Ngay sau cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh hồi tháng 2/2012, các tổ chức, đoàn thể đã có sự vào cuộc tích cực hơn. Hàng loạt các chương trình được triển khai, kết quả cụ thể là đã có rất nhiều ngôi nhà bán trú được xây dựng ở vùng sâu vùng xa thông qua chương trình của Tỉnh đoàn thanh niên; hàng vạn người dân có nhu cầu được tạo điều kiện vay vốn xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất thông qua các kênh của Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh… Cách đây hơn 1 năm, nhiều địa phương còn băn khoăn về huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Nhưng giờ, những băn khoăn, nghi ngại ấy đã qua đi. Cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng các doanh nghiệp đang tạo ra một nguồn lực tổng hợp làm nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng nông thôn mới.
LSO-Trong thời gian qua, ngoài việc nhà nước tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhân dân Lạng Sơn, cộng đồng các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn đã có rất nhiều đóng góp, tạo nên nguồn lực tổng hợp để xây dựng nông thôn mới.
Chương trình 135 hỗ trợ giống chuối mới cho nhân dân
xã Tân Liên (Cao Lộc) phát triển sản xuất
Ngay từ đầu vụ đông xuân năm nay, mối liên kết giữa doanh nghiệp với nhà nông bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, liên kết, hợp tác với người nông dân để hình thành nên những vùng sản xuất nông sản tập trung. Điển hình có thể kể đến mô hình trồng cà chua bi của Công ty Cổ phần Thương mại Á Châu (thành phố Lạng Sơn) ở các huyện Văn Quan, Tràng Định. Ngay sau đó, mô hình liên kết được mở rộng tới địa bàn huyện Hữu Lũng với tổng diện tích 70ha. Theo ông Hoàng Trung Hiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, kế hoạch của Công ty là đến năm 2015, diện tích trồng cà chua bi sẽ nâng lên khoảng 500ha trên địa bàn của 8 huyện trong tỉnh. Đồng thời khi diện tích tăng lên khoảng 100ha, Công ty sẽ chuyển từ xuất bán sản phẩm thô sang xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Cũng trong thời gian đó, huyện Chi Lăng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở Hải Phòng đầu tư hàng trăm triệu đồng để triển khai sản xuất ớt xuất khẩu với quy mô ban đầu gần 100ha. Cũng là sản xuất ớt xuất khẩu, từ vụ xuân vừa qua, Công ty Cổ phần thương mại Phú Lâm (thành phố Lạng Sơn) đã đầu tư liên kết sản xuất với nhân dân 2 xã Minh Tiến và Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng. Sau hiệu quả của vụ thu hoạch đầu tiên, hiện nay diện tích bắt đầu được mở rộng ra các xã Đồng Tân, Cai Kinh, tổng diện tích tăng lên gần 100ha. Bà Mã Thị Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: hướng đi sắp tới của Công ty là tiếp tục liên kết chặt chẽ với người nông dân, phát triển bền vững diện tích hiện đang sản xuất, hướng tới mở rộng quy mô. Ngoài các doanh nghiệp kể trên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh còn có khá nhiều các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết với nông dân phát triển sản xuất. Thực tế, những năm trước đây, việc doanh nghiệp liên kết với nhà nông trên địa bàn tỉnh không phải là chưa có, nhưng hầu hết đều có quy mô nhỏ lẻ và chỉ mang tính chất thời vụ, chưa có tính lâu dài như trong giai đoạn hiện nay. Trong khi các doanh nghiệp đang hướng nguồn lực đầu tư về nông thôn, thì nhân dân các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang phát huy mạnh mẽ nội lực. Nếu như vài năm trước đây, việc hiến đất để xây dựng công trình công cộng còn là chuyện hiếm thì giờ đây gần như đã trở thành phổ biến. Rất nhiều trường mầm non, nhà văn hóa thôn, sân chơi bãi tập, đường giao thông được xây dựng nhờ vào nguồn đất nhân dân tự nguyện đóng góp vì lợi ích chung. Không những thế, việc huy động sức dân làm giao thông, thủy lợi cũng được đẩy mạnh ở các địa phương. Từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Chi Lăng, người dân đã đóng góp được hơn 10 tỷ đồng để củng cố hạ tầng giao thông nông thôn. Ở nhiều địa phương, người dân đã tự nguyện tháo dỡ công trình, hiến đất ruộng để mở rộng mặt đường trục chính như ở Vân Nham, Yên Vượng, huyện Hữu Lũng.
Ngay sau cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh hồi tháng 2/2012, các tổ chức, đoàn thể đã có sự vào cuộc tích cực hơn. Hàng loạt các chương trình được triển khai, kết quả cụ thể là đã có rất nhiều ngôi nhà bán trú được xây dựng ở vùng sâu vùng xa thông qua chương trình của Tỉnh đoàn thanh niên; hàng vạn người dân có nhu cầu được tạo điều kiện vay vốn xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất thông qua các kênh của Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh… Cách đây hơn 1 năm, nhiều địa phương còn băn khoăn về huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Nhưng giờ, những băn khoăn, nghi ngại ấy đã qua đi. Cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng các doanh nghiệp đang tạo ra một nguồn lực tổng hợp làm nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng nông thôn mới.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()