Huy động nỗ lực của cộng đồng phòng ngừa hiểm họa ma túy
Số người tái nghiện sau khi cai nghiện ma túy bắt buộc đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao (70-80%). Để việc hỗ trợ cho người nghiện ma túy cai nghiện có hiệu quả cần sự hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng.
Chăm sóc, điều trị cắt cơn tại một trung tâm cai nghiện ma túy tự nguyện. Ảnh: Báo Bảo vệ pháp luật |
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm “Hiểm họa ma túy và hành động của chúng ta” do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức ngày 14/6.
Tỉ lệ tái nghiện còn cao
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, tình hình sử dụng, lạm dụng ma tuý ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng. Con số thống kê được là hơn 210.000 người sử dụng ma túy. Tuy nhiên, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Hiện có tới 70% số xã trong cả nước có người nghiện, 100% tỉnh, huyện có người nghiện. Số người nghiện không ngừng gia tăng bình quân năm sau cao hơn năm trước khoảng 6-8%. Nhiều loại ma túy mới được đưa vào sử dụng như ATS, cỏ Mỹ, tem cười…
Đáng chú ý, theo nghiên cứu của SCDI, độ tuổi sử dụng ma túy ở 3 thành phố lớn Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng rất trẻ. Tính trung bình tại Hà Nội và Hải Phòng, tuổi bắt đầu sử dụng là 16, TPHCM là 17. Người nghiện chủ yếu dưới 35 tuổi, lực lượng lao động chính ở các gia đình, có 8% người nghiện ở tuổi vị thành niên, học sinh.
Một vấn đề đặt ra đó là tỷ lệ tái nghiện sau khi cai nghiện vẫn ở mức cao. Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Đức Hiền cho biết, số người tái nghiện sau khi cai nghiện bắt buộc đã giảm nhưng vẫn ở mức cao (70-80%). Nguyên nhân tái nghiện là do cai nghiện chưa bảo đảm quy trình. Người sau khi cai nghiện trở về cộng đồng không được nhận hỗ trợ, giúp đỡ nên dễ nghiện lại.
Nghiên cứu của SCDI ở 3 thành phố lớn cho thấy, có tới hơn 20% người nghiện bị chính gia đình mình kỳ thị; hơn 40% cảm thấy bị coi thường; 65,9% người nghiện lo sợ phản ứng của mọi người nếu biết mình sử dụng ma túy; 67,8% cho rằng nếu không sử dụng ma túy sẽ có cơ hội tốt hơn, nhưng tỉ lệ người nghiện đi điều trị lại rất thấp ở Hà Nội là 7,1%, TPHCM gần 20%, Hải Phòng 10,1%.
Huy động sự tham gia của cộng đồng
Khẳng định nghiện ma túy là một bệnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Lê Văn Khánh cho rằng, có thể điều trị được, nhưng phải thực hiện đồng bộ giữa cơ sở cai nghiện, gia đình và toàn xã hội, và có phương pháp phù hợp với nhu cầu từng người nghiện để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, giảm tác hại liên quan đến ma túy.
Theo ông Lê Văn Khánh, thời gian hòa nhập cộng đồng càng dài, tỉ lệ tái nghiện càng cao. Theo báo cáo của Hà Nội, tỉ lệ tái nghiện sau 6 tháng, 1 năm, 3 năm ngày càng tăng. “Nên thành lập cơ quan chuyên môn chuyên cai nghiện ma túy, chứ không phải giao cho chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm như hiện nay”, ông Lê Văn Khánh đề xuất.
Để việc hỗ trợ cho người nghiện ma túy cai nghiện có hiệu quả, cần bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực. Đặc biệt, cần đổi mới cách nhìn nhận, quan điểm đối với những người sử dụng ma túy; đổi mới cách tiếp cận để hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện; phân biệt rõ người sử dụng, lạm dụng và người nghiện, thực hiện các biện pháp tuyên truyền phòng, chống tác hại của ma túy trên nền tảng căn bản, có chọn lọc.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()