác định và thực hiện quan điểm nhất quán phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, đồng thời đã ban hành nhiều đường lối, chủ trương quan trọng về đổi mới và phát triển kinh tế.
Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành: Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 11-NQ/TW); tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (Nghị quyết số 12-NQ/TW); phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 10-NQ/TW). Đây là những vấn đề then chốt và mang tính nền tảng đối với quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Ba Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng là các chủ trương lớn, quan trọng, đúng đắn và được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp, doanh nhân vẫn gặp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và nền kinh tế nước ta chưa phát triển nhanh và bền vững, trong đó có nguyên nhân quan trọng là thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ đang là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước ta, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Cuộc Vận động khẳng định sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước nhằm phát huy trí tuệ, dân chủ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII và góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Cuộc vận động này cũng nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa Đảng và Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên tinh thần doanh nghiệp, doanh nhân hết lòng vì Đảng, Nhà nước và phụng sự tổ quốc, nhân dân; Đảng và Nhà nước trân trọng lắng nghe các ý kiến góp ý, tiếp thu các đề xuất, sáng kiến hay của doanh nghiệp, doanh nhân để lãnh đạo, điều hành đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Cuộc vận động này hết sức có ý nghĩa khi được tổ chức trong bối cảnh cả nước ta đang tiến hành kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh với doanh nghiệp, doanh nhân được đề ra từ 74 năm trước.
Mọi góp ý, đề xuất, sáng kiến của doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đều được Ban Tổ chức Cuộc vận động trân trọng tiếp nhận, tổng hợp, xem xét, chuyển tới các cơ quan của Đảng và Nhà nước liên quan để nghiên cứu, phục vụ cho việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế và góp phần xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Bấm nút khai trương trang Website của Cuộc vận động. |
Tại Lễ Phát động, Ban Tổ chức đã công bố Thể lệ Cuộc vận động. Theo đó, các góp ý, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân nhằm nhận diện, phản ánh về các vấn đề lớn, quan trọng cần phải giải quyết; những khó khăn, cản trở trong thực tiễn phát triển kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đồng thời góp ý, đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Thời gian tiếp nhận góp ý, đề xuất: Từ sau ngày tổ chức Lễ phát động đến 31/12/2019; thời gian xét chọn góp ý, đề xuất từ tháng 1 đến tháng 3/2020.
Lễ tôn vinh và trao giải dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 4/2020./.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()