Hữu Vĩnh phát triển kinh tế nông nghiệp
LSO - Xã Hữu Vĩnh nằm ở trung tâm huyện Bắc Sơn, với 407 hộ, trên 1.700 nhân khẩu tập trung sinh sống ở 8 thôn bản. Trong những năm qua, song song với phát triển thương mại dịch vụ, kinh tế nông nghiệp được chú trọng, cấp uỷ, chính quyền xã đã lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy thế mạnh của địa phương, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, phát triển các cây rau màu vụ đông, cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng sản xuất tập trung.
LSO – Xã Hữu Vĩnh nằm ở trung tâm huyện Bắc Sơn, với 407 hộ, trên 1.700 nhân khẩu tập trung sinh sống ở 8 thôn bản. Trong những năm qua, song song với phát triển thương mại dịch vụ, kinh tế nông nghiệp được chú trọng, cấp uỷ, chính quyền xã đã lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy thế mạnh của địa phương, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, phát triển các cây rau màu vụ đông, cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng sản xuất tập trung.
Người dân xã Hữu Vĩnh, huyện Bắc Sơn chăm sóc rau vụ đông
Trên con đường bê tông trải dài qua các thôn Tá Liếng, Pác Lũng, Hữu Vĩnh 2, hai bên ven đường là những ruộng rau cải, cà chua,…xanh tốt, bà con đang vun bón chăm sóc; bên cạnh đó là hệ thống kênh mương đã được cứng hoá đầy ăm ắp nước. Ông Dương Văn Ky, thôn Tá Liếng đang chăm sóc ruộng rau cho biết: rau màu ở đây người dân trồng gần như quanh năm, như gia đình tôicó 7 sào ruộng thì 4 sào tôi dành để trồng các loại rau quanh năm. Từ trồng rau cho gia đình ông thu từ 40 triệu đến 50 triệu đồng/năm. Ông Ky cho biết thêm, trước đây người trồng rau ít, chủ yếu vẫn cấy lúa, trồng thuốc lá. Nhưng khoảng 3-4 năm trở lại đây, chính quyền xã tuyên truyền vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn về trồng trọt nên phong trào trồng rau phát triển mạnh, trong thôn nhà nào cũng trồng rau màu. Từ chuyển đổi trồng cây rau màu có hiệu quả nên đời sống nhân dân ngày càng nâng lên, việc đóng góp để xây dựng thôn được thực hiện tốt hơn, đường làng ngõ xóm được bê tông sạch đẹp. Qua tìm hiểu, người dân cho biết, việc phát triển cây rau màu vài năm trở lại đây đã phát triển mạnh hơn, ngoài trồng rau vụ đông, ở một số thôn như Pá Liếng, Pác Lũng người dân còn trồng quanh năm; ngoài trồng cây rau thì cà chua trái vụ cũng được nhân dân đẩy mạnh trồng và cho kết quả tốt làm tăng đáng kể thu nhập.
Song song với trồng trọt, chăn nuôi cũng đã có bước phát triển, với quy mô tập trung hơn. Bà Dương Thị Yến, thôn Pá Nim cho biết: trước đây do kỹ thuật chăn nuôi còn hạn chế, gia đình chỉ nuôi nhỏ lẻ từ 4 con đến 6 con lợn. Mấy năm trở lại đây, được học tập qua các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi như: kỹ thuật chọn giống, phòng, chữa bệnh,… gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển đàn lợn. Hai năm trở lại đây gia đình bà nuôi gần 30 con lợn thịt/lứa, cho thu nhập trên 60 triệu đồng/năm. Bà Yến chia sẻ, nếu không được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi thì chắc gia đình cũng chỉ nuôi vài con thôi chứ không dám nuôi nhiều như bây giờ.
Theo ông Dương Hữu Huề, Chủ tịch UBND xã, địa hình của xã gồm các dãy núi đã vôi xen lẫn với đất bằng nằm dọc theo suối, các lân lũng với tổng diện tích tự nhiên là gần 1.200 ha. Trong phát triển kinh tế, bên cạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xã xác định chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, nhất là cây trồng vụ đông; phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung; phối hợp mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thật về trồng trọt, chăn nuôi;… Qua đó, hàng năm đã có những chuyển biến tích cực: Tổng diện tích gieo trồng ngày càng tăng, năm 2010 là 336 ha tăng lên 345,1 ha (năm 2012); tổng sản lượng lương thực có hạt tăng từ 1.000 tấn (năm 2010) tăng lên 1.040 tấn (năm 2012). Trong sản xuất vụ mùa năm 2013, năng suất lúa đạt 43 tạ/ha; ngô đạt 41 tạ/ha. Trong chăn nuôi đã có chuyển biến tích cực, tuy chưa có mô hình trang trại, nhưng đã có những hộ chăn nuôi lên tới 30 con đến 40 con lợn/lứa-điều mà 2 năm trở về trước chưa có. Bên cạnh đó, cây ăn quả như cây quýt được duy trì và trồng mới. Ngoài ra, hệ thống kênh mương nội đồng hàng năm đều được tu bổ, đảm bảo tưới tiêu, hiện đã cứng hoá được 30 %.
Có thể thấy, với việc phát triển nông nghiệp đúng hướng, hiệu quả, đời sống nhân dân xã Hữu Vĩnh ngày càng được nâng lên. Tỉ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, năm 2011 là 15,46% thì đến nay còn 8,4%; đường giao thông nông thôn cơ bản được bê tông hoá (trên 90%); thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/năm.
Bài, ảnh: Đỗ Hoạt

Ý kiến ()