Huy động nguồn lực xã hội bảo vệ, phát triển rừng
Ngày 14-1-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 5/2008/NÐ-CP về Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng, sau đó ngày 24-9-2010 ban hành Nghị định số 99/2010/NÐ-CP về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ðến nay, sau một thời gian triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ, nhằm huy động cao nhất nguồn lực đầu tư xã hội cho bảo vệ và phát triển rừng.
Ngày 14-1-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 5/2008/NÐ-CP về Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng, sau đó ngày 24-9-2010 ban hành Nghị định số 99/2010/NÐ-CP về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ðến nay, sau một thời gian triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ, nhằm huy động cao nhất nguồn lực đầu tư xã hội cho bảo vệ và phát triển rừng.
Hiệu quả bước đầu
Ðể tìm hiểu về hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) chúng tôi lên Yên Bái, một tỉnh miền núi phía bắc, nơi có hơn 250 nghìn ha rừng nằm trong lưu vực có cung cấp DVMTR, bao gồm 160 nghìn ha rừng tự nhiên và gần 90 nghìn ha rừng trồng, đồng thời cũng là địa phương có lưu vực của ba con sông Hồng, sông Ðà và sông Chảy đi qua, nên dự báo có nhiều tiềm năng về nguồn thu DVMTR từ các nhà máy thủy điện trên địa bàn và trong lưu vực liên tỉnh.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Yên Bái Kiều Tư Giang cho biết: Ðể bảo đảm cho việc chi trả tiền DVMTR đúng đối tượng, cùng với việc thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh Yên Bái còn thành lập Ban chi trả tiền DVMTR trên địa bàn các huyện, xã. Ðồng thời tổ chức điều tra, xác định một cách chi tiết diện tích rừng trong lưu vực có cung cấp DVMTR, các đối tượng phải chi trả, cũng như được chi trả tiền DVMTR. Theo đó, toàn tỉnh có 22 chủ rừng là các tổ chức, doanh nghiệp quản lý hơn 114 nghìn ha; hơn 24.300 chủ rừng là cộng đồng dân cư, nhóm hộ và hộ gia đình cá nhân quản lý hơn 45 nghìn ha, còn lại khoảng 90 nghìn ha rừng chưa có chủ quản cụ thể được giao cho UBND tám huyện quản lý. Về đối tượng sử dụng DVMTR, chưa kể nguồn thu từ các Nhà máy thủy điện Thác Bà, Hòa Bình và Sơn La do Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Trung ương điều tiết, toàn tỉnh còn có 23 dự án, với 28 nhà máy thủy điện đã hoạt động, đang xây dựng và đã được UBND tỉnh chấp nhận chủ trương, cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng công suất phát điện hàng trăm triệu kW giờ mỗi năm. Ðây chính là nguồn thu DVMTR chủ yếu của tỉnh.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Tư Giang, đến thời điểm này, mới có 17 nhà máy thủy điện được các chủ đầu tư thực hiện, trong đó có bảy nhà máy đã phát điện, với tổng sản lượng điện ước đạt gần 340 triệu kWh/năm; các nhà máy dự kiến phát điện năm nay là Văn Chấn, Ngòi Hút II và Trạm Tấu, nhưng hiện đều chậm tiến độ. Ngoài ra còn có bảy nhà máy thủy điện khác có tổng công suất thiết kế gần 60 MW mà theo báo cáo của chủ đầu tư sẽ phấn đấu hoàn thành đưa vào phát điện giai đoạn từ năm 2014-2015… trở đi. Do đó đến hết năm 2012 quỹ mới ký được sáu hợp đồng ủy thác DVMTR với các doanh nghiệp sản xuất thủy điện và kinh doanh nước sạch và tổng số tiền thu được trong hai năm 2011-2012 là hơn 26 tỷ 225 triệu đồng (trong đó có 26 tỷ do quỹ trung ương trực tiếp thu và chuyển tạm ứng cho quỹ). Quỹ tạm chi trả cho các đối tượng có cung ứng DVMTR hơn 12 tỷ 333 triệu đồng.
Chia sẻ niềm vui khi được nhận tiền DVMTR, anh Hàng A Trống ở bản Háng Cuốn Rùa, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải cho chúng tôi biết, cả bản có 30 hộ người Mông nhận khoán bảo vệ hơn 286 ha rừng thông, hằng năm ngoài tiền chương trình Nhà nước hỗ trợ bảo vệ rừng, 190 nghìn đồng/ha, vừa rồi có thêm thu nhập từ tiền DVMTR hơn 320 nghìn đồng/ha, nên đồng bào phấn khởi lắm. Còn theo Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải Trần Văn Lịch: Nhờ có tiền hỗ trợ bảo vệ rừng, đời sống của nhiều hộ dân đã từng bước được cải thiện, thêm gắn bó với rừng, số vụ cháy rừng đã giảm từ năm vụ (năm 2011) xuống chỉ còn hai vụ (năm 2012), còn từ đầu mùa khô đến nay chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.
Mặc dù việc chi trả DVMTR ở Yên Bái chưa được như mong muốn, nhưng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Nguyên, bước đầu đã hạn chế tình trạng chặt phá, cháy rừng, nâng độ che phủ rừng của tỉnh hiện nay đạt 60%.
Còn nhiều bất cập
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Yên Bái chỉ là một trong số hơn 20 địa phương đã thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng và triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR, với tổng thu của các quỹ lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong đó các tỉnh ký được nhiều hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR là Lâm Ðồng (40 hợp đồng), Lào Cai (19 hợp đồng), Quảng Nam, Ðác Nông,… Tuy nhiên bên cạnh những mặt được, quá trình triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR bộc lộ nhiều khó khăn bất cập.
Một là, các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương ban hành chưa kịp thời và đồng bộ. Ngay năm 2012 vừa qua, vẫn còn hai thông tư phải ban hành ngay, đó là Thông tư hướng dẫn cơ chế quản lý sử dụng tiền chi trả DVMTR và Thông tư hướng dẫn nguyên tắc và phương pháp xác định diện tích rừng trong lưu vực phục vụ chi trả DVMTR, nhằm giúp các địa phương có cơ sở giải ngân đến chủ rừng, nhưng chưa được ban hành kịp thời. Do đó, hầu hết các tỉnh chưa hoàn thành việc xác định diện tích rừng đến từng chủ rừng và chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế quản lý sử dụng tiền DVMTR, cho nên tiến độ giải ngân thanh toán tiền DVMTR đến các chủ rừng rất chậm, chủ yếu vẫn là tạm ứng! Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, đến cuối năm 2012, cả nước mới giải ngân được gần 110 tỷ đồng, trên tổng số gần 600 tỷ đồng thu được trong kỳ từ DVMTR, chiếm 17,83%.
Hai là, các địa phương chậm thành lập và đưa Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng vào hoạt động. Nghị định 05 được ban hành từ năm 2008, nhưng đến đầu năm 2012, cả nước mới có chín địa phương thành lập quỹ và đến nay sau năm năm Nghị định được ban hành, mới có hơn 25 quỹ hoạt động, chủ yếu tập trung tại một số khu vực có tiềm năng về thủy điện như Tây Bắc, Tây Nguyên và miền trung. Hiện vẫn còn nhiều địa phương có rừng đứng ngoài cuộc. Chưa kể một số tỉnh đã thành lập quỹ, nhưng “năm cha ba mẹ” với sự tham gia của đủ các ban, ngành từ UBND tỉnh, đến các sở: Nông nghiệp, Tài chính, Kế hoạch, Kho bạc, Cục thuế và Chi cục Lâm nghiệp… Do hoạt động kiêm nhiệm vì vậy khi đi vào vận hành thiếu cán bộ có đủ năng lực, trình độ để xây dựng các kế hoạch, cụ thể hóa chính sách cho phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.
Ba là, công tác triển khai ký hợp đồng ủy thác, kê khai, thu nộp DVMTR ở các quỹ khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp không thuộc địa phương quản lý. Một số doanh nghiệp viện dẫn nhiều lý do để chậm nộp, hoặc chưa thực hiện chi trả tiền ủy thác DVMTR. Thậm chí có doanh nghiệp còn cho rằng đã nộp thuế tài nguyên nước, trách nhiệm trả tiền DVMTR thuộc người mua điện! Thí dụ như tại Yên Bái, ngoài Nhà máy thủy điện Văn Chấn, công suất 57 MW mặc dù đã ký hợp đồng ủy thác DVMTR với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Yên Bái từ năm 2012, nhưng do công trình bị chậm tiến độ, đến nay đã hết quý I-2013 nhà máy này vẫn chưa thể phát điện cho nên Quỹ chưa thu được tiền sử dụng DVMTR của doanh nghiệp này. Bốn nhà máy thủy điện khác là Mường Kim, Nậm Ðông III, IV và Hồ Bốn đến nay chưa ký hợp đồng ủy thác với quỹ, mặc dù trong số này có những nhà máy đã đi vào hoạt động từ năm 2008.
Cần giải pháp đồng bộ
Chi trả DVMTR là một chủ trương lớn, một chính sách mới của Ðảng, Chính phủ nhằm bảo vệ và phát triển rừng. Ðể khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, theo chúng tôi cần có sự vào cuộc kịp thời, đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương để sớm xây dựng, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn thi hành Nghị định 05 và Nghị định 99 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện của các bộ, ngành.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngoài một số việc “cần làm ngay” như ban hành các thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR; nguyên tắc và phương pháp xác định diện tích rừng trong lưu vực của từng địa phương, cũng như số liệu diện tích rừng trong 19 lưu vực liên tỉnh… cần lưu ý một số nguồn thu khác theo quy định của Nghị định 05 và 99 chưa được triển khai thực hiện, như: nguồn thu liên quan dịch vụ hấp thụ các-bon; mức thu, đối tượng thu và cơ chế quản lý sử dụng đối với dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn trong nuôi trồng thủy sản có sử dụng nguồn nước từ rừng… để tăng nguồn thu cho phát triển rừng.
Theo tính toán của Tổng cục Lâm nghiệp nguồn thu DVMTR từ thủy điện rất lớn, mỗi năm có thể đạt cả nghìn tỷ đồng. Riêng năm nay, chưa kể thủy điện nhỏ, khả năng thu từ các nhà máy thủy điện có thể đạt gần 800 tỷ đồng. Nếu so sánh với số tiền hơn 1.200 tỷ đồng là nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư cho ngành lâm nghiệp năm 2012 thì số thu này quả là không nhỏ. Vì vậy với trách nhiệm quản lý ngành, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam cần khẩn trương chỉ đạo các công ty mua bán điện, ký lại hợp đồng với các doanh nghiệp sản xuất thủy điện nhằm bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp trong việc hạch toán sản xuất kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ chi trả DVMTR đã được kết cấu trong giá bán điện theo các Thông tư mà Bộ Công thương đã ban hành, đồng thời chuyển số tiền DVMTR các năm 2011, 2012 để các doanh nghiệp này chi trả ủy thác cho các quỹ.
Về phía các địa phương có rừng, cần triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách chi trả DVMTR, trong đó tập trung vào việc kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động của các quỹ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách chi trả DVMTR trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện. Nhất là các đơn vị, doanh nghiệp thủy điện, nước sinh hoạt cần phối hợp chặt chẽ với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng trong việc ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR.
Các Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cần tăng cường kiểm tra, giám sát kế hoạch thu, chi DVMTR đối với các đối tượng sử dụng DVMTR và các chủ rừng, bảo đảm sự công khai, minh bạch, không để tồn đọng vốn tại quỹ. Chủ động đề xuất chế tài xử lý đối với các đơn vị có sử dụng DVMTR nhưng chưa nộp, hoặc chậm nộp tiền ủy thác chi trả DVMTR, vừa bảo đảm sự công bằng trong việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR, vừa góp phần huy động nguồn lực đầu tư xã hội cho bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải kiểm tra PCCC rừng.
Nhandan
Ý kiến ()