Huy động 4.000 cảnh sát bảo vệ trận đấu bóng đá giữa Pháp và Israel
Cảnh sát trưởng Paris cho biết 2.500 cảnh sát sẽ được triển khai quanh sân vận động Stade de France, 1.500 cảnh sát khác phân bổ rải rác khắp thủ đô cũng như trên phương tiện công cộng.
Ngày 11/11, cảnh sát thủ đô Paris của Pháp cho biết 4.000 cảnh sát và 1.600 nhân viên sân vận động sẽ được triển khai nhằm đảm bảo an ninh cho trận bóng đá giữa đội tuyển Pháp và đội tuyển Israel dự kiến diễn trong tuần này tại sân vận động Stade de France.
Trận đấu diễn ra ngày 14/11, trong khuôn khổ giải Nations League của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) và có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến xem.
Hội đồng An ninh quốc gia Israel cũng vừa khuyến cáo công dân nước này ở nước ngoài tránh các sự kiện văn hóa hoặc thể thao - đặc biệt là trận đấu tại Paris sắp tới, đồng thời cẩn thận với hoạt động tấn công bạo lực đội lốt biểu tình.
Cảnh sát trưởng Paris Laurent Nunez lưu ý bối cảnh căng thẳng hiện tại khiến trận đấu trở thành sự kiện nguy cơ an ninh cao, đồng thời khẳng định mọi hành vi bạo lực sẽ không được dung thứ.
Ông cho biết 2.500 cảnh sát sẽ được triển khai quanh sân vận động Stade de France, 1.500 cảnh sát khác phân bổ rải rác khắp thủ đô cũng như trên phương tiện công cộng.
Ông nêu rõ: “Sẽ có một vành đai an ninh chống khủng bố xung quanh sân vận động. Kiểm tra an ninh như xét người, kiểm tra túi xách cũng được tăng cường.” Ban tổ chức đã liên lạc với giới chức cùng lực lượng an ninh Israel để thực hiện công tác chuẩn bị.
Trận đấu giữa hai đội tuyển Pháp và Israel diễn ra trong bối cảnh an ninh sau vụ bạo lực nhằm vào cổ động viên Israel ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan.
Tình trạng bất ổn bắt đầu vào đêm 6/11 khi các cổ động viên của câu lạc bộ Maccabi Tel Aviv hạ cờ Palestine khỏi một ngôi nhà ở trung tâm Amsterdam, dẫn đến các cuộc đụng độ với những người biểu tình ủng hộ Palestine.
Những cổ động viên Israel đã bị truy đuổi và tấn công tại nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố. Vụ đụng độ đã khiến ít nhất 5 người bị thương và hàng chục người khác bị bắt giữ. Chính phủ Hà Lan, Israel và các nước châu Âu ngay sau đó đã lên án các hành vi “bài Do Thái”./.
Ý kiến ()