Huy động các nguồn lực cho kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa đem lại hiệu quả kinh tế. Để kinh tế tuần hoàn phát huy hết giá trị mang lại, cần nỗ lực hơn nữa trong việc hoàn thiện về cơ chế, chính sách, nhất là kiến tạo các nguồn lực phục vụ cho quá trình phát triển này.
Chuỗi sản xuất tuần hoàn tại Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn TH. (Ảnh THÀNH ĐẠT) |
Gần 40 năm qua, phát triển dựa vào các nguồn tài nguyên, lao động giá rẻ đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về kinh tế-xã hội. Nhưng cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu.
Xu thế tất yếu
Phát triển kinh tế tuần hoàn, xây dựng nền kinh tế xanh là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm phát triển bền vững đất nước. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy định kinh tế tuần hoàn là “mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.
Mới đây, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, trong đó nêu rõ: “Chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” và “cần bảo đảm khẩn trương, thực chất, hiệu quả, khả thi, có kế thừa những thực tiễn tốt ở các nước và trong nước… thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước”…
Các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Vinamilk, TH Group, Nestlé Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam, Heineken Việt Nam, Unilever Việt Nam… đã xây dựng và triển khai các quy trình tái chế, tái sử dụng, mô hình kinh doanh tuần hoàn hoặc theo hướng tuần hoàn và bước đầu thu được một số kết quả tích cực. Như Heineken Việt Nam đã ứng dụng mô hình RESOLVE (tái tạo, chia sẻ, tối ưu hóa, tái sử dụng, số hóa và chuyển đổi).
Tại nhà máy, phụ phẩm bã bia sau quá trình sản xuất được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc; nước thải được xử lý triệt để có thể tưới cây hoặc nuôi cá. Đối với năng lượng sử dụng trong nhà máy, vỏ trấu, mùn cưa được xử lý để tạo ra nhiên liệu sinh khối; các loại bao bì được thu gom để tái sử dụng, nắp chai được xử lý thành thép… Kết quả là 5 trong số 6 nhà máy của Heineken Việt Nam hiện đang sử dụng năng lượng nhiệt tái tạo, không phát thải các-bon; sử dụng xe tải đạt chuẩn và tận dụng vận chuyển bằng xe lửa giúp giảm 2.000 tấn khí thải CO2; chuyển sang lắp đặt 100% tủ lạnh xanh thân thiện với môi trường…
Nói về những lợi ích mang lại khi tham gia “Sáng kiến hợp tác công-tư trong xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn quản lý rác thải nhựa” (PPC), bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam cho biết: Năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số doanh nghiệp đã tiên phong ký PPC nhằm quản lý vòng đời sản phẩm và nâng cao nguồn cung nguyên liệu bền vững, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trên quy mô toàn quốc.
Unilever đã tích cực thúc đẩy các sáng kiến để cải thiện vật liệu bao bì phù hợp với kinh tế tuần hoàn. Đến nay, Unilever Việt Nam đã đạt 63% số bao bì có khả năng tái chế hoặc dễ dàng phân hủy, đồng thời cắt giảm 52% lượng nhựa tái sinh trong sản xuất bao bì nhờ vào việc cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái chế. Đến nay PPC đã có gần 30 thành viên từ các thành phần khác nhau trong vòng tuần hoàn nhựa. Ba năm qua, PPC đã thu gom và tái chế được 25 nghìn tấn rác thải nhựa đưa vào phục vụ đời sống.
Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Nguyễn Hoa Cương cho biết: Nhận thức và sự quan tâm của toàn xã hội với kinh tế tuần hoàn đã và đang ngày càng gia tăng, xét cả theo chiều rộng và chiều sâu. Nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực sang việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm lãng phí tài nguyên. Các doanh nghiệp Việt Nam ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, dựa trên các đặc điểm ngành đã thiết kế các quy định tái chế, tái sử dụng, mô hình kinh doanh tuần hoàn hoặc các hoạt động sản xuất bước đầu tiếp cận mô hình kinh doanh tuần hoàn…
Bà Ramla Khanlidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng: Việc chuyển đổi tuần hoàn là phương pháp đầy hứa hẹn để nâng cao nguồn nhân lực, tái cơ cấu thị trường lao động theo hướng giảm lực lượng chi phí thấp, tay nghề thấp. Tại Việt Nam, thay vì các hoạt động kinh tế tiêu thụ nhiều tài nguyên và nguy cơ ô nhiễm cao trước đây, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra các chuỗi giá trị tăng mới, hiệu quả cao, hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện các cam kết về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trung hòa các-bon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Kiến tạo các nguồn lực cho kinh tế tuần hoàn
Mặc dù đã thu được những kết quả bước đầu trong việc xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (năm 2022) thực hiện đối với 500 doanh nghiệp cho thấy: Tỷ lệ các doanh nghiệp được nhận một trong các hình thức hỗ trợ như: tín dụng, lãi suất, khoa học-công nghệ, đào tạo, thị trường, mặt bằng sản xuất… là khá thấp, chỉ chiếm từ 2% đến 15% tùy theo từng hình thức hỗ trợ.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-tiền tệ Quốc gia cho biết: Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2021, Việt Nam cần đầu tư khoảng gần 370 tỷ USD (tương đương 6,8% GDP/năm) giai đoạn 2022-2040 để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, với lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó 35% từ ngân sách, 65% từ nguồn tư nhân trong và ngoài nước.
Vì vậy, để có nguồn lực tài chính, Việt Nam cần xây dựng và thực thi các cơ chế chính sách huy động nguồn lực tài chính cho kinh tế tuần hoàn, trong đó sớm ban hành Quy định về tài chính cho phát triển kinh tế tuần hoàn; đồng thời tích cực tham gia đàm phán, thu hút nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác để tài trợ cho các dự án kinh tế tuần hoàn. Đối với các doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến và tái chế sản phẩm đã qua sử dụng; xây dựng phương án huy động các nguồn lực tài chính khả thi cho phát triển dự án kinh tế tuần hoàn của đơn vị mình.
Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) Đỗ Thanh Sơn cho biết: Hiện VietinBank đã dành nguồn lực lớn (gần 550 nghìn tỷ đồng, chiếm 40% tổng danh mục cho vay) để tài trợ cho các lĩnh vực tiềm năng của mô hình kinh tế tuần hoàn như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, giao thông vận tải, quản lý chất thải…
Ngoài ra, VietinBank tiếp tục cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để tư vấn và giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm tài chính bền vững, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; sẵn sàng là cầu nối giữa các bên liên quan, các cơ quan quản lý, tổ chức tài chính trong và ngoài nước và các doanh nghiệp để kết nối cơ hội hợp tác trong tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, đối với một quốc gia như Việt Nam để thực hiện kinh tế tuần hoàn chứa đựng cả những cơ hội và thách thức. Do vậy, để phát triển kinh tế tuần hoàn hiệu quả, bền vững cần phải có những nỗ lực từ các cơ quan Chính phủ, các tổ chức, cá nhân nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng đồng bộ.
Việt Nam cần sớm ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn” nhằm lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên để đầu tư; lồng ghép tư duy kinh tế tuần hoàn để hoàn thiện các quy định khác có liên quan như: pháp luật về đầu tư công để hướng đến thúc đẩy mua sắm công xanh; pháp luật về thuế, phí bảo vệ môi trường để hướng đến điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường…
Đặc biệt, cần phát huy hơn nữa vai trò của Chính phủ trong điều hành, hoạch định chính sách, nhất là “kiến tạo” các nguồn lực như: tài chính, nghiên cứu, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nguồn lực, cung cấp nền tảng thông tin, dữ liệu về kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp trong nước.
Nguồn: https://nhandan.vn/huy-dong-cac-nguon-luc-cho-kinh-te-tuan-hoan-post787908.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()