Mười năm qua, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn vùng đạt 11,7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng lĩnh vực dịch vụ, thương mại, công nghiệp ngày càng tăng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2001, bằng 95% thu nhập bình quân cả nước. Toàn vùng đã huy động 627 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, trong đó vốn từ doanh nghiệp, vốn xã hội hóa chiếm tỷ lệ gần 80%. Nhờ vậy, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, công nghiệp, giáo dục – đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Sản lượng lúa tăng từ 16 triệu tấn năm 2001 lên 21 triệu tấn năm 2010; thủy sản từ 400 nghìn tấn tăng lên hai triệu tấn; thu nhập mỗi ha 38 triệu đồng/năm; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng bình quân hơn 20%/năm; công nghiệp tăng bình quân hơn 18%/năm, với giá trị sản xuất hơn 156 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, kinh tế vùng ĐBSCL phát triển chưa bền vững, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, chưa tương xứng tiềm năng của vùng; cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi giáo dục – đào tạo, dạy nghề, phát triển văn hóa xã hội còn thấp hơn so với các vùng miền khác; đời sống một bộ phận dân cư vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn… Nguyên nhân do xuất phát điểm hạ tầng kinh tế – xã hội thấp; năng lực và trình độ quản lý điều hành nền kinh tế còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; việc quán triệt Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị chưa sâu; một số bộ, ngành địa phương chưa thường xuyên quan tâm, thiếu giải pháp cụ thể tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình phát triển; nguồn lực đầu tư cho toàn vùng chưa tương xứng; quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng còn chậm…
Giai đoạn 2011-2020, vùng ĐBSCL phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 12 đến 13%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 khoảng 50 triệu đồng, đến năm 2020 đạt khoảng 70 triệu đồng.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: Thời gian tới, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, đô thị, nông thôn; hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù vùng. Các tỉnh, thành phố cần chủ động xây dựng liên kết vùng để ĐBSCL liên kết với các vùng, miền của cả nước và khu vực. Trong đó, TP Cần Thơ phát triển toàn diện, trở thành trung tâm kinh tế – văn hóa, khoa học kỹ thuật, tạo động lực cho vùng. Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần chủ động, sáng tạo trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ở mỗi tỉnh, thành phố và của vùng; xây dựng các mô hình sản xuất, dịch vụ để liên kết kêu gọi đầu tư; tập trung xây dựng nông thôn mới để chia sẻ gánh nặng cho thành thị, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa thành thị và nông thôn.
Dịp này, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã trao Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Độc lập, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng các cá nhân, đơn vị có nhiều đóng góp trong thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị.
Ý kiến ()