Huy động các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa, lũ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, lũ trên sông tại các tỉnh miền trung đã giảm, chỉ còn ở mức báo động 1, 2. Dự báo, lũ trên các sông các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên tiếp tục xuống, riêng hạ lưu sông Ba sẽ lên lại (do xả lũ của hồ thủy điện sông Ba Hạ). Tại Củng Sơn ở mức 31,1m, dưới báo động (BÐ)2: 0,9m, tại Phú Lâm 2,3m, dưới BÐ2: 0,4m, sau đó xuống. Hôm nay (19-11), lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên xuống mức BÐ1, riêng các sông ở Thừa Thiên - Huế, sông Vệ (Quảng Ngãi), sông Kôn (Bình Ðịnh), hạ lưu sông Ba (Phú Yên) còn trên mức BÐ1. Cần đề phòng sạt lở đất tại các vùng ven sông.
* Mưa, lũ làm 40 người chết và mất tích, 20 người bị thương
* Lũ trên sông tại các tỉnh miền trung đã giảm, đề phòng sạt lở đất
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, lũ trên sông tại các tỉnh miền trung đã giảm, chỉ còn ở mức báo động 1, 2. Dự báo, lũ trên các sông các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Phú Yên tiếp tục xuống, riêng hạ lưu sông Ba sẽ lên lại (do xả lũ của hồ thủy điện sông Ba Hạ). Tại Củng Sơn ở mức 31,1m, dưới báo động (BÐ)2: 0,9m, tại Phú Lâm 2,3m, dưới BÐ2: 0,4m, sau đó xuống. Hôm nay (19-11), lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên xuống mức BÐ1, riêng các sông ở Thừa Thiên – Huế, sông Vệ (Quảng Ngãi), sông Kôn (Bình Ðịnh), hạ lưu sông Ba (Phú Yên) còn trên mức BÐ1. Cần đề phòng sạt lở đất tại các vùng ven sông.
Theo Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, đợt mưa, lũ vừa qua tại các tỉnh Thừa Thiên – Huế, TP Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai đã làm 40 người chết và mất tích, 20 người bị thương. Mưa lũ cũng làm hơn 243 nghìn nhà bị ngập, tốc mái, hư hỏng, sập, đổ, cuốn trôi; gần 3.000 ha lúa và hoa màu bị hư hại; hơn 100 ha ao cá, tôm cua bị ngập, hư hại; 14 tàu, thuyền bị lật, chìm, gặp sự cố; gần 120 nghìn m3 đất, đá, bê-tông sạt, trôi, bồi lấp; 9.520 m đê, kè bị hư hỏng và cuốn trôi; 148.850 m kênh, mương bị hư hỏng, cuốn trôi; 48 cột điện bị nghiêng, đổ; 783.785 m3 đường giao thông bị sạt lở, vùi lấp. Các địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống người dân và khôi phục sản xuất.
Theo Trung tâm PCLB khu vực miền trung và Tây Nguyên, các hồ chứa lớn đều đạt hơn 80% dung tích thiết kế và đang vận hành theo đúng quy trình. Ðặc biệt có một số hồ đang có mực nước cao, như Phú Ninh, Vĩnh Trinh, Thạch Bàn, Khe Tân thuộc tỉnh Quảng Nam; Núi Ngang (Quảng Ngãi); Thuận Ninh, Ðịnh Bình, thuộc tỉnh Bình Ðịnh. Các hồ thủy điện trên địa bàn cũng giảm lượng xả.
Ðến nay, TP Ðà Nẵng vẫn còn 19/56 xã, phường bị ngập; trong đó 30 thôn bị ngập hoàn toàn, 35 thôn bị ngập một phần. Còn tại các huyện Ðiện Bàn, Ðại Lộc, Duy Xuyên và TP Hội An (Quảng Nam) cũng bị ngập trên diện rộng. Hiện nay không còn nhà bị ngập, các tuyến giao thông chính đã trở lại bình thường.
Theo UBND huyện Ðiện Bàn (Quảng Nam), trưa 18-11 người dân đã tìm thấy thi thể nạn nhân bị nước cuốn mất tích vào tối 16-11. Hiện nay, người dân sơ tán đã về nhà, dọn vệ sinh và khắc phục thiệt hại. Quân khu V đã đưa hàng trăm bộ đội về các vùng ngập lụt nặng để giúp chính quyền và người dân khắc phục hậu quả lũ, lụt… Huyện Tây Giang huy động các nhà thầu tiếp tục cho xe múc, xe ủi khẩn trương khắc phục những điểm sạt lở nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại; đồng thời xuất 18 tấn gạo hỗ trợ nhân dân bốn xã vùng cao và các trường học bán trú trên địa bàn…
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã lập năm đoàn công tác chỉ đạo cứu hộ và cứu trợ khẩn cấp các vùng dân cư còn bị cô lập. Ðến nay, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh đã xuống chậm, nhưng do các tuyến giao thông bị sạt lở nên một số xã vẫn còn bị chia cắt cục bộ. Tỉnh đề nghị T.Ư hỗ trợ khẩn cấp một số mặt hàng thiết yếu gồm 10 nghìn tấn gạo, 50 nghìn thùng mì tôm, 200 nghìn lít nước uống, 200 cơ số thuốc chữa bệnh, thuốc khử trùng, sát trùng, CloraminB bột 5.000 kg, 50 nghìn viên CloraminB, 2.000 lít Benkocid… giúp người dân ổn định cuộc sống.
Ðợt mưa, lũ vừa qua trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh đã có 16 người chết và một người mất tích; sáu nhà bị sập, 84 nhà hư hỏng, gần 100 nghìn nhà bị ngập; 158 phòng học bị hư hỏng; hơn 40 nghìn m đường giao thông bị vỡ, 40 cầu cống bị phá hủy, hư hỏng… Hiện tại, nhiều vùng dân cư thuộc khu vực phía đông các huyện Tuy Phước, Phù Cát, vùng hạ lưu sông Lại Giang thuộc huyện Hoài Nhơn vẫn còn ngập sâu trong nước lũ. Các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn cùng nhiều lực lượng khác nhau vẫn đang nỗ lực cứu trợ người dân ở những vùng này. Tại tỉnh Phú Yên, mưa lũ đã làm ngập khu vực dọc bờ sông Cầu, Ðồng Xa, Kỳ Lộ tại ba huyện Sông Cầu, Tuy An, Ðồng Xuân. Hiện tại đã hết ngập, giao thông đã trở lại bình thường.
Tại tỉnh Kon Tum, tuyến đường tránh dài hơn 100m, rộng 5m đã được thông tuyến. Ðây là đoạn đường tránh đối với điểm sạt lở ta-luy âm bị đứt đường do mưa lũ, tại Km 75 850 thuộc địa phận xã Pờ Ê, huyện Kon Plong. Như vậy quốc lộ 24 trên địa phận tỉnh cơ bản đã được thông tuyến. Hiện tại, trên địa bàn chỉ còn xã Ðác Nên, do cầu tràn liên hợp nối từ xã Ðác Ring và nền đường dài 22 m dẫn vào cầu bị cuốn trôi với khối lượng lớn nên xã Ðác Nên vẫn đang bị cô lập.
Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa tổ chức hỗ trợ khẩn cấp tới đồng bào các tỉnh Bình Ðịnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Gia Lai nhằm khắc phục hậu quả sau cơn bão số 15 tổng cộng tám tấn mì tôm; 4.000 chai và bình nước các loại. Ngoài ra, đối với những thiệt hại, mất mát về người, BIDV cũng quyết định hỗ trợ các gia đình có người thiệt mạng vì bão lũ mỗi gia đình 5 triệu đồng.
Theo Sở Y tế Quảng Ngãi, trận lũ lịch sử giữa tháng 11 đã làm hầu hết các xã trong tỉnh bị chìm sâu trong nước, làm ngập 65.000 giếng nước và hàng chục nghìn gia súc, gia cầm bị chết trôi dạt khắp nơi. Môi trường bị ô nhiễm, nguy cơ dịch bệnh bùng phát rất lớn. Trong hai ngày qua, các địa phương trong tỉnh phối hợp ngành y tế triển khai xử lý vệ sinh môi trường sau lũ. Sở Y tế đã chuyển khẩn cấp cho các huyện 64 cơ số thuốc, hơn 30.000 viên Chloramin B, 135.440 viên Aqutabs với nhiều cơ số thuốc dự phòng đã được chuyển xuống cơ sở phục vụ kịp thời cho người dân. Sở cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cấp khẩn cấp cho tỉnh Quảng Ngãi 5.000 kg Chloramin B bột để vệ sinh các giếng nước và vệ sinh tẩy uế môi trường; hỗ trợ hơn 100.000 viên Aqutabs để khử khuẩn nước uống và 100 cơ số thuốc phòng, chống lũ, lụt.
Các công ty điện lực (CTÐL) thuộc Tổng công ty Ðiện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, đến chiều 18-11, tỉnh Quảng Ngãi còn 160 trạm biến áp (TBA) tại năm huyện đang xử lý hoặc chờ xử lý vì giao thông còn bị chia cắt. CTÐL Quảng Ngãi đang khẩn trương khôi phục, cấp điện trở lại cho phụ tải. Còn tại tỉnh Bình Ðịnh, sơ bộ thiệt hại về điện do cơn lũ sau bão trên địa bàn ước tính lên đến 4,827 tỷ đồng. Sản lượng điện ngưng cung cấp trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 5 triệu kW giờ. Sau khi tập trung khôi phục cấp điện cho các phụ tải quan trọng thuộc TP Quy Nhơn, CTÐL Bình Ðịnh đã khôi phục thêm được ba đường dây trung thế của TBA 110 kV An Nhơn, cũng như tập trung khôi phục lại lưới điện tại các địa phương khác đang có chiều hướng nước lũ rút dần.
Vỡ hồ chứa nước thải ti-tan ở Bình Thuận
Vào khoảng 8 giờ ngày 18-11, bờ moong khai thác ti-tan tại mỏ Suối Nhum của Công ty cổ phần Ðầu tư khoáng sản và Thương mại (CPÐTKS&TM) Bình Thuận, thuộc địa bàn thôn Thuận Thành, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) bị vỡ đã làm nước tràn ra cuốn theo rất nhiều cát, bùn đỏ từ bên trong công ty ra ngoài đường ÐT 719, đoạn Km 17 700.
Khoảng 30 m đường ÐT 719 đã bị ngập trong bùn đỏ, gây ách tắc giao thông cục bộ tuyến đường này. Một phụ nữ đi xe máy ngang qua bị bùn đỏ cuốn trôi, đã thoát kịp và chỉ bị xây xát nhẹ. Có ba xe máy cũng bị cuốn trôi chưa tìm thấy. Phần lớn lượng bùn đỏ tràn xuống rừng dương có chiều rộng hơn 150 m, sau đó trôi xuống biển. Cả một khu vực bờ biển (từ mép nước ra đến ngoài khơi khoảng hơn 200 m) có chiều dài hơn 6 km đã bị nhiễm bùn đỏ. Nhiều khu du lịch tại đây đã bị ảnh hưởng nặng nề. Công ty CPÐTKS&TM Bình Thuận đã điều động lực lượng, phương tiện san gạt, dọn dẹp bùn đỏ trên đường để giải tỏa ách tắc cho các phương tiện giao thông. Ðến 12 giờ cùng ngày, công ty đã cơ bản khắc phục xong sự cố, nước trong moong đã được ngăn không còn rò rỉ ra ngoài.
Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc, đồng thời thống kê những thiệt hại (nếu có) để yêu cầu công ty bồi thường.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()