Huy động tối đa các nguồn lực phát triển mạng lưới giao thông
LSO-Lạng Sơn là tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn, tốc độ phát triển trên các lĩnh vực còn thấp chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của địa phương, do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Xác định rõ tầm quan trọng đó, những năm qua, ngành Giao thông - Vận tải (GTVT) Lạng Sơn đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phát triển GTVT. Qua đó, làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.
Cầu treo xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng được đầu tư xây dựng hoàn thành, phục vụ cho nhân dân đi lại trong vùng |
Một trong những điểm nổi bật là sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 15 -NQ/TU, ngày 21/7/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển GTVT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 -2015, toàn tỉnh đã huy động tối đa các nguồn lực đầu tư vào xây dựng các tuyến đường, mở rộng mạng lưới giao thông. Kết quả, tính từ năm 2011 đến năm 2014, số xã có đường ô tô đến trung tâm đi lại được 4 mùa tăng 3 xã, đạt hơn 91%; tỷ lệ mặt đường được nhựa hóa, bê tông hóa đường tỉnh đạt 78%, đường huyện đạt 32% và đường giao thông nông thôn đạt 32%. Nâng cấp đoạn km29 – km40 quốc lộ 4A, đoạn km 47 – km 53 quốc lộ 4B; xây dựng 2 cầu Yên Bình, cầu Hòa Lạc trên địa bàn huyện Hữu Lũng và khởi công xây dựng mới cầu Thác Mạ, thành phố Lạng Sơn. Trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã huy động nguồn lực trong dân và đóng góp của doanh nghiệp được 264 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn; mở mới thêm 215 km đường liên thôn, xây dựng hơn 730 km mặt đường bê tông xi măng, xây 63 cầu và 9 ngầm tràn dân sinh. Cùng với đó hút các doanh nghiệp đầu tư hơn 585 tỷ đồng xây dựng 20 bến bãi xe hàng tại các khu vực cửa khẩu và 1 trung tâm đào tạo, sát hạch xe ô tô với tổng kinh phí 21 tỷ đồng…
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác phát triển GTVT trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại một số hạn chế như: Tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp các tuyến quốc lộ còn chậm, việc quản lý bảo trì đường bộ và sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với các cơ quan liên quan chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng chưa kịp thời. Để tập trung khắc phục và tiếp tục thực hiện, hoàn thành các mục tiêu mà nghị quyết đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định 5 giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đến hết năm 2015, trong đó yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 15. Trước mắt tranh thủ, tiếp cận, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn ODA, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tham gia đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện. Đồng thời kịp thời ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng đường nông thôn và huy động tối đa nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ vận tải, trạm trung chuyển hàng hóa, bãi đỗ xe, bến xe ô tô khách, đào tạo sát hạch… kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, PPP. Theo đó, phân cấp quản lý bảo trì đường bộ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn cơ sở và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về GTVT, năng lực thanh tra GTVT, cương quyết xử lý tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu hành trên các tuyến đường bộ.
Ông Nguyễn La Thông – Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn khẳng định: Trong thời gian tới, ngành GTVT Lạng Sơn sẽ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và quản lý mạng lưới giao thông hiện có; quan tâm mạng lưới giao thông đô thị, phát triển vận tải, phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn, bảo đảm TTATGT trên địa bàn, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ. Từ đó góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường lực lượng, củng cố quốc phòng, an ninh của tỉnh và trong khu vực.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()