Huy động các nguồn lực, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp và dịch vụ
Ngày 4-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, song kinh tế của tỉnh vẫn duy trì phát triển với tốc độ tăng trưởng khá so với bình quân cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước luôn đứng vào tốp 5 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước. An ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; chủ quyền biên cương, an ninh biên giới được giữ vững. Ðáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều sáng tạo trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; bám sát cơ sở, phát hiện những mâu thuẫn để giải quyết kịp thời những hạn chế, đồng thời tăng cường đối thoại, đẩy mạnh thông tin hai chiều trong công tác lãnh đạo và điều hành…
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận những nỗ lực, phấn đấu cũng như các kết quả đạt được khá toàn diện của tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua, nhất là năm 2013 và năm tháng đầu năm 2014. Thủ tướng hoan nghênh tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức để có những giải pháp khắc phục. Về thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới cả hệ thống chính trị của tỉnh phải vào cuộc với quyết tâm cao nhất thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2014, đóng góp chung vào thắng lợi cho cả nước và tạo tiền đề cho tỉnh Quảng Ninh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2015. Thủ tướng đề nghị, Quảng Ninh tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch; huy động mạnh mẽ các nguồn lực trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Thủ tướng đánh giá cao việc đưa hệ thống Trung tâm hành chính công vào hoạt động có hiệu quả của tỉnh Quảng Ninh, đồng thời lưu ý tỉnh Quảng Ninh cần chú ý đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh công tác xây dựng Ðảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh; triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực; chuyển dịch mạnh hơn nữa lao động từ nông nghiệp sang làm công nghiệp và dịch vụ; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn; thúc đẩy sự nghiệp phát triển văn hóa, y tế, giáo dục.
Ðề cập nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, trước tình hình Biển Ðông hiện nay, Thủ tướng khẳng định, Ðảng và Nhà nước ta luôn nhất quán và giữ vững quan điểm lập trường trong quan hệ ngoại giao. Chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng mọi biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có đấu tranh bằng biện pháp ngoại giao, đấu tranh trên thực địa và đấu tranh bằng dư luận, công khai với dư luận quốc tế về những hành vi sai trái, ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Ðông. Ðối với Quảng Ninh, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục giữ quan hệ hợp tác láng giềng, thiện chí, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hai bên cùng có lợi.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh liên quan một số dự án phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
* Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác đã đến thăm và kiểm tra tiến độ thi công đóng tàu kiểm ngư KN 781 tại Công ty TNHH một thành viên Ðóng tàu Hạ Long thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC). Sau khi đi thị sát, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên công ty đã vượt qua mọi khó khăn, thi công đóng mới các tàu kiểm ngư nhanh, đạt chất lượng theo yêu cầu; Thủ tướng lưu ý, về trình độ, năng lực đóng tàu của chúng ta phát triển khá nhanh, mạnh, vì vậy cần tiếp tục phát huy, phát triển ngành đóng tàu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nếu ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam được quan tâm, quản lý tốt thì không chỉ phát triển như hiện nay mà còn mang tầm cỡ quốc tế. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu SBIC tiếp tục đẩy mạnh việc tái cơ cấu sản xuất gắn với việc rút kinh nghiệm và thắt chặt trong công tác quản lý, đầu tư, tài chính…, bảo đảm sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Về chủ trương đóng tàu vỏ sắt thay cho tàu gỗ để bảo đảm an toàn cho ngư dân, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần thảo luận và đưa ra mô hình để ngư dân thấy được hiệu quả và tự nguyện chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ sắt; xây dựng thí điểm cơ chế tài chính để người dân được vay vốn đóng tàu với lãi suất 3%/năm trong 10 năm; Nhà nước hỗ trợ 70% tiền mua bảo hiểm cho tàu và các trang, thiết bị.
Theo Nhandan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()