Huy động sức dân xây dựng nhà văn hóa thôn: Cách làm ở thôn Giáp Thượng 2
(LSO) – Cùng với làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa thôn là một trong số ít những tiêu chí về hạ tầng có sự chung tay, góp sức của người dân rõ nét nhất. Mỗi nơi lại có một cách làm riêng để thực hiện hiệu quả chỉ tiêu này. Cách làm ở thôn Giáp Thượng 2, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng là một điển hình.
Trước đây, thôn Giáp Thượng 2 đã có nhà văn hóa thôn. Tuy nhiên, diện tích nhà văn hóa thôn nhỏ hẹp, số hộ dân trong thôn lại đông (134 hộ). Chính vì vậy, các hoạt động hội họp, sinh hoạt chung của thôn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Năm 2020, xã Y Tịch là 1 trong 13 xã điểm của tỉnh phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với các thôn khác của xã, thôn Giáp Thượng 2 cũng được Nhà nước hỗ trợ để xây mới, nâng cấp nhà văn hóa thôn.
Nhà văn hóa thôn Giáp Thượng 2, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng được xây dựng với sự chung sức của người dân
Ông Nguyễn Văn Cương, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Giáp Thượng 2 cho biết: Để xây dựng mới nhà văn hóa, thôn được Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng, còn lại bà con đóng góp. Tuy nhiên, thay vì xây dựng nhà văn hóa thôn theo kiểu “cho có”, cho đủ tiêu chí, thôn đã họp bàn và thống nhất sẽ xây dựng nhà văn hóa thôn khang trang, rộng rãi, đủ đáp ứng tất cả các hoạt động chung của thôn.
Muốn làm to, làm đẹp, thuận tiện trong sử dụng lâu dài đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, ước tính sơ bộ khoảng hơn 1 tỷ đồng. Chính vì vậy, thôn bắt tay vào việc giải bài toán kinh phí. Trước tiên, các đảng viên trong chi bộ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đến từng hộ dân về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nhà văn hóa thôn. Công tác tuyên truyền được tổ chức thông qua các cuộc họp, sinh hoạt của thôn; thậm chí đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động.
Anh Nguyễn Văn Bằng, thôn Giáp Thượng 2 cho biết: Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, bản thân tôi cũng như người dân trong thôn hiểu và tích cực chung tay, góp sức để thực hiện.
Cụ thể, mỗi người dân trong thôn đã đóng góp gần 8 triệu đồng để chung sức xây dựng nhà văn hóa thôn. Tuy nhiên, do các hộ dân có điều kiện kinh tế khác nhau, vì vậy thôn chia số tiền đóng góp thành từng đợt. Hộ nào có điều kiện thì đóng góp luôn 1 đợt. Hộ chưa có điều kiện thì đóng góp thành 2 – 3 đợt trong năm (sau các vụ thu hoạch nông sản).
Ngoài sự đóng góp của bà con trong thôn, để có thêm nguồn lực, đại diện thôn Giáp Thượng 2 đã có thư ngỏ gửi bà con trong thôn đi làm ăn xa để kêu gọi ủng hộ xây dựng nhà văn hóa. Từ việc làm cụ thể như vậy, thôn đã huy động được thêm 50 triệu đồng và một số vật liệu để xây dựng nhà văn hóa.
Với quyết tâm và cách làm bài bản, toàn thôn đã huy động được 1,12 tỷ đồng, cộng với nguồn lực hỗ trợ 80 triệu đồng của Nhà nước để xây dựng nhà văn hóa. Đến tháng 11/2020, nhà văn hóa thôn được hoàn thành với diện tích 315 m2 (tổng diện tích trong khuôn viên nhà văn hóa là 3.200 m2), là một trong những nhà văn hóa thôn lớn nhất trên địa bàn tỉnh, đáp ứng trên 300 chỗ ngồi với cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa được đảm bảo.
Sự đồng lòng và cách làm hiệu quả của thôn Giáp Thượng 2 đã lan tỏa phong trào xây dựng NTM trên địa bàn xã Y Tịch, người dân các thôn khác cũng tích cực đóng góp công sức, tiền của để xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa thôn với tổng số tiền đóng góp trị giá hơn 2 tỷ đồng. Nhà văn hóa thôn được xây dựng đảm bảo tiêu chí đã góp phần quan trọng giúp xã Y Tịch hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới năm 2020.
“Với quyết tâm cao, cộng với những giải pháp cụ thể, phù hợp thực tiễn, thôn Giáp Thượng 2, xã Y Tịch là thôn huy động sức dân lớn nhất trên địa bàn tỉnh để xây dựng nhà văn hóa thôn và trở thành điểm sáng để các thôn khác học tập”. Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh |
Ý kiến ()