Huy động tổng lực ứng phó với cơn bão 'thảm họa' Tembin
Trước diễn biến khó lường của cơn bão số 16 (Tembin) có thể đổ bộ vào Việt Nam ở cấp thảm họa, các bộ, ngành, địa phương đang ra sức, huy động tổng lực để ứng phó với cơn bão nguy hiểm này.
Đường đi của cơn bão số 16. Ảnh: nchmf |
Bão lớn, đổ bộ nguy hiểm
Theo báo cáo nhanh sáng 24/12 gửi báo chí của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai về công tác sơ tán dân và triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 16.
Ban Chỉ đạo đánh giá, bão số 16 đổ bộ Nam bộ với hình thái và điều kiện rất nguy hiểm. Trên biển, bão đi qua khu vực ngư trường truyền thống, đang chính mùa khai thác, tàu thuyền đánh bắt hải sản rất đông, đồng thời rất nhiều tàu vận tải, tàu vãng lai. Đây cũng là vùng biển có nhiều đảo nơi có nhiều tàu thuyền trú tránh khi bão xảy ra. Có nhiều hoạt động trên biển nhất là các giàn khoan, nhà giàn.
Còn trên đất liền, nơi bão đổ bộ có địa hình bằng phẳng, thiếu nơi khu trú; bờ biển, vùng cửa sông nhiều điểm bị sạt lở nguy hiểm, nhiều công trình đang thi công. Khu vực dự báo bão đổ bộ ít khi có bão lớn; cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu và kinh nghiệm ứng phó của người dân còn hạn chế, một số nơi có tư tưởng chủ quan; dân cư vùng cửa sông, ven biển đông đúc, hoạt động kinh tế lớn, dễ bị tổn thương, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản (đây là vùng trọng điểm tôm và cá tra), du lịch.
Các tuyến đê biển mới chỉ được thiết kế đảm bảo an toàn với bão cấp 9, triều 5%, thấp hơn cường độ bão đổ bộ nên nguy cơ cao mất an toàn; có 23 vị trí xung yếu cần quan tâm từ Bà Rịa Vũng Tàu đến Cà Mau.
Trong khi đó hiện còn 64.000 ha lúa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn chín chưa thu hoạch, có thể bị thiệt hại khi bão đổ bộ.
Di dời dân, cho học sinh nghỉ học
Đáng lo ngại hơn là về tính mạng người dân khi bão đổ bộ. Tính đến sáng 24/12 đã có nhiều tỉnh, thành phố báo cáo kết quả di dời người dân đến nơi an toàn.
Cụ thể, các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đang rà soát và đã lên phương án di dời, sơ tán đến nơi an toàn đối với trường hợp bão cấp 9 là 271.151 người, trên cấp 9 là 472.765 người.
Việc cho học sinh nghỉ học tránh bão: Bến Tre dự kiến cho học sinh nghỉ học từ ngày 25-26/12; Tiền Giang đã chỉ đạo Sở GD&ĐT có kế hoạch cho học sinh nghỉ học trước 24 giờ so với thời điểm dự báo bão ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh. Các tỉnh khác đang rà soát tùy tình hình diễn biến bão sẽ có kế hoạch cho học sinh nghỉ học sau.
Phương án bảo vệ sản xuất: Các địa phương đang triển khai thu hoạch diện tích lúa đã chín; tổ chức thu hoạch diện tích thủy sản có nguy cơ bị ảnh hưởng thiệt hại. Chằng chống cây ăn quả, chuẩn bị phương tiện, lực lượng sẵn sàng bơm tiêu nước đệm, bơm chống úng, bảo vệ diện tích lúa, hoa màu cây ăn trái.
Đến 6h sáng 24/12, các tỉnh đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 60.413 phương tiện/307.742 lao động về diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh; tổ chức hướng dẫn cho các phương tiện neo đậu trú tránh.
Hiện bão đã vào biển Đông và đang di chuyển rất nhanh. Các tỉnh đã có lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi.
Công an, y tế vào cuộc
Ngày 23/12, Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an đã có Công điện số 21 gửi một số đơn vị trực thuộc yêu cầu thực hiện nghiêm túc Công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương; phối hợp bảo đảm an toàn cho người dân; phối hợp triển khai phương án sơ tán dan; bố trí lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả.
Bộ Y tế cũng đã có công điện khẩn gửi sở y tế các tỉnh, đơn vị trực thuộc yêu cầu triển khai các giải pháp bảo đảm công tác y tế trong mưa lũ, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Các địa phương chủ động ứng phó
Tại Cà Mau , Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho biết việc quan trọng nhất là tuyên truyền đến người dân, không được chủ quan, đồng thời thông báo tất cả tàu thuyền khẩn trương vào bờ. Ông Hải cũng yêu cầu cương quyết di dời người dân ở các điểm xung yếu, cửa sông, cửa biển, nhà đơn sơ đến nơi an toàn ngay trong sáng 24/12.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều phương án ứng phó. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 8.114/17.401 nhà đã triển khai chằng chống. Đồng thời, theo thống kê, có 87.964 người thuộc diện phải di dời sơ tán. Đối với tàu đang khai thác trên biển, theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, đến 6h 24/12, còn 595 phương tiện của địa phương đang hoạt động trên biển, với 178 tàu đang hoạt động xa bờ. Đơn vị đã cử 50 cán bộ chiến sĩ xuống tận nhà dân để liên lạc với tàu. Sau khi nắm được vị trí của từng tàu sẽ hướng dẫn người dân vào những khu tránh trú bão an toàn.
Tại Bạc Liêu , Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đề nghị tiếp tục nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động, thông báo vùng ảnh hưởng để tàu di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, kêu gọi tàu hoạt động gần bờ trú ẩn cho đến khi có thông báo cuối cùng về cơn bão nguy hiểm này.
Ngoài ra mở các cột đèn tín hiệu báo bão tại các đồn biên phòng, bố trí người trực đảm bảo đèn tín hiệu hoạt động 24/24 giờ để phục vụ tàu thuyền.
Tại cuộc họp sáng 24/12, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lữ Văn Hùng yêu cầu các lực lượng phải bảo đảm chỉ huy, phương tiện, lực lượng, thông tin liên lạc thông suốt, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; các phương tiện thông tin đại chúng thông báo thường xuyên về diễn biến của bão để người dân biết. Tỉnh Hậu Giang hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng, chống bão.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()