Huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn: Dấu ấn một nhiệm kỳ
(LSO) – Huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn được UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, những năm qua, nguồn lực đóng góp đã tăng rõ rệt, qua đây, hàng nghìn công trình đã được đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả, làm “thay da đổi thịt” vùng nông thôn của tỉnh.
Huyện Chi Lăng là một trong những huyện trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt việc huy động và lồng ghép các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn. Giai đoạn 2016 – 2020, toàn huyện đã huy động được hơn 953 tỷ đồng, trong đó 227 tỷ đồng từ ngân sách nhà nuớc; 653,4 tỷ đồng vốn huy động tín dụng và 72,6 tỷ đồng vốn do Nhân dân đóng góp. Từ nguồn huy động này, 5 năm qua, huyện Chi Lăng có 217 km đường giao thông nông thôn; 37 công trình thủy lợi, 60 km đường điện sinh hoạt và hàng chục công trình hạ tầng thiết yếu khác được đầu tư xây dựng. Ông Linh Văn Phúc, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện cho biết: Chưa bao giờ việc đầu tư hạ tầng giao thông tại khu vực nông thôn được huyện quan tâm đặc biệt như trong giai đoạn 2016 – 2020. Đến nay, 82% đường trục xã, 60% đường trục thôn và 46% đường ngõ xóm ở huyện đã được cứng hóa.
Cứng hóa đường giao thông nông thôn tại xã Y Tịch, huyện Chi Lăng
Tại xã Y Tịch, huyện Chi Lăng (xã được chọn để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020), giai đoạn 2016 – 2020, riêng người dân của xã đã đóng góp 1,6 tỷ đồng và hiến 24.700 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi. Từ nguồn vốn nhà nước cấp và các nguồn ủng hộ, toàn xã đã làm mới được 16 km đường bê tông, đến nay, 100% tuyến đường giao thông từ trung tâm xã đến 8/8 thôn đã được cứng hóa. Xã đã kiên cố hóa được hơn 3,7 km kênh mương, nâng tỷ lệ diện tích gieo trồng chủ động được nguồn nước tưới lên 82,1%.
Tương tự huyện Chi Lăng, trong những năm qua, huyện Bắc Sơn đã huy động tối đa nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2016 – 2020, tổng nguồn lực mà các cấp, ngành của huyện huy động được đạt trên 911 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách Trung ương cấp trên 255 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương trên 66 tỷ đồng, nguồn vốn tín dụng gần 523 tỷ đồng, vốn từ doanh nghiệp trên 9,3 tỷ đồng, từ người dân và cộng đồng gần 58 tỷ. Từ nguồn huy động này, toàn huyện triển khai thực hiện được gần 200 công trình hạ tầng (đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa…) ở khu vực nông thôn. Ông Tô Bắc Thái, Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết: Giai đoạn 2016 – 2020, nguồn lực huy động đầu tư kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn của huyện khởi sắc hơn so với giai đoạn 2011 – 2015. Kết quả này có được là do các cấp, ngành trong huyện đã tích cực chỉ đạo, triển khai các giải pháp huy động vốn từ các nguồn. Trong đó đặc biệt tuyên truyền, huy động nguồn lực từ Nhân dân.
Cùng với 2 huyện trên, công tác huy động nguồn lực để xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực trong toàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Cụ thể, toàn tỉnh huy động được 19.650 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, doanh nghiệp, Nhân dân…, tăng 2,32 lần so với giai đoạn 2011 – 2015. Từ nguồn huy động này, cả tỉnh đã làm mới được 1.669 km đường bê tông, nâng tỷ lệ đường đến trung tâm xã được bê tông hóa đạt 82%, tăng 12,1% so với năm 2015; kiên cố hóa được 1.388 km mương dẫn nước, đảm bảo cung ứng nước tưới cho 36.353 ha. Hệ thống hạ tầng được tăng cường đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn; kích thích kinh tế – xã hội khu vực nông thôn của tỉnh phát triển vượt bậc. Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành những khu vực sản xuất hàng hóa chuyên canh chất lượng cao như: vùng cây ăn quả Chi Lăng, Hữu Lũng; vùng sản xuất rau ở thành phố Lạng Sơn, Cao Lộc; vùng chuyên canh cây hồi huyện Văn Quan. Hạ tầng cơ sở phát triển còn tạo thuận lợi cho Nhân dân lao động, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo (hiện tại, toàn tỉnh chỉ còn 10,89% hộ nghèo).
Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn tiếp theo, việc huy động nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn tiếp tục được các cấp, ngành của tỉnh triển khai, thực hiện có hiệu quả bằng những mục tiêu, giải pháp cụ thể, thiết thực hơn.
Ý kiến ()