Các ý kiến phát biểu tại hội nghị nhất trí cho rằng, Đồ án đã được triển khai theo đúng quy trình, nội dung yêu cầu nghiên cứu. Nội dung Đồ án cơ bản bám sát, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô (VTĐ) Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Hội nghị cũng đã tập trung phân tích, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung lớn của Đồ án. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, trong tổ chức thực hiện quy hoạch cần có sự phân vai, phối hợp chặt chẽ, rõ ràng giữa các bộ, ngành, địa phương; cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là phải bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá, kết cấu hạ tầng Thủ đô Hà Nội đang được phát triển đúng hướng trên nhiều lĩnh vực, hạn chế được nhược điểm của giai đoạn trước, các kết nối đã được tính đến. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp tục cập nhật các số liệu mới cho Đồ án; một số kết cấu hạ tầng giao thông phải bổ sung, nghiên cứu lại…
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, VTĐ đã có quy hoạch từ năm 2008, tiếp đó có quy hoạch về mở rộng VTĐ năm 2011. Tuy nhiên, từ yêu cầu thực tiễn cần phát triển và qua thực tế có những vấn đề nảy sinh cần cập nhật và bổ sung kịp thời và yêu cầu đặt ra là, phải điều chỉnh quy hoạch VTĐ để phát triển nhanh và bền vững trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng VTĐ Hà Nội (BCĐ), các cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện Đồ án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt. Đồng thời lưu lý, khi Đồ án đã được phê duyệt, các địa phương trong vùng cần quan tâm cập nhật, bổ sung, rà soát quy hoạch của địa phương mình gắn với những nội dung quy hoạch trong Đồ án cũng như những quy hoạch chi tiết VTĐ. Thủ tướng yêu cầu BCĐ cần tiếp tục kiện toàn về tổ chức; thực hiện tốt hơn nữa chức năng chỉ đạo, điều phối, tham mưu, tư vấn, phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, xây dựng và phát triển VTĐ. Các địa phương trong vùng tiếp tục quan tâm phát huy nội lực, tiềm năng lợi thế để phát triển, nhất là tiềm năng về đất đai, du lịch. Năng động, sáng tạo trong thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực đầu tư ngoài xã hội, nguồn lực đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân.
Đối với Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình vừa mới được phê duyệt, Thủ tướng lưu ý cần hết sức quan tâm rà soát, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai ở các khu vực ven sông; bảo đảm an toàn đê điều, tránh tình trạng đất đai bị bỏ hoang, lãng phí; quan tâm khôi phục, cải tạo tất cả hệ thống sông, hồ trong vùng bằng nạo vét, khai thông luồng chảy, kè đắp để vừa bảo đảm làm đẹp cảnh quan môi trường, phục vụ phát triển du lịch, vừa bảo đảm chức năng cấp thoát nước, tưới tiêu, giao thông đường thủy.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng kết nối giao thông đường bộ, đường sắt trong VTĐ, bảo đảm giao thông thông suốt, tạo thuận lợi cho giao thương; tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ trong quy hoạch, phát triển, mở rộng các sân bay trong vùng, bảo đảm hiệu quả kinh tế cũng như vấn đề quốc phòng, an ninh. Trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, Thủ tướng yêu cầu cần tính toán, cân nhắc kỹ theo nhu cầu của từng tỉnh và cho cả vùng. Theo đó, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp hiện đại, tập trung; không phát triển các cơ sở công nghiệp theo kiểu bám quốc lộ, tỉnh lộ. Trong quy hoạch phát triển y tế, giáo dục cũng phải rõ ràng, không làm tràn lan, tránh tình trạng ở đâu cũng có khu đại học, tỉnh nào cũng có khu đại học, chỗ nào cũng có trung tâm y tế… gây lãng phí nguồn lực đầu tư; làm tốt công tác quy hoạch nghĩa trang; thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, giữ gìn cảnh quan, sinh thái trong vùng…
Phạm vi VTĐ Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và chín tỉnh chung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang (trong đó Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là ba tỉnh được mở rộng so Quyết định số 490/2008/QĐ-TTg ngày 5-5-2008). Tổng diện tích toàn Vùng khoảng 24.314,7 km2; dân số khoảng 17,6 triệu dân (số liệu năm 2012).
Ý kiến ()